Nhà có bốn anh chị em đang tuổi ăn tuổi học nên ngày xưa đó nhà tôi khó khăn lắm. Có thể nói phở là món ngon nhất mà chúng tôi đợi mãi mới được ăn lúc bấy giờ.
Mảnh đất Bình Trung (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) quanh năm cằn cỗi làm mãi không đủ ăn nên ba tôi lên Đắk Lắk đi làm rẫy cho người ta, vài tháng ba mới về một lần. Về lần nào ba cũng mua phở cho chị em tôi. Nhìn mấy đứa con hì hục ăn và uống cạn hết nước phở, ba nói "sau này có tiền, ba cho các con ăn thỏa thích".
Ba lùa tô cơm nguội, rưng rưng. Nhà có sáu người nhưng ba chỉ mua năm tô. Mẹ tôi sớt một nửa tô phở cho ba nhưng ba từ chối. Ba chỉ chan một ít nước phở vào tô cơm gạo khô cứng cho dễ ăn. Ba ngồi ăn vội vàng hết tô cơm đầy.
Hình như có nước phở, tô cơm của ba ngon hơn hẳn. Chị em tôi được bữa no nê, khoan khoái, nằm xung quanh nằng nặc bắt ba kể về những rẫy cà phê đầy sóc chồn trên đất đỏ.
Năm tôi 12 tuổi, đã chiều 30 Tết, gần 21h mới thấy ba về. Thì ra, chiếc xe chở ba đi giữa đường thì bị hỏng. Ba chờ mãi mới bắt được vài chuyến xe dù, đi một đoạn lại phải sang xe đến lúc về tới nhà. Người ba mệt lử dính đầy bụi đường. Ba giơ một cái bọc to, cười. Mấy chị em tôi vỡ òa. Một bịch phở tỏa mùi thơm ngát dù đã nguội lạnh từ lúc nào.
Ba nói ba đi bộ đón xe một đoạn trên đường thì gặp một tiệm phở nhỏ vẫn bán chiều cuối năm. Nhớ mấy chị em vẫn thích ăn phở, ba lại mua năm tô phở để đem về làm quà.
Mẹ tôi hâm lại phở. Bốn chị em tôi cầm tô ngồi xung quanh. Chưa bao giờ trong đời chúng tôi đón giao thừa nào vui như thế.
Tô phở ngọt lừ vị thịt bò, vị thơm ngào ngạt đậm sệt của nước phở cộng thêm giá, rau, sợi phở mềm dai, vị cay cay của tương và ớt xắt. Mấy chị em chúng tôi lùa nhanh như hổ mặc cho tô phở bốc khói nóng cháy lưỡi. Mẹ vẫn chầm chậm chan từng muỗng nước phở vào chén cơm khô khốc của ba.
Ăn xong, mấy chị em tôi no nê ra sân xem mai đã nở và khấn cầu cho năm mới. Trong đầu đứa con nít tôi toàn phở là phở, chỉ ước năm mới ba có thật nhiều tiền để mua phở cho chị em tôi ăn quanh năm. Cả nhà cười. Ngày đó nghèo quá mà lại ấm áp vô cùng.
Đối với những đứa trẻ nhà nghèo như chị em tôi, được ăn phở vài lần là nhớ suốt đời. Chúng tôi trưởng thành, từ lâu đã ăn phở không còn nghĩ về tiền nhưng những tô phở năm đó của ba mãi đi theo chúng tôi suốt cuộc đời.
Bây giờ hàng quán mọc lên khắp nơi, cũng rất dễ mua được tô phở ăn xuyên mấy ngày Tết, nhưng ba tôi vẫn như thói quen cũ, chan nước phở vào cơm. Mấy chị em tôi rưng rưng, nhắc lại cái thời ba nhịn miệng để mua phở cho các con ăn thời còn nghèo khổ. Ba nghe xong cười gật gù, rồi lùa miếng cơm chan nước phở một cách ngon lành.