10 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Thủ đô.
Tạo liên kết chặt chẽ nội vùng
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần tập trung quy định về mối quan hệ liên kết giữa Thủ đô với chính quyền địa phương của các tỉnh giáp ranh nhằm xây dựng cơ chế phối hợp, giải quyết các nội dung liên quan nhiều địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần cho phép các địa phương có quan hệ liên kết vùng với Thủ đô được áp dụng một số chính sách đặc thù như thành phố Hà Nội, để bảo đảm hỗ trợ phát triển Thủ đô một cách thuận lợi, có hiệu quả.
Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh - một trong 10 tỉnh nằm trong Vùng Thủ đô), đồng tình với việc cụ thể hóa các chính sách liên kết và phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động và là khu vực phát triển trọng điểm của cả nước với 5 quy định rất rõ ràng.
"Có thể nói liên kết Vùng Thủ đô là một nội dung không dễ để thực hiện và chưa được pháp lý hóa một cách rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã tính đến một cách căn cơ hơn. Tuy nhiên, việc điều phối hoạt động phát triển của vùng kinh tế - xã hội nói chung và Vùng Thủ đô nói riêng cần rõ ràng hơn về mặt cơ chế đầu tư, tài chính, quản lý điều hành, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng địa phương trong Vùng Thủ đô", bà Trần Thị Vân nói.
Đại diện địa phương nằm trong Vùng Thủ đô, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đoàn Thị Hảo đánh giá cao dự thảo Luật quy định việc cho phép HĐND thành phố Hà Nội hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp thật cần thiết; cho phép cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ các quận, huyện, thị xã khác của thành phố Hà Nội và các đơn vị cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố khác.
"Quy định như trên cũng thấy rõ được vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô, là nơi có điều kiện, tiềm lực kinh tế hỗ trợ các địa phương còn khó khăn. Và ở đây, như Vùng Thủ đô vẫn còn những địa phương cần sự hỗ trợ", bà Đoàn Thị Hảo phân tích.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Vùng Thủ đô gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Trong đó, Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đồng bộ các quy hoạch liên quan với Luật
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, liên kết vùng phải tính toán đến vấn đề quy hoạch các vùng xung quanh, các tỉnh, thành phố giáp ranh với Thủ đô, tạo thành sự liên kết vùng gắn với đặc thù và năng lực phát triển kinh tế các khu vực liên vùng.
Cùng quan điểm về vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Hải Anh cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
"Tôi đề nghị bổ sung quy hoạch Vùng Thủ đô vào dự thảo Luật để tạo ra một không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, thời gian vừa qua, chúng ta đã đầu tư rất lớn cho khu vực Vùng Thủ đô Hà Nội, nổi bật là đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đi qua 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên Vùng Thủ đô, kết nối các tỉnh trong vùng. Sắp tới đây, Hà Nội tiến hành quy hoạch đường vành đai 5 đi qua 7 tỉnh xung quanh khu vực Thủ đô Hà Nội, do đó cần hết sức cân nhắc để bổ sung cho phù hợp trong dự thảo Luật", ông Nguyễn Hải Anh nói.