Cổ phiếu thép thiết lập lại trật tự, ông chủ Hòa Phát lấy lại vị trí thứ hai người giàu

Hiền Anh |

Thị trường chứng khoán vừa tăng điểm trong phiên thứ hai liên tiếp của năm Nhâm Dần 2022 với mức tăng nhẹ 3,33 điểm (0,22%) lên 1.500,99 điểm của VN-Index.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh 5,8% và có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của VN-Index với 2,901 điểm. Các cổ phiếu thép khác cũng có diễn biến rất tích cực khi đồng loạt tăng trần như HSG của Tập đoàn Hoa Sen tăng 6,9%, NKG của Thép Nam Kim tăng 6,9%, SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC tăng 6,9%, TLH của CTCP Thép Tiến Lên tăng 6,9%, POM của CTCP Thép Pomina tăng 6,8%, TIS của CTCP Gang thép Thái Nguyên tăng 12,6%,...

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng chứng kiến sắc đỏ chiếm ưu thế trong phiên 8/2. VIC nối dài nhịp điều chỉnh với biên độ giảm 4,3% bên cạnh mức giảm quanh 1% của NVL và VHM. CTD và VCG giảm tương ứng 1,2% và 1,9% trong khi DIG, CEO, HDC, CII, NBB, HBC kết phiên tại mức giá sàn.

Với việc HPG trở thành cổ phiếu nâng đỡ tốt nhất cho VN-Index, các chuyên gia phân tích chứng khoán lý giải sự khởi sắc trở lại của cổ phiếu thép là do giá thép thế giới dần hồi phục trong 2 tháng qua. Cùng với đó là giá thép xây dựng trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng lần thứ hai trong năm 2022.

Nguyên nhân chính được cho là do nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai đã bị hoãn lại do ảnh hưởng giãn cách xã hội, nhưng từ đầu năm sau, các dự án này sẽ nhanh chóng thi công để đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trên thế giới. Riêng trong quý I/2022 nhu cầu thép tiếp tục ở mức cao do các nền kinh tế lớn thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là Mỹ. Dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD ở Mỹ sẽ làm tăng nhu cầu thép khoảng 5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2022-2025.

Mặt khác, việc Trung Quốc giảm sản xuất thép và hạn chế xuất khẩu để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải cũng tạo cơ hội nhiều hơn cho xuất khẩu thép của Việt Nam.

Không chỉ giúp nâng đỡ thị trường chứng khoán, sự trở lại của cổ phiếu thép còn “lập lại trật tự” trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Cụ thể, sau hai phiên tăng giá liên tiếp gần đây của HPG, Chủ tịch HPG Trần Đình Long đã có thêm 4.000 tỷ đồng, qua đó trở lại vị trí thứ hai quen thuộc trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá 53.130 tỷ đồng.

Cổ phiếu thép thiết lập lại trật tự, ông chủ Hòa Phát lấy lại vị trí thứ hai người giàu - Ảnh 1.
HPG tái khẳng định vị thế, ông Trần Đình Long trở lại vị trí thứ hai quen thuộc.

Vị trí Á quân này trước Tết Nguyên đán tạm thuộc về ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Sunshine, Phó TGĐ KienLongBank. Sau hai phiên khai Xuân, giá trị tài sản của ông Tuấn thông qua sở hữu các mã cổ phiếu do ông nắm giữ gồm KLB, SSH, SCG, KSF đã giảm mạnh 1.800 tỷ đồng. Hiện tổng tài sản của ông chủ Tập đoàn Sunshine còn 47.600 tỷ đồng.

Hiện doanh nhân này vẫn đang đứng vững ở vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán, các xa người đứng sau là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, với khoảng cách lên đến 11 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, dù vẫn đang “cô đơn trên đỉnh” nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã giảm 10% giá trị tài sản chỉ sau hai phiên đầu tiên của năm mới Nhâm Dần khi giá cổ phiếu VIC đã giảm 9.700 đồng còn 87.300 đồng/cp. Tại mức giá này, tài sản của Chủ tịch Vingroup là 188,211 nghìn tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại