Coca-Cola trong lon dường như ít hơn? Không phải tưởng tượng, đó chính là biểu hiện của lạm phát

Bảo Nam |

Trong thời điểm khó khăn hiện tại, nhiều công ty đã âm thầm cắt giảm quy mô của sản phẩm của mình, trong khi vẫn giữ nguyên giá như trước.

Bạn có bao giờ nhận thấy mình đang nhận được ít Coca-Cola trong lon hơn một chút với cùng một mức giá không? Hoặc thanh sô cô la của bạn đã bị thu hẹp lại, mặc dù giá của nó không đổi?

Khi chi phí nguyên liệu và nhiên liệu tăng, người tiêu dùng đã phải chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng như trứng, xăng hay cà phê. Nhưng, một số công ty đã chuyển sang một phương pháp tinh vi hơn - hay có thể nói là lén lút hơn - đó là bán một lượng sản phẩm nhỏ hơn với cùng một mức giá. Thậm chí có cả một cái tên riêng để gọi hiện tượng này.

Shrinkflation

Trong kinh tế học, shrinkflation là quá trình các mặt hàng bị thu nhỏ về kích cỡ hoặc số lượng, hoặc thậm chí đôi khi thay đổi công thức hoặc giảm chất lượng trong khi giá của mặt hàng trên vẫn như cũ hoặc thậm chí tăng thêm.

Và nó là một hiện tượng quốc tế đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Các nhà nghiên cứu cũng có chung quan điểm rằng điều này khó có thể biến mất trong thời gian tới. Theo luật sư về quyền người tiêu dùng Edgar Dworsky, người sáng lập công ty Consumer World có trụ sở tại Mỹ, thì đây là hiện tượng “có xu hướng diễn ra theo chu kỳ”.

“Trong thời kỳ lạm phát, chẳng hạn như những gì chúng ta đang trải qua hiện nay, bạn sẽ thấy nhiều điều đó hơn vì các nhà sản xuất đang phải chịu áp lực, chẳng hạn từ chi phí sản xuất tăng lên”, vị luật sư này chia sẻ.

 Coca-Cola trong lon dường như ít hơn? Không phải tưởng tượng, đó chính là biểu hiện của lạm phát  - Ảnh 1.

Những hộp kem nhỏ dần theo thời gian.

Theo Dworsky, các công ty thường đưa ra ba lý do để thu hẹp quy mô kích cỡ sản phẩm của họ. Đó là do giá nguyên vật liệu đã tăng, chi phí vận chuyển tăng hoặc họ đang đưa ra biện pháp cạnh tranh phù hợp do một đối thủ đã tăng giá.

Breyers, một thương hiệu kem phổ biến ở Mỹ, đã âm thầm thu hẹp kích thước sản phẩm của mình trong vòng 20 năm. Từ 1,89 lít, hộp chứa kem đã được giảm kích thước xuống 1,65 lít và sau đó là 1,42 lít.

“Nó tương đương việc bạn đã đánh mất hai cốc kem”, ông nói.

Dworsky lưu ý rằng hầu hết tất cả các loại sản phẩm, từ khoai tây chiên giòn đến giấy vệ sinh, đều có thể được thu nhỏ kích cỡ. Nhưng, các công ty không bao giờ thông báo điều này. Thay vào đó, họ chọn làm nổi bật những mặt tích cực chẳng hạn như những dịp họ cung cấp một số khoản ưu đãi cho một sản phẩm.

“Đó là lý do tại sao việc đó trở nên lén lút”, ông nói thêm.

 Coca-Cola trong lon dường như ít hơn? Không phải tưởng tượng, đó chính là biểu hiện của lạm phát  - Ảnh 2.

Các công ty có thể thu nhỏ kích thước một thanh sô cô la bằng cách làm tròn các cạnh của nó.

Một số quốc gia khác cũng được phát hiện hay xảy ra tình trạng thu nhỏ sản phẩm do lạm phát, bao gồm Vương quốc Anh và Nhật Bản.

Singapore gần đây cũng có một số báo cáo về tình trạng này. Ví dụ, một thương hiệu khoai tây chiên giòn đã giảm 11 gam khoai tây trong hộp của mình, xuống còn 147 gam.

Một khối sô cô la của thương hiệu Cadbury Dairy Milk nặng 250 gam vào năm 2009 giờ nặng 180 gam, tức giảm 28%. Một thanh Milk Cadbury tiêu chuẩn có kích thước 49 gam nay nặng 45 gam, chênh lệch 8%.

Và một lon Coca-Cola 330 ml đã giảm 3% xuống còn 320 ml kể từ năm 2017.

Khi được hỏi về điều này, Coca-Cola cho biết họ thực hiện điều này nhằm đảm bảo rằng việc tiếp tục “cung cấp sản phẩm với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng Singapore”. Theo công ty, chi phí hàng hóa tăng có nghĩa là sẽ nảy sinh "nhu cầu thường xuyên" của việc tăng giá sản phẩm.

