Có tới 9.999 căn phòng nhưng Cố Cung không hề có nhà vệ sinh - vì sao?

Trần Quỳnh |

Nghe qua thì đây có vẻ là một điều khó tin, nhưng sự thật là Cố Cung thời cổ đại chưa bao giờ tồn tại bất kỳ gian nhà vệ sinh nào.

Cố Cung (Tử Cấm Thành) chính là công trình kiến trúc nổi tiếng tại Bắc Kinh và cũng được biết tới như một biểu tượng văn hóa của Trung Quốc. Công trình này không chỉ thu hút du khách bởi lối kiến trúc đậm nét Trung Hoa, mà còn khiến nhiều người tò mò bởi những điều kỳ lạ tồn tại ở nơi đây.

Theo miêu tả của các nguồn sử liệu, Cố Cung khi xưa từng có tới 9.999 căn phòng. Nhưng điều kỳ lạ nằm ở chỗ, cả Tử Cấm Thành này lại không có lấy một nhà vệ sinh.

Vậy đâu là lý do khiến công trình này lại tồn tại một chỗ khuyết lớn như vậy? Và người trong cung cấm thời xưa khi muốn đi vệ sinh sẽ phải "giải quyết" ra sao?

Nguyên nhân Cố Cung không xây dựng nhà vệ sinh

Về việc vì sao Cố Cung không xây nhà vệ sinh, giới chuyên gia đưa ra những nguyên nhân lý giải chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, giữ gìn sự tôn nghiêm cho nơi ở của Hoàng đế.

Vào thời phong kiến, đây là nơi sinh sống và làm việc của Hoàng đế. Đây cũng là lý do mà Cố Cung rất coi trọng về việc giữ gìn sự uy nghiêm, đề cao sự tôn quý, cao nhã.

Thế nhưng, trong Tử Cấm Thành rộng lớn ấy không chỉ có một mình Hoàng đế mà còn cả trăm ngàn mỹ nữ hậu cung cùng một số lượng khổng lồ người hầu hạ.

Nếu tất cả số người ấy cùng giải quyết nhu cầu bài tiết trong một vài căn nhà vệ sinh khiến cho chất thải bị đọng lại, Tử Cấm Thành cũng sẽ vì vậy mà mất đi sự tôn nghiêm, cao nhã.

Có tới 9.999 căn phòng nhưng Cố Cung không hề có nhà vệ sinh - vì sao? - Ảnh 1.

Với quy mô vô cùng rộng lớn, nhưng khó ai tin được Cố Cung năm xưa lại không có nổi một nhà vệ sinh.

Thứ hai, bảo vệ bầu không khí trong hoàng cung.

Hoàng đế Trung Hoa vốn được coi là Thiên Tử. Nếu đã là con trời, điều kiện đãi ngộ đương nhiên phải là những thứ tốt nhất. Thế nhưng, kiểu nhà vệ sinh thời xưa thường rất thô sơ, được làm dưới dạng hố, thậm chí còn không có chức năng tự hoại.

Trong khi đó, nhân khẩu trong cung có lúc lên tới hạng vạn người, kỹ thuật thông gió thừa xưa lại chưa phát triển, nếu ai cũng giải quyết nhu cầu bài tiết trong cung, chỉ e rằng nơi ở của Hoàng đế sẽ tràn ngập mùi xú uế.

Tất nhiên người hầu kẻ hạ trong Cố Cung không thiếu. Nhưng việc xử lý số lượng chất thải của hàng vạn người cũng không phải là chuyện có thể xong ngay được. Do đó, để tránh việc chất thải bị tích lũy trong cung gây ra ô nhiễm không khí, Cố Cung suốt các triều đại phong kiến không hề xây dựng nhà vệ sinh.

Người trong cung phải sống ra sao khi không có nhà vệ sinh?

Suy cho cùng, dù để bảo vệ không khí hay giữ sự tôn nghiêm, thì việc đi vệ sinh vẫn là nhu cầu không thể không giải quyết của con người. Bởi trong cung không có nhà vệ sinh, nên cổ nhân đã nghĩ ra một biện pháp. Đó chính là sáng tạo ra những chiếc "bồn cầu mini".

Có điều, bồn cầu thời cổ này cũng không quá lớn như bồn cầu hiện đại mà có hình dạng như thùng gỗ. Hơn nữa, chúng sở hữu kích thước nhỏ gọn, lại dễ dàng dùng tay để di chuyển nên công năng có phần tương tự như những chiếc bô ngày nay.

Có tới 9.999 căn phòng nhưng Cố Cung không hề có nhà vệ sinh - vì sao? - Ảnh 2.

Hình dạng của một chiếc "bồn cầu" thời xưa. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Bồn cầu thời cổ được thiết kế có nắp, bên trong trải rơm, rạ hoặc tro cỏ để lấp chất thải và át mùi. Chúng được đặt ở các vị trí cố định trong cung.

Nếu có cung nhân nào đang vội "giải quyết", họ có thể đi ngay tới chỗ đặt bồn cầu, sau khi "hành sự" xong thì tự đem đổ vào thùng và mang đi xử lý ngay.

Cho dù chỉ là dụng cụ để đi vệ sinh, nhưng bồn cầu của thái giám, cung nữ so với Hoàng đế vẫn có sự khác biệt vô cùng lớn. Với thân phận "người dưới", cung nhân trong cung chỉ có thể sử dụng những chiếc bồn cầu công cộng, sau khi đi vệ sinh xong thì phải tự tay dọn dẹp.

Trong khi đó, bồn cầu của Hoàng đế phải trải qua những khâu tuyển chọn nghiêm ngặt từ nguyên liệu cho tới cách thiết kế để nhà vua có cảm giác thư thái nhất khi "giải quyết" vấn đề này.

Chưa dừng lại ở đó, người trong cung còn rải vụn trầm hương xung quanh bồn cầu để Thiên tử không bị khó chịu bởi mùi xú uế.

Ngoài ra, bồn cầu của Hoàng đế bên trong còn rắc rất nhiều tàn hương để… khỏi nhìn thấy chất thải! Sau khi nhà vua giải quyết xong nhu cầu bài tiết, sẽ có cung nhân đến dọn dẹp, đưa tới vị trí đặc định để chuyển ra xử lý và chuyển ra bên ngoài hoàng cung.

Chính nhờ biện pháp này mà Cố Cung dù không cần nhà vệ sinh, nhưng những người sống ở nơi đây thời xưa vẫn có thể thoải mái giải quyết nhu cầu tự nhiên của mình, còn hoàng cung thì luôn giữ được sự uy nghiêm và sạch sẽ.

Nguồn: Qulishi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại