Tổng cục phòng chống thiên tai nhận định, so với 3 lần quan trắc trước, kết quả lần này cho thấy cồn cát tiếp tục có xu hướng bồi ở phía Bắc, phía Tây ổn định, ít thay đổi.
Đặc biệt, phía Đông hình thành các doi cát và liên tục dịch chuyển, biến đổi sau mỗi tuần, nhất là quanh cọc số 5 và 6.
Phía Nam tiếp tục diễn biến rất phức tạp, so với tuần trước (ngày 26-4) và ngày 3-5 (khảo sát lần 3) thì khu vực này đang bồi về cả 2 phía Đông Nam và Tây Nam. Tại vị trí cọc số 9 đã bồi cao thêm 0,6m và dài 50,1m về phía Tây Bắc.
Lần khảo sát thứ 4 này, Tổng cục phòng chống thiên tai cũng đã đóng thay thế cọc tại các vị trí số 6, 7, 9 và đặt 3 mốc thủy chuẩn để chuẩn bị cho công tác đo đạc bình đồ (trên cạn và dưới nước) khu vực này.
Hình ảnh khảo sát cồn cát ngày 21-4
Như Báo SGGP Online đã đưa tin, cồn cát xuất hiện tại biển Cửa Đại, TP Hội An dài khoảng 1,5km, rộng 200m, cao hơn 2m so với mực nước biển, khối lượng cát khoảng 60 triệu m³. Khu vực hình thành cồn cát, người dân gọi là “đảo cát”, cách bờ khoảng 2km.
Ngày 5-4, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT đã đến kiểm tra và cho biết, hiện Tổng Cục đang theo dõi sát sao diễn biến của bãi bồi này.
Ngày 2-5, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, cồn cát này vẫn đang diễn biến phức tạp. Tổng cục Phòng chống thiên tai đã phối hợp với chính quyền tỉnh Quảng Nam tiến hành khảo sát lần thứ 3 tại cồn cát này.
Qua khảo sát cho thấy, cồn cát bắt đầu xói ở phía Đông Nam và bồi dần về phía Tây Nam.
UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND TP Hội An tổ chức cắm biển báo cấm lên khu vực đảo cát
UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND TP Hội An tổ chức cắm biển báo cấm lên khu vực đảo cát.
Đồng thời, lực lượng chức năng thông báo cho các đơn vị lữ hành, chủ các tàu thuyền và người dân địa phương không tự ý tổ chức đưa người dân, du khách ra khu vực đảo cát hoặc triển khai các hoạt động tự phát trên đảo cát.