Cố vấn Nhà Trắng: Muốn không bị 'cấm cửa', Tiktok chỉ còn nước tách khỏi Trung Quốc và trở thành công ty Mỹ

Anh Việt |

Cố vấn Nhà Trắng cho rằng việc TikTok tách khỏi công ty mẹ Beijing ByteDance Technology Co sẽ là một lựa chọn tốt hơn so với việc ứng dụng này phải đối mặt với các lệnh cấm từ phía chính phủ Mỹ

Ông Larry Kudlow - cố vấn kinh tế của Nhà Trắng mới đây đã gợi ý TikTok nên tách ra khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc và hoạt động độc lập "như một công ty Mỹ", trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc ban hành lệnh cấm ứng dụng này với lý do đe dọa an ninh quốc gia.

Trao đổi với Reuters, ông Larry Kudlow cho rằng, việc TikTok tách khỏi Beijing ByteDance Technology Co sẽ là một lựa chọn tốt hơn so với việc ứng dụng này phải đối mặt với các lệnh cấm, vốn được nhắc đến lần đầu bởi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào hồi đầu tháng 7.

"Chúng tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Tôi nghĩ TikTok nên tách khỏi tập đoàn chủ quản ở Trung Quốc điều hành và hoạt động như một công ty độc lập của Mỹ", ông Keith Kudlow nói. Tuy nhiên, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng đã từ chối bình luận khi được hỏi liệu các công ty Mỹ có thể mua lại TikTok hay không.

Cố vấn Nhà Trắng: Muốn không bị cấm cửa, Tiktok chỉ còn nước tách khỏi Trung Quốc và trở thành công ty Mỹ - Ảnh 1.

Ông Larry Kudlow - cố vấn kinh tế của Nhà Trắng

Khi được hỏi về nhận xét của Kudlow, phát ngôn viên của TikTok cho biết công ty này "sẽ không đưa bình luận về các suy đoán trên thị trường". Công ty này cũng tái đề cập tới một tuyên bố được đưa ra vào tuần trước, khi cho biết ByteDance đang ‘đánh giá các thay đổi đối với cấu trúc doanh nghiệp của Tiktok" và cam kết sẽ bảo vệ sự riêng tư và bảo mật của người dùng.

Trước đó, một số nguồn tin riêng cho biết chính quyền tổng thống Donald Trump đang cân nhắc sử dụng "Đạo luật quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế" để trừng phạt các công ty như TikTok. Đạo luật này cho phép tổng thống Mỹ có các biện pháp trừng phạt các công ty của nước khác "trước các mối đe dọa bất thường". Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đề cập tới ý tưởng cấm các ứng dụng ‘made in China’ như Tiktok và WeChat do lo ngại các rủi ro về an ninh quốc gia. 

Về phía TikTok, nền tảng chia sẻ video thu hút nhiều người trẻ này đã nhiều lần phản bác lại các cáo buộc của Mỹ, vốn cho rằng Tiktok là một công cụ gián điệp của Trung Quốc. Tiktok cũng nhấn mạnh nền tảng này không chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Bắc Kinh. Công ty này cũng chỉ ra việc giám đốc điều hành TikTok là một người Mỹ.

Tham khảo Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại