Tin xấu ồ ạt bủa vây Bitcoin
Với những nhà đầu tư tiền số, vài tháng vừa qua thực sự là giai đoạn thử thách thần kinh cường độ cao bởi sự biến động dữ dội trên thị trường.
Tính tới 0h10 ngày 23/1 theo giờ Hà Nội, Bitcoin được giao dịch với giá 35.000 USD/coin, giảm khoảng 9,46% so với phiên giao dịch trước đó. Ethereum, đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn thứ 2, cũng giảm mạnh tới 13,26% xuống còn 2.438 USD/coin.
Kể từ đỉnh khoảng 69.000 USD/coin được xác lập hồi tháng 11, Bitcoin hiện đã mất gần 50% giá trị vốn hóa. Việc đánh mất mốc 40.000 USD trước khi rơi thẳng về giá 35.000 USD đã thực sự quét sạch những ngưỡng hỗ trợ cuối cùng với tiền số.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nói rằng: "Mức hỗ trợ tiếp theo của Bitcoin khi nó thủng 37.000 USD là 30.000 USD".
Những cú tăng, giảm cường độ lớn của Bitcoin và các đồng tiền số khác chắc hẳn không phải điều gì quá xa lạ đối với các nhà đầu tư tiền số dài hạn. Tuy nhiên, Jeff Dorman, giám đốc tại công ty đầu tư tiền số Arca, nói rằng đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm niềm tin vào đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất.
"Đã có dấu hiệu tiền bị rút ra. Chắc chắn sự quan tâm của các nhà đầu tư với Bitcoin đã hạ nhiệt", Dorman nói.
Kể từ khi đạt đỉnh mọi thời đại vào tháng 11, Bitcoin đã rơi mạnh kéo theo gần như toàn bộ thị trường mất giá. Trong khi đó, Nasdaq, với chủ yếu các cổ phiếu công nghệ, cũng đã rơi vào vùng điều chỉnh khi giảm liên tiếp 10% so với đỉnh.
Mối tương quan giữa Bitcoin và các tài sản như cổ phiếu công nghệ không phải điều mới xảy ra, thậm chí còn đang phát triển mạnh những tuần gần đây. Theo dữ liệu từ Bloomberg, mối tương quan trong 100 ngày giữa Nasdaq Composite và Bitcoin là 0,47, tăng so với 0,3 vào cuối tháng 11/2021.
Nhiều người cho rằng những đợt bán tháo gần đây của Bitcoin, tiền số và cổ phiếu công nghệ bắt nguồn tự việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) thay đổi chính sách tiền tệ lỏng lẻo, được tạo ra để kích thích kinh tế khỏi những tác động của Covid-19.
Trong cuộc họp tháng 11, FED cho biết họ sẽ giảm chương trình mua trái phiếu và dọn đường cho việc tăng lãi suất. Nó đi ngược hoàn toàn với những chính sách góp phần thúc đẩy sự đột phát của thị trường tiền số kể từ năm 2020 tới nay.
"FED rõ ràng đã hiểu sai về tình hình lạm phát và họ đang phải quyết liệt với việc thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.
Điều này đã khiến lợi suất trái phiếu khi bạc của Mỹ tăng vọt. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng 1,9% trong tuần này. Đó không phải tin tốt cho các tài sản rủi ro. Bitcoin chính là tài sản rủi ro nhất trong số đó", Moya nói với Fortune.
Dorman của Arca thì nói rằng tất cả mọi thứ, từ quỹ ARK Innovation ETF của Cathie Wood đến các SPAC hay gần đây là các đợt IPO và Bitcoin đều đang hứng chịu áp lực. Giá của chúng đã giảm khá nhiều trước các đợt tăng lãi suất tiềm năng của FED.
Những gì đang diễn ra cũng trở thành đòn đánh mạnh vào lập luận cho rằng Bitcoin sẽ đóng vai trò như một hàng rào chống lại lạm phát.
"Bất kể Bitcoin có được coi là gì đi chăng nữa thì nó đang được giao dịch như một chỉ báo rủi ro vĩ mô bởi một loạt quỹ, các chính phủ và những tổ chức tài chính truyền thống", Dorman nói.
Trong khi đó, sự đa dạng hóa cũng có thể là yếu tố khiến Bitcoin lao dốc. Các nhà đầu tư đang chuyển sang các đồng tiền thay thế khác mà họ nghĩ rằng chúng có tiềm năng. Ethereum là ví dụ. Solana, Polkadot, Cardano và Avalanche cũng đều là những ngôi sao đang lên. Thị trường được đa dạng hóa đã thực sự làm tổn hại tới vị thế Bitcoin.
Ngoài ra, không thể không kể đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và việc Nga đe dọa cấm khai thác và sử dụng Bitcoin trên toàn lãnh thổ của mình. Trước đó, tiền số đã bị Trung Quốc cấm cửa và đang nằm dưới sự đe dọa kiểm soát chặt chẽ hơn từ các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.
Tiền số sẽ đi về đâu?
Đó là câu hỏi rất nhiều người đang nỗ lực đi tìm câu trả lời ở thời điểm hiện tại. Các chuyên gia thì đưa ra những dự báo khác nhau cho từng loại tiền số khác nhau.
Đối với Yuya Hasegawa, một chuyên gia phân tích tiền số tại sàn Bitbank của Nhật Bản, tương lai ngắn hạn của Bitcoin phụ thuộc vào cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở liên bang của Mỹ trong tuần tới. Thậm chí, Hasegawa tin rằng Bitcoin có thể chọc thủng đáy 28.000 USD trước khi phục hồi trở lại ở 60.000 tới 80.000 USD trong năm nay.
Kevin Kelly, trưởng bộ phận vĩ mô tại Công ty Nghiên cứu tiền số Delphi Digital, cũng chia sẻ quan điểm con đường sắp tới của Bitcoin sẽ gập ghềnh hơn. "Thị trường tiền số sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn đến trung hạn. Đợt bán tháo gần đây diễn ra mạnh hơn so với dự báo của chúng tôi nhưng nó chỉ nối tiếp những tâm lý tiêu cực vài tuần qua", Kelly nói.
Bản thân Kelly cũng không loại trừ Bitcoin có thể thủng 30.000 USD khi tâm lý các nhà đầu tư tiếp tục xấu đi.
Moya của Oanda thì tin rằng vài tháng tới, Bitcoin vẫn biến động. Từ góc nhìn kỹ thuật, Bitcoin có thể dao động trong khoảng 35.000 tới 50.000 USD trong quý đầu tiên của năm 2022. Sau đó, ông hy vọng Bitcoin sẽ tìm được sự ổn định sau đợt tăng lãi suất thứ 2 của FED và có thể kết thúc năm với giá khoảng 60.000 USD/coin.
Bản thân Moya cũng tin rằng Ethereum cũng sẽ phục hồi và được giao dịch ở mức trên 4.000 USD vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điểm trừ của Ethereum là việc nó đang mất dần thị phần trong NFT và không chắc nó có thể "dễ dàng chạm mốc 5.000 USD".