Cổ tích giữa đời thường: Cô giáo trẻ chăm chồng tàn phế, gánh tổn thương cơ thể 97%, bất chấp miệng đời ác ý

Nguyễn Phượng |

Sau tai nạn của chồng, từ một giáo viên mầm non, chị Nguyễn Thị Hải Yến đã trở thành một "y tá" của gia đình. Bằng sự hi sinh và nghị lực phi thường, chị đã viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thực.

Một buổi chiều định mệnh…

Trong căn phòng nhỏ ngai ngái mùi thuốc rửa vết thương, người chồng tàn phế đang nằm không ngừng tiếng rên rỉ vì đau đớn. Thỉnh thoảng lại chen lẫn tiếng vỗ lưng, tiếng người vợ động viên…

Đó là thứ âm thanh mà mỗi ngày người ta đều nghe được từ ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến (phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên) trong suốt 2 năm qua.

Nhớ lại buổi chiều định mệnh ấy, chị Yến vừa thấy chồng đăng bức ảnh gia đình lên Facebook thì lúc sau nhận được thông tin anh bị tai nạn lao động. Dù mọi người đã cố gắng sơ cứu nhưng khi chuyển đến bệnh viện thì tim anh đã bị ngừng. Nghe đến đây, cảm xúc trong người vợ trẻ chỉ còn lại sự trống rỗng.

 Cổ tích giữa đời thường: Cô giáo trẻ chăm chồng tàn phế, gánh tổn thương cơ thể 97%, bất chấp miệng đời ác ý - Ảnh 1.

Chồng chị Yến đau đớn với tổn thương cơ thể lên tới 97%

"Các bác sĩ bảo rằng, chỉ cần ngừng tim 5 phút thì anh sẽ rơi vào trạng thái thực vật. May mắn, nhờ được mọi người tận tình cứu giúp nên sau khi có nhịp tim trở lại, gia đình đã đưa chồng tôi về Bệnh viện Bạch Mai nhưng đều được khuyên nên đưa anh về nhà", chị Yến xúc động kể lại.

Nhưng vì thương chồng và luôn hi vọng anh sẽ chuyển biến tốt, chị Yến quyết định tiếp tục để chồng ở viện điều trị. Hai tháng sau, anh tỉnh lại nhưng không thể tự đi, phải thở nội khí quản qua bụng, liệt cứng tứ chi,...t ổn thương cơ thể lên tới 97%.

"Chồng tôi mắc thêm di chứng tăng chương lực cơ. Có nghĩa là anh bị gồng cứng cơ lên, gồng thắt cả người và không bao giờ chữa khỏi được. Có một ngày bị gồng 20-22 tiếng, chỉ có 2 tiếng là có thể nằm im. Những lúc đó người anh đổ mồ hôi ướt hết quần áo, tôi lại phải bế anh đi tắm,...Cứ lặp đi lặp lại như thế nên tôi cũng rất áp lực và thiếu ngủ", chị Yến chia sẻ.

Vừa làm vợ, vừa làm mẹ, vừa làm cha của 2 đứa con thơ

Không chỉ tự động viên bản thân, chị Yến còn phải làm chỗ dựa cho 2 đứa con nhỏ. Bởi giờ đây, chị đã trở thành trụ cột chính của gia đình.

"Tôi vẫn thường bảo các con rằng, giờ bố ốm như thế này rồi, bố không thể đưa Su đi học, không thể đưa Dâu Tây đi chơi. Nên cả nhà phải cố gắng chăm cho bố khoẻ, 1 năm, 2 năm hoặc lâu lắm là 3 năm thôi, rồi bố sẽ khỏe lại", chị Yến nghẹn ngào.

 Cổ tích giữa đời thường: Cô giáo trẻ chăm chồng tàn phế, gánh tổn thương cơ thể 97%, bất chấp miệng đời ác ý - Ảnh 2.

Từ giáo viên mầm non, chị Yến trở thành cô "y tá" thành thục

May mắn, ông trời đã bù lại cho chị những đứa con dù còn nhỏ tuổi nhưng vô cùng hiểu chuyện. Những lúc mẹ đi dạy học, các cháu sẽ tự giác cho bố ăn, uống thuốc, thay túi nước tiểu,…Hoặc đơn giản, hai anh em Su và Dâu Tây sẽ thay nhau khoe với bố điểm 10 và đọc sách cho bố nghe.

"Bé lớn thì luôn luôn giấu hoàn cảnh gia đình với cô giáo, cho đến khi tôi đăng một video trên mạng thì cô biết chuyện. Bé về nhà khóc, tôi hỏi thì bé nói tại sao mẹ lại đăng lên để đến lớp cô giáo nói với các bạn là không được động vào điện, nếu động vào sẽ bị giật như bố của bạn Bảo Nam (con trai chị Yến). Thế là tôi mới bảo cô giáo nói đúng, bố chính là minh chứng để các bạn nhỏ sẽ không dám động vào điện nữa", chị nhớ lại.

Những lời đồn ác ý từ "miệng thiên hạ"

Từ khi anh sống thực vật, chị Yến cùng mẹ chồng lo liệu mọi chuyện trong gia đình. Vốn có niềm đam mê với nghệ thuật, đặc biệt là diễn kịch nên chị đã tạo một tài khoản Tiktok để thỏa niềm yêu thích cũng như chia sẻ câu chuyện cuộc đời chị.

"Khi tôi đăng video, nhiều người vào bình luận vô cùng khiếm nhã. Họ nói tôi có bồ chưa, bao giờ lấy chồng mới, chắc nhà chồng tôi giàu lắm,...Nhưng cũng có nhiều người thương, họ xin số tài khoản để cho anh tiền mua thuốc. Song, chị chỉ nhận những lời hỏi thăm còn tiền thì xin phép từ chối vì ngoài kia còn nhiều người khổ hơn mình", chị Yến chia sẻ.

 Cổ tích giữa đời thường: Cô giáo trẻ chăm chồng tàn phế, gánh tổn thương cơ thể 97%, bất chấp miệng đời ác ý - Ảnh 3.

Chị và các con luôn ở bên cạnh và chăm sóc chồng mỗi ngày

Nhắc lại những ngày kỷ niệm, ngày lễ trước kia, chị Yến rơi nước mắt kể rằng cũng từng được chồng tặng hoa, được anh quan tâm.

"Giờ chồng ốm đau như vậy rồi, anh không thể sẻ chia với mình thì tự tôi sẽ làm thay anh. Tôi sẽ dành những điều tốt nhất cho anh. Khi bản thân vẫn còn gia đình bên cạnh, vẫn có chồng, có con,...thì chính là món quà vô giá nhất mà tôi được tặng", chị Yến xúc động.

Trong căn phòng nhỏ, giờ đây chị Yến không còn buồn nữa. Chị sẽ hát cho anh nghe, sẽ chăm sóc, sẽ cố gắng và hi vọng một ngày nào đó, gia đình nhỏ của chị sẽ trở về như xưa.

Nguồn: Đài TH Thái Nguyên

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại