Đoạn clip đang được chia sẻ với sự bức xúc lớn từ người xem. Một chiếc xe tải nhỏ biển số Hưng Yên đang cố gắng vượt qua đường ray dù đèn đỏ đã bật, tiếng còi tàu cũng được cảnh báo từ xa.
Khi vượt được nửa đường, chiếc xe tải có vẻ như đã bị chết máy không di chuyển được. Anh tài xế vội vàng nhảy xuống, cố gắng đẩy chiếc xe vượt qua đường ray thoát khỏi một vụ tai nạn.
Còi tàu kéo inh ỏi, tài xế nhảy xuống… ủn xe thoát khỏi đường ray trong gang tấc
Tàu hỏa do quan sát được từ xa cũng đã cố gắng phanh lại. Rất may chưa có sự cố nào xảy đến.
Đa phần người xem được video đều nói rằng tài xế xe tải đã quá may mắn. Họ cũng bày tỏ sự bức xúc khi chiếc xe tải đã đi quá nguy hiểm.
Theo Luật Đường sắt 2017, đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.
Vì thế, hành vi bị xử phạt trong Nghị định 100 không mang tên là vượt rào chắn đường sắt mà được quy định là lỗi “vượt rào chắn đường ngang”.
Hiện nay, vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm; vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt.
Hành vi vượt rào chắn đường ngang khi chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng được hiểu tương đương và có cùng mức phạt đối với hành vi vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang, khi đi qua đường ngang.
Điều 47 Nghị định 100 năm 2019, sửa đổi bởi khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vượt rào chắn đường ngang tối đa là 05 triệu đồng.
Mức phạt cụ thể tùy vào phương tiện vi phạm cụ thể: Người đi bộ mức phạt từ 60.000 - 100.000 đồng; Xe đạp mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng; xe máy mức phạt từ 600.000 - 01 triệu đồng; xe máy kéo, xe máy chuyên dùng mức phạt từ 02-03 triệu đồng; ô tô mức phạt từ 04 - 06 triệu đồng.