Khảo sát về lãi suất tháng 2 của HSC cho thấy lãi suất huy động bình quân ổn định ở mức 6,13%/năm trong khi đó lãi suất cho vay bình quân giảm nhẹ xuống 9,24%/năm.
Mức lãi suất huy động bằng VND bình quân ổn định ở mức 6,13% kể từ cuối tháng 1 sau khi tăng 0,1% từ mức 6,03% vào cuối tháng 12 năm ngoái. Hầu hết các ngân hàng đầu giữ nguyên lãi suất huy động trong tháng 2.
Hiện tại, Ngân hàng Đông Á và SCB là hai ngân hàng áp dụng mức lãi suất cạnh tranh nhất đối với huy động ngắn hạn (từ 1-4 tháng), là 5,4%-5,5%/năm. Mức lãi suất cao nhất cho huy động kỳ hạn 6-9 tháng là 6,9%/ năm tại SCB.
Trong khi đó, đối với các kỳ hạn dài hơn lãi suất huy động cạnh tranh nhất hiện tại là 7,5% cho kỳ hạn 12 tháng tại PVCombank; 7,6% cho kỳ hạn 18 tháng tại HDBank, 8% cho kỳ hạn 24-36 tháng tại EIB. Đặc biệt, STB vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với mức lãi suất 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm 1 ngày và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm.
Mặt khác, các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank) hiện áp dụng lãi suất huy động ngắn hạn thấp nhất, cụ thể là 4,3%- 4,8%/năm (kỳ hạn 1-4 tháng) và 5,3%-5,5%/năm (kỳ hạn 6-9 tháng).
Trong khi đó, đối với huy động dài hạn, mức lãi suất thấp nhất là 6,2%/ năm cho kỳ hạn 12 tháng tại EIB và ACB; 6,5% cho kỳ hạn dài hơn, là 24-60 tháng tại Vietcombank.
Lãi suất huy động bình quân đã chạm đáy 5,69% vào tháng 5/2015 và kể từ đó tăng 0,44%. Cụ thể lãi suất huy động tăng 0,09% vào tháng 1/2017, trước đó lãi suất huy động tăng 0,2% trong 6 tháng cuối năm 2015 và tăng 0,14% trong năm 2016.
Chênh lệch lãi suất huy động bình quân giữa các ngân hàng quốc doanh và các NHTMCP hiện là 0,52%; tăng 0,4% từ mức thấp vào tháng 4/2016 và cũng tăng 0,23% kể từ tháng 5/2015.
Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân giảm nhẹ 0,03% trong tháng 2. Cụ thể, lãi suất cho vay bằng VND bình quân vào cuối tháng 2 giảm xuống 9,24% từ mức 9,27% trong tháng 1.
Trong tháng 2, Vietinbank là ngân hàng duy nhất giảm lãi suất cho vay 0,3% đối với các khoản vay trung và dài hạn. Không có thay đổi về lãi suất cho vay từ các ngân hàng khác.
Lãi suất cho vay ngắn hạn cạnh tranh nhất hiện nay là lãi suất của VCB và Agribank, lần lượt là 7,25%-7,5%/năm. Trong khi đó, ACB áp dụng mức lãi suất thấp nhất đối với các khoản vay trung và dài hạn, là 8,7%-9,5%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn cao nhất là 9,5%/năm tại Dong A Bank trong khi đó lãi suất cho vay dài hạn cao nhất là 11%/năm tại các ngân hàng EIB, STB và TCB.
Lãi suất cho vay bằng USD tiếp tục tăng nhẹ; trong khi đó, lãi suất huy động bằng USD vẫn được kiểm soát ở mức 0%. Cụ thể, lãi suất cho vay bằng USD bình quân tăng nhẹ 0,01% lên 4,59% trong tháng 2 so với mức lãi suất 4,58% trong tháng 1, đồng thời đã tăng 0,1% so với mức 4,49% vào cuối năm ngoái. Lãi suất cho vay USD cũng tăng 0,17% từ mức thấp nhất theo khảo sát của HSC là 4,42% vào tháng 10 năm ngoái.
Tín dụng tăng trưởng mạnh so với đầu năm trong khi đó tăng trưởng huy động chậm lại. Với mức tăng 1,76% so với đầu năm tính đến cuối tháng 2 so với mức 0,84% trong hai tháng đầu năm 2016, tín dụng đang tăng trưởng tốt hơn dự báo cùng với đó là không có nhiều biến động trong lãi suất.
Tuy nhiên, chỉ trong tháng 2, tín dụng lại giảm 0,1% so với cuối tháng 1. Điều này có thể là do thực tế rằng hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh cho vay trong tháng 1, là thời gian giữa cuối năm dương lịch và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đặc biệt là đối với tăng cho vay đối với các ngành thương mại dịch vụ và đẩy mạnh các khoản vay hạn mức,…