Có tình trạng “quân xanh quân đỏ” trong đấu giá tài sản

TÂM LỤA |

Đó là nhận định của rất nhiều đại biểu tại Hội thảo góp ý cho dự án Luật đấu giá tài sản được Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 27-9.

Dự thảo Luật đấu giá tài sản đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 79 điều với nhiều quy định bổ sung về việc đánh giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của xử lý nợ xấu, rà soát, bổ sung các loại tài sản đấu giá, bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, bổ sung các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động bán đấu giá…

Ông Đinh Đăng Dung, giám đốc Chi nhánh công ty hợp danh và bán đấu giá tài sản Phương Nam cho rằng dự thảo Luật đấu giá tài sản có nhiều điểm nên xem xét lại. Bởi “chúng tôi và mọi người đều nhìn thấy bán đấu giá có tiêu cực.

Đó là tiêu cực giữa người có tài sản và người tổ chức bán đấu giá. Tiêu cực thứ hai là giữa đấu giá viên và người mua tài sản. Vấn đề này dư luận đồn thổi rất lâu, chúng ta cần phải có quy định rõ ràng”.

Theo ông Dung, nếu một phiên đấu giá không có thông tin rõ ràng trên báo chí thì rất dễ có sự thông đồng, vì có rất nhiều người muốn mua tài sản nhưng không biết tài sản đó được bán ra sao.

Trên cơ sở đó, ông Dung đề xuất phải có quy định đăng thông tin về tài sản bán đấu giá trên báo chí. “Hiện nay, nhiều trường hợp có đăng thông tin nhưng không rõ ràng, hoặc đăng ở những tờ báo rất ít người đọc.

Cũng có tình trạng đăng xong rồi người dân đến hỏi thông tin thì lại được trả lời người phụ trách đi vắng, không cho xem hồ sơ. Họ lấy cách đó để đẩy khách hàng đi chỗ khác, nhường phần mua đấu giá cho quân xanh quân đỏ.

Vì vậy mục tiêu của việc bán đấu giá với giá cao nhất đã không đạt được.”- Ông Đinh Đăng Dung cho biết.

Theo ông Dung, việc đăng thông tin về tài sản bán đấu giá phải thể hiện được 7 thông tin chính gồm: Phải có tên tài sản bán đấu giá, giá khởi điểm có thuế hay không có thuế, thời hạn nộp tiền đặt trước, thời gian tham khảo và mua hồ sơ, thời gian địa điểm xem tài sản, thời gian địa điểm bán đấu giá và tên người bán.

Ông Dung lý giải sở dĩ cần quy định cụ thể như vậy là vì đã từng có đơn vị chỉ đăng thông tin bán hồ sơ đấu giá trong vài tiếng đồng hồ là hết hạn.

Có nơi còn lách luật bằng cách bỏ tên người có tài sản bán đấu giá. Vì vậy những người cần mua không tìm được các thông tin và địa chỉ liên lạc của người bán dù họ đang cầm tờ báo trên tay.

Ông Trần Du Lịch (TP.HCM) thẳng thắn khẳng định: “Có hiện tượng quân xanh quân đỏ, chân gỗ trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Thậm chí người còn nói rằng khi họ muốn mua nhà đất bán đấu giá thì có lực lượng ngăn cản họ. Vấn đề thứ hai là người có nhà thế chấp nhưng không được mua nhà của mình mà đấu giá viên cấu kết với người khác bán rẻ tài sản của mình”.

Từ đó, ông Trần Du Lịch đặt vấn đề: “Luật đấu giá tài sản phải có chế định khắc phục hai hiện tượng tiêu cực nêu trên?

Theo ông Trần Du Lịch, điều 8 của dự thảo Luật đấu giá tài sản quy định rất kỹ những hành vi nghiêm cấm đối với đấu giá viên.

Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không có quy định nếu đấu giá viên vi phạm các quy định tại điều 8 thì sẽ có chế tài thế nào?

“Tôi nói thật nghề đấu giá viên, công chứng viên ở các nước họ quan trọng nhất là đạo đức chứ không phải bằng cấp. Công chứng viên của họ phải tuyên thệ trước tòa. Tôi đề nghị không đặt nặng một chương quy định về bằng cấp.

Vấn đề rất quan trọng là đạo đức của đấu giá viên để tránh tiêu cực lại không quy định gì cả - Ông Lịch cho biết.

Dự kiến Luật đấu giá tài sản sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại