Trong cơn sóng tăng mạnh mẽ của ngành thép, 2 cổ phiếu đầu ngành là HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát, HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen và cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim đều đã tăng trên 100% từ đầu năm đến nay.
Tuy tăng mạnh như vậy nhưng với mức giá đóng cửa ngày 6/9, chỉ số giá/lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (P/E) của các cổ phiếu này chỉ hơn 7.x.
Nếu so với P/E của các cổ phiếu thép khác (đều trên 10), và nếu so với P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam là 16 (theo dữ liệu của Bloomberg) thì chỉ số P/E của các cổ phiếu trên thấp hơn hẳn.
Cổ phiếu vẫn rẻ?
Theo cái nhìn thông thường về P/E, với những doanh nghiệp được đánh giá là có yếu tố cơ bản tốt như Hòa Phát, Hoa Sen thì P/E thấp hơn so với ngành và thị trường chung đồng nghĩa với việc cổ phiếu đang bị đánh giá thấp hơn giá trị thực.
Trong một báo cáo gần đây, CTCK HSC cũng đánh giá rằng “Giá cổ phiếu doanh nghiệp tôn mạ chưa đắt”.
Tuy nhiên, về mức P/E “thấp” của các doanh nghiệp này, phải thấy rằng nó bắt nguồn từ 3 yếu tố.
Một là lợi nhuận đột biến trong 6 tháng đầu năm 2016 dẫn đến lợi nhuận lũy kế 4 quý gần nhất của doanh nghiệp tăng vọt.
Hòa Phát đã báo lãi 2.000 tỷ đồng trong quý 2 – mức lãi cao nhất trong lịch sử và nâng lợi nhuận lũy kế 4 quý lên hơn 4.650 tỷ đồng trong khi cả năm 2015, Hòa Phát chỉ lãi 3.500 tỷ đồng.
Tương tự như vậy, trong quý 2 và quý 3 của niên kim tài chính 2015 - 2016, Hoa Sen đều báo lãi hơn 400 tỷ đồng – cũng là những mức lãi lịch sử vì các quý trước, HSG chỉ lãi khoảng 100 – 250 tỷ đồng.
Con số lợi nhuận tăng trưởng mạnh như vậy là nhờ những yếu tố không thường xuyên, một trong số đó là việc các doanh nghiệp tích trữ được tồn kho nguyên liệu giá thấp từ đầu năm trước khi giá tăng trở lại. Cùng với thuận lợi đó là thị trường bất động sản, xây dựng nóng lên đã thúc đẩy sản lượng tiêu thụ tăng.
Và nói đến doanh nghiệp thép, càng không thể không kể đến quyết định áp thuế tự vệ chống bán phá giá tạm thời mà Bộ công thương đã ban hành để “cứu” các doanh nghiệp nội trước sự lấn sân ồ ạt của thép và tôn nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Thứ hai, Hoa Sen và Hòa Phát đều đã chia cổ tức trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể, Hòa Phát đã chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 15% vào ngày 25/08.
Còn Hoa Sen trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 25% và trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Mức giá hiện tại là mức giá đã được điều chỉnh.
Thứ ba, P/E thị trường chứng khoán Việt Nam ở con số 16.x có sự đóng góp lớn của VNM. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/9, VNM có giá 150.000 đồng, tương ứng P/E hơn 24. Với vốn hóa gần 220.000 tỷ đồng – cao nhất thị trường, VNM đã đẩy P/E của sàn giao dịch HOSE lên.
Không có cổ phiếu đắt hay rẻ, chỉ có cổ phiếu tăng hay giảm
Quyết định áp thuế tự vệ cho các sản phẩm tôn mạ mà Bộ Công thương công bố vào ngày 1/9 đã được thị trường chờ đợi từ lâu. Đây chính là nhân tố đẩy giá cổ phiếu HSG và NKG tăng mạnh trong tháng 8.
Tuy nhiên, theo đánh giá của CTCK HSC, thông tin trên đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu NKG và HSG. Có thể thấy thị trường đã phản ánh điều này khi từ ngày 6/9, các cổ phiếu ngành thép đã điều chỉnh giảm, và việc giảm giá tiếp tục diễn ra trong phiên 7/9.
HSC cho rằng với thuế nhập khẩu đối với sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc tăng, thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước như HSG và NKG sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên hiện giá cổ phiếu HSG và NKG đều đã tăng rất mạnh so với đầu năm.
Với P/E hiện tại, vẫn là nhận định như trên, “giá cổ phiếu doanh nghiệp tôn mạ chưa đắt” nhưng những yếu tố thuận lợi không thường xuyên đã được phản ánh, và triển vọng năm sau sẽ không còn được như năm nay.
Còn với HPG của Hòa Phát, động lực tăng giá cũng đến từ các yếu tố thuận lợi không thường xuyên như vậy, nhưng dù chịu áp lực điều chỉnh theo xu hướng chung, cổ phiếu vẫn rất “cứng” trong phiên 6/9 và 7/9.
Chuyên gia của CTCK IVS đánh giá, con số sản lượng tiêu thụ thép vẫn tích cực, dù là tháng thấp điểm nhất trong năm đã giúp cổ phiếu này tăng giá.
Một chuyên gia đã nói, thị trường chứng khoán thực chất vẫn hoạt động trên kỳ vọng của các nhà đầu tư vì rất nhiều lý do, đôi khi không chỉ mỗi việc định giá rẻ hay thậm chí là cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng.
Giới đầu tư cũng hay nhắc nhở nhau rằng: không có cổ phiếu đắt hay rẻ, chỉ có cổ phiếu tăng hay giảm, dù các chỉ số định giá vẫn luôn là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư nhìn vào khi quyết định đầu tư.