Đang khỏe mạnh, bé M. (5 tháng tuổi), con trai của chị T. bất ngờ bị tiêu chảy kéo dài. Cho bé uống thuốc mãi nhưng không đỡ, chị T. đưa con đi khám, làm xét nghiệm thì bất ngờ được bác sĩ kết luận bé bị nhiễm khuẩn đường ruột. Bé M. phải vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị trong vòng nửa tháng, bệnh chữa trị phức tạp và dai dẳng.
“Con bị bong hết niêm mạc ruột, tiêm truyền kháng sinh lần đầu trong vòng 6 ngày nhưng không có tiến triển, kháng thuốc. Bác sĩ phải cho bé chuyển sang dùng kháng sinh loại mạnh hơn. Bác sĩ còn bảo nếu dùng thuốc này mà không đỡ thì phải dùng loại mạnh hơn nữa nhưng lại có nhiều tác dụng phụ.
May là đợt điều trị sau thì con đỡ hơn. Truyền thuốc 7 ngày, xét nghiệm cho kết quả âm tính nhưng con vẫn bị đi ngoài. Bác sĩ cho xuất viện và dặn dò kỹ càng để tránh việc con bị tái lại” - chị T. kể.
Bé M. bị nhiễm khuẩn đường ruột, vào bệnh viện Nhi Trung ương điều trị nửa tháng.
Chị T. chia sẻ thêm, bác sĩ nói nhiễm khuẩn đường ruột có nhiều nguyên nhân gây bệnh. Bệnh này dễ tái đi tái lại nên người lớn phải hết sức cẩn thận, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khi cho con bú, ăn uống, không cho con ăn thức ăn lung tung, trông chừng không để nhét đồ vào miệng. Không hôn, thơm con vì đó cũng là một trong những tác nhân gây bệnh.
“Với trường hợp của con mình thì cũng không rõ nguyên nhân do đâu. Nhưng ở nhà nhiều người lớn, các cô bác hàng xóm hay quý mến rồi hôn, thơm rối rít, dí mũi vào miệng cháu… Mình lo lắng lắm dù biết mọi người quý con chứ không có ý gì.
Nhưng bây giờ cứ phải cẩn thận là trên hết nên mình đăng lên, mong mọi người hiểu mà giữ gìn cho cháu. Chứ bị như thế này chữa rất mệt và tốn kém. Mẹ con mình không muốn quay lại bệnh viện nữa.
Tổng chi phí của đợt điều trị hết hơn 19 triệu đồng, trừ bảo hiểm y tế đi còn phải chi trả hơn 15 triệu đồng. Đây cũng là một khoản tiền không nhỏ với điều kiện nhà mình” - chị T. nói.
Việc chữa bệnh kéo dài, phức tạp và tốn kém.
Khi về nhà, chị T. dặn dò, truyền đạt lại lời của bác sĩ với mọi người, các thành viên trong nhà đồng thuận, tất cả vì mục đích giữ gìn sức khỏe cho bé.
Không chỉ chị T. mà nhiều bà mẹ khác cũng đồng quan điểm với việc người lớn tuyệt đối không hôn, thơm vào mặt, miệng em bé. Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, do đó cơ thể bé không thể đề kháng với các loại virus, vi khuẩn. Trong khi đó, người lớn cũng không hề biết miệng của mình có chứa những virus, vi khuẩn gì.
Việc thơm, hôn trẻ là cách dễ dàng nhất để lây truyền các loại virus, vi khuẩn sang cho bé. Một số loại virus, vi khuẩn nguy hiểm có thể lây truyền và gây nguy hiểm cho bé như: Virus Herpes, RSV (virus hợp bào hô hấp), vi khuẩn lao, não mô cầu, cúm, sởi, tay chân miệng...