 Coca-Cola trong lon dường như ít hơn? Không phải tưởng tượng, đó chính là biểu hiện của lạm phát  - Ảnh 3.

Lượng Coca của lon bên trái, trông cao to hơn, hóa ra lại ít hơn lon bên phải.

Mondelez International, chủ sở hữu của thương hiệu Cadbury, cho biết danh mục sản phẩm của họ “được tạo ra dựa trên sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng”. Những thứ này có thể thay đổi theo quốc gia tùy thuộc vào thời gian, sở thích hoặc kênh cung ứng, theo một người phát ngôn của công ty.

“Chúng tôi phát triển phương pháp tiếp cận về giá và thiết kế dựa trên sự hiểu biết về nhu cầu của người tiêu dùng và chi phí của sản xuất và chuỗi cung ứng.”

"Ảo thuật" với bao bì

Theo giáo sư Klaus Wertenbroch tại trường kinh doanh Insead, các công ty cố gắng che giấu việc kích thước sản phẩm bị thu hẹp thông qua phương pháp tâm sinh lý.

Cụ thể, các công ty có thể thay đổi các kích thước khác nhau như chiều dài, chiều rộng và chiều cao của bao bì sản phẩm của họ để làm mờ nhận thức của người tiêu dùng về những thay đổi trong kích thước thực tế. Ông nói: “Càng nhiều thay đổi về nhiều khía cạnh, càng khó theo dõi."

 Coca-Cola trong lon dường như ít hơn? Không phải tưởng tượng, đó chính là biểu hiện của lạm phát  - Ảnh 4.

Rất khó phân biệt một hộp chứa rộng hơn, ngắn hơn hay một cái cao hơn, mảnh mai hơn sẽ chứa nhiều khoai tây chiên giòn hơn.

Đây cũng là cách hai nhãn hiệu khác nhau của cùng một mặt hàng thực phẩm có thể có cùng kích thước nhưng lại chứa số lượng khác nhau.

Wertenbroch đã chứng minh điều này bằng hai chai bơ đậu phộng có kích thước rất giống nhau - ngoại trừ một chai có vết lõm lớn hơn ở đáy. Và khi kiểm tra kỹ hơn, nó cho thấy sự khác biệt gần 50 gam giữa hai nhãn hiệu.

Một số công ty giảm quy mô theo những cách đơn giản hơn. Ví dụ, một công ty gia vị đã để lại nhiều không gian trống hơn trong chai mùi tây của mình.

Thông thường, các công ty thay đổi bao bì để làm mới thương hiệu của họ. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng không phải lúc nào cũng kiểm tra cẩn thận, cho phép các công ty cũng có thể thu nhỏ sản phẩm để hạ giá thành và tăng tỷ suất lợi nhuận, theo vị giáo sư chuyên về lĩnh vực tiếp thị này.

 Coca-Cola trong lon dường như ít hơn? Không phải tưởng tượng, đó chính là biểu hiện của lạm phát  - Ảnh 5.

Bước chân vào siêu thị là bạn đã chính thức tham gia một cuộc chiến để bảo vệ túi tiền của mình.

Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò ý kiến với khoảng 80 người, người ta đã phát hiện ra rằng khoảng 60% người tiêu dùng thích trả nhiều hơn và nhận được cùng một số lượng sản phẩm như trước đây. Bởi việc xác định chính xác chi phí bỏ ra cho một lượng sản phẩm nhất định, cho phép họ quản lý chi phí sinh hoạt một cách dễ dàng hơn, cũng như nhận ra mức ảnh hưởng của lạm phát.

Cuối cùng, dưới đây là một số mẹo để tiết kiệm tiền mua hàng tạp hóa:

Đầu tiên, hãy lập danh sách mua sắm và thử sử dụng một số ứng dụng, website để so sánh giá các sản phẩm từ đó tìm ra nơi có thể mua được hàng rẻ nhất.

Thứ hai, luôn nhớ rằng một gói lớn hơn không phải lúc nào cũng rẻ hơn. Nếu băn khoăn, hãy thử dùng smartphone để tính chi phí đơn vị của một sản phẩm để biết một gói nhỏ hơn hay lớn hơn có giá trị đáng "đồng tiền bát gạo" hơn.

Thứ ba, xem xét các thương hiệu riêng của chính siêu thị sản xuất. Chúng có xu hướng rẻ hơn vì các chuỗi siêu thị có thể cắt bỏ chi phí trung gian lẫn chi phí quảng cáo. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy.

Thứ tư, hãy thử kiểm tra giá ở các cửa hàng tạp hóa bình dân. Các cửa hàng này thường giảm giá cho các mặt hàng như nước ngọt, nhờ ưu đãi được kích hoạt bởi các yếu tố như bán được số lượng lớn từ các nhà cung cấp.

Cuối cùng, hãy mua phiếu giảm giá (voucher) từ các ứng dụng mua sắm đáng tin cậy khi có chương trình khuyến mãi. Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng các mã giảm giá của Shopee hay Momo khi mua hàng trong các chuỗi siêu thị như Circle K, T-Mart...

Tham khảo CNA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại