Comac C919 đạt bước tiến mới: Sẽ đe dọa Airbus, Boeing hay sớm đi vào vết xe đổ?

Quốc Hoàng |

Máy bay C919 của Trung Quốc vừa tiến thêm một bước dài để được phép cất cánh.

BƯỚC TIẾN MỚI CỦA COMAC C919

Máy bay thân hẹp đầu tiên của Trung Quốc đã hoàn tất các quy trình pháp lý và giấy tờ thủ tục để bắt đầu tham gia vận chuyển hành khách, đánh dấu một bước tiến lớn của công ty hàng không Bắc Kinh, đồng thời thách thức tính độc quyền của Boeing và Airbus. Tất nhiên, trước khi được đưa vào khai thác, chiếc máy bay phải trải qua đầy đủ các bài kiểm tra và đánh giá an toàn kỹ thuật nghiêm ngặt.

Theo tờ Tân Hoa Xã, chiếc máy bay đã nhận được Giấy chứng nhận loại (Type Certification) từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC). Theo quy định của CAAC, đây là chứng nhận đầu tiên trong ba chứng nhận cần thiết để một chiếc máy bay có thể được đưa vào khai thác.

Comac C919 đạt bước tiến mới: Sẽ đe dọa Airbus, Boeing hay sớm đi vào vết xe đổ? - Ảnh 1.

Hình ảnh chiếc máy bay C919 đầu tiên được giới thiệu với công chúng. Ảnh: The Wall Street Journal.

Tờ Tân Hoa Xã cũng thông tin thêm rằng dự án C919 đã có từ năm 2007, nhưng mãi đến năm 2015 dự án mới thực sự được nghiên cứu theo chính sách chiến lược 10 năm “Made in China 2025”. Chính sách đưa ra nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài và thúc đẩy năng lực thiết kế lẫn kỹ thuật trong nước ở các ngành công nghệ cao, như chất bán dẫn và sản xuất máy bay.

Máy bay C919 này của Trung Quốc có thể có sức chưa lên đến 168 hành khách với tầm bay tối đa khoảng 5.550km (tương đương khoảng cách từ Việt Nam đến Australia), được xếp vào loại máy bay đường ngắn đến trung bình.

Comac cũng sẽ cần phải được CAAC cấp phép trước khi sản xuất hàng loạt C919, đồng thời mỗi chiếc máy bay phải được cấp chứng nhận "airworthiness certificate" (tạm dịch: Chứng chỉ đủ điều kiện bay). Tân Hoa Xã cho biết, Tập đoàn hàng không quốc doanh China Eastern Airlines sẽ nhận chiếc C919 đầu tiên trong năm nay. Theo một thông báo trước đó của công ty, hãng sẽ nhận thêm 4 chiếc nữa vào năm 2023. Với mức giá khoảng 99 triệu USD, C919 rẻ hơn Airbus A320 - có giá trung bình khoảng 128 triệu USD.

Comac C919 đạt bước tiến mới: Sẽ đe dọa Airbus, Boeing hay sớm đi vào vết xe đổ? - Ảnh 2.

Airbus A320 là một trong những máy bay thương mại thông dụng hiện nay. Ảnh: Wikipedia

VẾT XE ĐỔ CỦA ARJ21 VÀ MA60

Mặc dù C919 có vẻ “Made in China”, các nhà phân tích cho rằng công ty sản xuất vẫn phải đặt hàng các bộ phận cốt lõi từ nước ngoài, bao gồm động cơ và các hệ thống an toàn bay. Việc này khiến dự án dễ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ mà trước đó, các lệnh này chủ yếu nhằm vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.

Cho dù chiếc C919 đầu tiên do Trung Quốc sản xuất được đưa vào khai thác, thì mới chỉ là bước đầu tiên trong hành trình dài tự cung tự cấp của Trung Quốc, chưa tính đến việc chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Comac C919 đạt bước tiến mới: Sẽ đe dọa Airbus, Boeing hay sớm đi vào vết xe đổ? - Ảnh 3.

Airbus và Boeing, hai ông lớn mà Trung Quốc phải đối đầu khi bước ra thị trường quốc tế. Ảnh: Les Ailes du Québec

Theo ông Wang Yanan, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và là Tổng biên tập của một tạp chí hàng không Trung Quốc, Comac sẽ cần ít nhất một năm để hoàn thiện quá trình sản xuất hàng loạt C919, cũng như đào tạo phi hành đoàn, thợ máy và chuẩn bị các dịch vụ khác. Ông Wang nói: “Đối với các hãng hàng không khác, việc khai thác một thế hệ máy bay mới có thể gặp nhiều khó khăn. Song, với Comac, hãng sẽ không gặp quá nhiều khó khăn bởi hầu hết các nhà cung cấp đều ở trong nước”.

Ngay cả khi nhận được hỗ trợ tích cực của chính phủ Trung Quốc, theo các chuyên gia, C919 sẽ không thể chiếm lĩnh được thị trường trong nước ít nhất là cho tới một thập kỷ nữa. Thậm chí, việc tiếp cận thị trường quốc tế còn khó khăn hơn khi C919 bắt buộc phải nhận được các chứng nhận từ Mỹ hoặc từ các cơ quan quản lý Châu Âu.

Comac C919 đạt bước tiến mới: Sẽ đe dọa Airbus, Boeing hay sớm đi vào vết xe đổ? - Ảnh 4.

Động cơ máy bay là một trong những bộ phận mà có thể Trung Quốc sẽ nhập khẩu để giảm thời gian sản xuất và chi phí nghiên cứu.

Năm 2016, máy bay chở khách do Trung Quốc sản xuất đầu tiên, ARJ21, đã chính thức được đưa vào hoạt động, nhưng chậm hơn một thập kỷ so với kế hoạch ban đầu do khâu sản xuất bị gián đoạn. Đồng thời, thế hệ máy bay này cũng chưa nhận được chứng nhận của Mỹ hoặc Châu Âu. Trước đó, mẫu máy bay cánh quạt MA60 mà dựa trên thiết kế của một mẫu máy bay từ thời Liên Xô, đã có doanh số thảm hại khi đã xảy ra nhiều tai nạn trong và ngoài nước.

Đối với mẫu C919, Comac đã và đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng linh kiện sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường, ngành công nghiệp sản xuất máy bay nên tự thiết kế và vẫn tiếp tục sử dụng nguồn cung toàn cầu, chỉ cần sản phẩm cuối cùng là “Made in China”. Song, việc phụ thuộc vào các công nghệ không phải của Trung Quốc sẽ có nguy cơ làm chậm tiến sau này do Trung Quốc vẫn muốn tự chủ công nghệ.

Một điều cũng cần nhắc tới là Mỹ lâu nay vẫn cáo buộc Trung Quốc tìm cách ăn trộm bí mật công nghệ để sử dụng cho mục đích quân sự, và đã đặt ra nhiều giới hạn trong việc xuất khẩu máy móc, linh kiện điện tử quan trọng trong việc sản xuất tàu bay hiện đại. Các đồng minh của Mỹ cũng có cáo buộc tương tự, khiến cho tương lai của Comac C919 trở nên mong manh trước các lệnh cấm vận hoặc các lệnh cấm xuất khẩu linh kiện từ phía Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại