Cổ phiếu “trôi” về đáy 23 tháng, Hòa Phát (HPG) rời khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán

Phương Linh |

Thời đỉnh cao, Hòa Phát là doanh nghiệp giá trị lớn thứ 4 sàn chứng khoán nhưng việc vốn hóa mất đến hơn 143.000 tỷ đồng trong gần 1 năm qua đã khiến “vua thép” rớt đài.

Thị trường chứng khoán đang trong nhịp điều chỉnh mạnh khi các mốc điểm quan trọng lần lượt bị xuyên thủng dưới áp lực bán mạnh tại hầu hết các nhóm cổ phiếu. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát không tránh khỏi tình cảnh giảm giá mạnh. Thị giá HPG liên tục giảm sâu, "trôi" tận xuống vùng giá 1x - điều mà chỉ vài tháng trước ít ai nghĩ tới.

Thực tế, thời điểm cổ phiếu này trải qua vùng giá 1x là khoảng 30 tháng về trước (tháng 4/2020). Sau đó 3 lần điều chỉnh giá do chia cổ tức (ngày 29/7/2020, 31/5/2021 và 17/6/2022), thị giá có giảm song nhưng chưa từng một lần trở lại vùng giá này.

Tại mức thị giá kết phiên 5/10 là 19.200 đồng/cp, vốn hóa của Hòa Phát tương ứng còn khoảng 111.600 tỷ đồng. Con số này hiện đã không đủ để doanh nghiệp đầu ngành thép giữ được một vị trí trong top 10 vốn hóa trên sàn chứng khoán.

Chỉ gần một năm trước, giai đoạn cuối tháng 10/2021, Hòa Phát vẫn còn ở đỉnh cao và là doanh nghiệp giá trị lớn thứ 4 sàn chứng khoán chỉ sau Vietcombank (mã VCB), Vingroup (mã VIC) và Vinhomes (VHM). So với đỉnh, vốn hóa của Hòa Phát đã mất đi gần 143.000 tỷ đồng (~6,2 tỷ USD), “rớt đài” nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam trong khi đứng thứ 10 trong top vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.

Sự tụt hạng của Hòa Phát khiến top 10 vốn hóa trên thị trường không còn bóng dáng của ngành công nghiệp nặng. Nhóm này hiện tại chủ yếu gồm ngân hàng và bất động sản bên cạnh một vài doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, dầu khí như Vinamilk (mã VNM), Masan (mã MSN), PV Gas (mã GAS).

 Cổ phiếu “trôi” về đáy 23 tháng, Hòa Phát (HPG) rời khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán  - Ảnh 1.

Cổ phiếu sàn HoSE (Xanh dương). Cổ phiếu sàn UPCoM (Xanh lá)

Dù không còn trong top 10 vốn hóa nhưng Hòa Phát vẫn đang trong top đầu trên cả 3 sàn về vốn điều lệ với hơn 58.000 tỷ đồng, vượt qua cả các nhà băng lớn nhất nhất thị trường và chỉ đứng sau VPB (hơn 67.000 tỷ đồng). Đồng thời, số lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (free float) của HPG cũng nhiều thứ hai sàn với gần 3,2 tỷ đơn vị.

Song, chính điều này hiện lại khiến giá cổ phiếu HPG chịu nhiều áp lực trong bối cảnh dòng tiền hiện đã không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) “khổng lồ”. Điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn bùng nổ cuối năm 2021 khi giá trị giao dịch của mã chứng khoán này có phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhờ lực cầu vô cùng lớn, gánh thanh khoản của cả thị trường

 Cổ phiếu “trôi” về đáy 23 tháng, Hòa Phát (HPG) rời khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán  - Ảnh 2.

Hòa Phát vẫn trong top đầu toàn sàn về vốn điều lệ

Đồng thời, cổ phiếu HPG sụt giảm trong bối cảnh nhiều yếu tố không thuận lợi ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh, điển hình là giá thép.

Theo đó, quý 2/2022 vừa qua có thể xem là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 2 năm trở lại đây đối với ngành thép và cả Hòa Phát. Giá thép giảm trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn cao khiến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp đầu ngành thép giảm 59% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 4.000 tỷ đồng.

Hiện, sau giai đoạn giảm mạnh liên tục trong quý 2 và quý 3, giá thép xây dựng của Hòa Phát tại thị trường nội địa đã tăng trong những tuần gần đây nhưng tiềm năng tăng giá trong các tháng còn lại của năm có thể ở mức khiêm tốn.

Mức tăng giá nhỏ giọt chỉ từ 100 – 200 đồng/kg mỗi lần của Hòa Phát phần nào cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng vẫn đang tăng chậm. Trong khi đó, giá thép cây thế giới hiện chỉ còn 1/3 so với đỉnh.

 Cổ phiếu “trôi” về đáy 23 tháng, Hòa Phát (HPG) rời khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán  - Ảnh 3.

Không chỉ có áp lực từ kết quả kinh doanh, cổ phiếu HPG còn liên tục chịu áp lực bán ra mạnh từ phía nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Ngay trong phiên 5/10, khối ngoại cũng mạnh tay bán ròng gần 141 tỷ đồng cổ phiếu HPG, đóng góp thêm nguyên nhân khiến thị giá giảm sâu. Tổng cộng, HPG đã bị khối ngoại bán ròng gần 5.600 tỷ đồng từ đầu năm tới nay với tâm điểm trong khoảng nửa đầu năm.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng cũng là yếu tố gây bất lợi khi cơ cấu tài chính của Hòa Phát ghi nhận nợ vay chiếm tỷ trọng lớn. Tính đến cuối quý 2/2022, doanh nghiệp đầu ngành thép đang vay nợ hơn 70.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với các tài sản được hưởng lãi suất. Hòa Phát ước tính mỗi thay đổi 100 điểm cơ bản của lãi suất sẽ làm tăng hoặc giảm 12,43 tỷ đồng lợi nhuận thuần hợp nhất cho kỳ 6 tháng.

Con số này không lớn so với lợi nhuận của Hòa Phát tuy nhiên còn có thể tăng thêm khi tập đoàn chuẩn bị đầu tư cho dự án Dung Quất 2 với tổng mức đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng trong đó nguồn vốn vay chiếm khoảng 35.000 tỷ đồng.

Mặt khác, doanh nghiệp ngành thép này còn chịu thêm nỗi lo tỷ giá leo thang. Riêng trong quý 2, đồng USD không ngừng tăng khiến doanh nghiệp lỗ tỷ giá 1.100 tỷ đồng.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giá nguyên liệu có thể giảm tiếp trong quý 4 năm nay.

Trong bối cảnh như vậy, VDSC đánh giá chi phí sản xuất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát sẽ chỉ thấp hơn một chút trong quý 3 so với quý 2 và sau đó sẽ giảm tiếp trong quý 4 khi mà HPG đã chủ động hạn chế dự trữ nguyên liệu và cắt giảm sản xuất trong tháng 7-8. Như vậy, một phần lớn thép bán ra trong quý 3 có thể được sản xuất từ nguyên liệu giá cao.

Trong những tháng tới và năm 2023, VDSC kỳ vọng doanh số bán thép xây dựng sẽ phục hồi nhanh hơn so với thép dẹt. Tiêu thụ thép xây dựng hàng tháng trong quý 4 có khả năng bình thường trở lại sau khi tăng đột biến vào tháng 9 trong khi HRC và tôn mạ vẫn yếu do nhu cầu thấp từ các thị trường lớn (Mỹ và EU).

Sang năm 2023, VDSC cũng kỳ vọng thép xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh hơn thép dẹt trên cơ sở triển vọng giải ngân đầu tư công của Chính phủ Việt Nam sẽ tăng tốc trong khi lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trên toàn cầu cho đến giữa năm.

Về dự án Dung Quất 2, sau khi khởi công vào tháng 5/2022, dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 1 sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2024 và giai đoạn 2 từ cuối năm 2024. Với Dung Quất 2, tổng công suất của Hòa Phát sẽ tăng 66% so với cuối năm 2021 lên 14,6 triệu tấn/năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại