Hãy lấy Wong Wing-wah làm ví dụ. Trước khi mở ra công ty xây dựng hiện nay, Wong từng là một người buôn cá. Năm ngoái công ty này lên sàn và kể từ đó đến nay cổ phiếu của nó đã tăng tới 9.800%. Sở hữu gần như toàn bộ số cổ phiếu, Wong và một đối tác nhanh chóng trở thành tỷ phú USD. Năm ngoái, công ty xây dựng Luen Wong có lợi nhuận 1 triệu USD.
Điều gì đang diễn ra? Câu trả lời năm ở một trong những góc “đen tối” nhất của thị trường tài chính Hồng Kông: các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ. Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đang trở thành “lò” sản sinh ra các “tỷ phú giấy”.
Tính riêng trong 3 năm qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp (mà phần lớn đến từ đại lục) đã chứng kiến tài sản của họ tăng thêm hàng tỷ USD nhờ cổ phiếu tăng giá không rõ lý do.
Những người này và công ty của họ không bị buộc tội gian lận, nhưng hiện tượng này khiến cơ quan quản lý lo lắng. Giới chức Hồng Kông đã phát đi cảnh báo rằng có thể những cổ phiếu này đang bị làm giá, đặc biệt là khi phần lớn cổ phiếu nằm trong tay những nhà sáng lập.
Thậm chí trong một số trường hợp, tỷ lệ cổ phiếu nằm trong tay các nhà đầu tư khác (chứ không phải trong tay nhà sáng lập) là chưa đến 1%. Điều này dẫn đến tình trạng giá cổ phiếu biến động rất mạnh và có khoảng cách rất lớn giữa các mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng mua và bán.
Theo Philippe Espinasse, chuyên gia đến từ Nomura và là tác giả của cuốn “IPO: A Global Guide”, nhiều tỷ phú trên sàn chứng khoán Hồng Kông rất giàu có trên giấy tờ nhưng nếu họ bán đi số cổ phiếu đang nắm giữ thì số tiền thật sự thu được chắc chắn sẽ chẳng được bao nhiêu.
Kể từ năm 2009 đến nay, đã có tới 124 lần Ủy ban chứng khoán và hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC) phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng “cổ phiếu tập trung quá đậm đặc”, tức là phần lớn cổ phiếu của 1 công ty chỉ nằm trong tay một vài cá nhân và khối lượng giao dịch quá thấp.
Theo SFC, nhà đầu tư nên thận trọng với bất kỳ cổ phiếu nào có mức tăng từ 3 chữ số trở lên. Tổng cộng giá trị vốn hóa của các công ty bị cảnh báo là 79,6 tỷ USD.
Trong tháng 4/2016, sau khi Leun Wong lên sàn, SFC khuyến cáo nhà đầu tư cần “đặc biệt thận trọng” khi mua cổ phiếu này bởi 96% cổ phiếu của Leun Wong nằm trong tay 2 nhà sáng lập và 19 nhà đầu tư khác.
Hiện cổ phiếu này đã tăng giá 7.500% so với mức giá IPO. Tỷ lệ P/E (giá/lợi nhuận) lên tới 2.450 lần trong khi mức trung bình của các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ trên sàn Hồng Kông chỉ là 13 lần.
Theo Jie Gan, giáo sư tại trường kinh doanh Cheung Kong (Bắc Kinh), các công ty ở Hồng Kông (chủ yếu là công ty gia đình) sử dụng nhiều cách khác nhau để thổi phồng giá cổ phiếu. Cả các công ty từ đại lục cũng sang đây và sử dụng những mánh tương tự để thổi giá.
“Tỷ phú giấy” mới nhất là Yam Yu, người đang sở hữu 35,6% cổ phần của công ty International Business Settlement (IBS). Số cổ phần này có giá trị 1,5 tỷ USD, giúp Yam trở thành tỷ phú USD trong khi công ty không hề có lãi.
Sau khi giá trị số cổ phần của Yam tăng hơn 180% trong năm ngoái, anh bán số cổ phần trị giá 2,6 tỷ đôla Hồng Kông (tương đương 335 triệu USD) cho Luo Feng – người mới được bổ nhiệm làm Chủ tịch của IBS.
Yam trở thành cổ đông lớn của IBS từ năm 2007, khi công ty chuyên về sản xuất quần áo nữ.
Kể từ đó đến nay, công ty này đã thay tên 2 lần và hoạt động kinh doanh thì luôn thay đổi, từ thiết bị lọc nước, cây nước nóng lạnh đến cả khai thác vàng ở Kyrgyzstan, tư vấn hay thậm chí thương mại điện tử và đầu tư bất động sản. Hiện IBS đang phát triển một hệ thống thanh toán quốc tế sử dụng công nghệ blockchain và dữ liệu lớn (big data).
SFC đã 3 lần cảnh báo về cấu trúc cổ đông của IBS. Tuy nhiên người phát ngôn của IBS cho rằng cổ phiếu tăng giá tốt là bởi nhà đầu tư tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của họ.
Năm 2015, Pan Sutong trở thành tỷ phú giàu thứ 4 ở châu Á. Số cổ phần của Pan ở Goldin Properties và Goldin Financial có giá trị lên tới 27 tỷ USD tại thời điểm đầu năm 2015, trước khi sụt giảm gần 90%. Cổ phiếu của Goldin Properties bị ngừng giao dịch hồi tháng 3, ngay trước khi Pan thông báo ý định tư nhân hóa công ty này.
Từ năm 2015, nhiều công ty của những “tỷ phú giấy” đã bị loại khỏi các chỉ số Hang Seng, MSCI và FTSE. Theo quy định mới, những công ty đã bị giới chức Hồng Kông cảnh báo sẽ không được xét đến, đồng thời MSCI yêu cầu cổ phiếu phải có tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch tối thiểu 15%.
Có giá trị vốn hóa 3 tỷ USD, Luen Wong ra đời năm 1998 với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 20.000 đôla Hồng Kông. Câu chuyện từ kẻ bần hàn vươn lên trở thành tỷ phú của nhà sáng lập Wong Wing-wah đã được cô con gái Priscilla (vốn là 1 nữ diễn viên truyền hình) đăng lên Facebook hồi năm ngoái.
“Ông ấy đã phải chịu nhiều gian khổ trong suốt nhiều năm, với đôi bàn tay lạnh cóng và đôi chân trần”.
Câu chuyện ấy có thể truyền cảm hứng cho nhiều người, nhưng khi mà chỉ có 4% cổ phiếu Luen Wong dành cho nhà đầu tư bên ngoài, thật khó để các nhà đầu tư tham gia vào thành công của Wong cho dù họ rất muốn làm như vậy.