Cổ phiếu nhóm APEC đồng loạt "bốc hơi" gần 80% giá trị kể từ thời điểm lãnh đạo đeo khăn tím hô quyết tâm "gồng lãi"

Phương Linh |

Ôm mộng "gồng lãi" cổ phiếu APS, API nhưng sau 19 tháng, nhà đầu tư lại phải chịu thua lỗ nặng nề khi thị giá các mã này đều đã sụt giảm gần 80%.

Cổ phiếu nhóm APEC đồng loạt bốc hơi gần 80% giá trị kể từ thời điểm lãnh đạo đeo khăn tím hô quyết tâm gồng lãi - Ảnh 1.

Những thông tin liên quan tới khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Các mã API, IDJ hay APS được đông đảo nhà đầu tư biết đến là cổ phiếu thuộc “họ” Apec Group. Ít ai quên được những cổ phiếu này từng “làm mưa làm gió” giai đoạn năm 2021 với mức tăng dựng đứng bằng lần trước khi lao dốc giảm mạnh đánh bay mọi thành quả. Áp lực bán vẫn tiếp tục mạnh lên trong những phiên gần đây, thị giá cổ phiếu thậm chí nằm sàn.

Lãnh đạo công ty cho rằng "mức giá 200.000 đồng/cp không phải là đắt"

Cổ phiếu API từng gây bão với mức tăng phi mã trong vài tháng, đạt mức đỉnh lịch sử 45.650 đồng/cp (giá trước điều chỉnh là 100.500 đồng/cp) vào hồi tháng 11/2021, cao gấp 6 lần so với trước sóng tăng. Ngay trong buổi họp ĐHĐCĐ của API diễn ra vào ngày 3/11/2021, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Huy còn hùng hồn tuyên bố: "Cổ phiếu API thời gian trước như lò xo bị nén đang chờ được bứt phá. Với những tiềm lực sẵn có, mức định giá 200.000 đồng/cổ phiếu cho mã API trong dài hạn không phải là đắt".

Đáng chú ý, cổ đông tại lần đại hội này cũng từng đặt nghi vấn về thao túng giá khiến cổ phiếu API tăng mạnh. Chính lãnh đạo doanh nghiệp cũng khẳng định làm đúng luật, nếu phát hiện dấu hiệu gian lận API sẽ cam kết xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, tháng 11/2021 cũng chính là vùng đỉnh giá cổ phiếu. API sau đó cắm đầu giảm sâu, hiện đạt 12.600 đồng/cp, tương ứng giảm 72% giá trị sau 19 tháng.

Cổ phiếu nhóm APEC đồng loạt bốc hơi gần 80% giá trị kể từ thời điểm lãnh đạo đeo khăn tím hô quyết tâm gồng lãi - Ảnh 2.

Hô quyết tâm "gồng lãi" nhưng cổ phiếu lao dốc

Cũng từng "náo loạn" thị trường, APS từ một cổ phiếu "trà đá" với mức giá quanh 5.000 đồng/cp bất ngờ bứt tốc tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/11/2021, tương đương mức tăng 14 lần chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

Ngay lúc cổ phiếu trên đỉnh huy hoàng, ngày 16/11/2021 APS đã tổ chức ĐHĐCĐ và thu hút sự chú ý lớn khi ban lãnh đạo cùng cổ đông dự họp đã quàng khăn tím và hô vang khẩu hiệu: "APEC - sáng tạo, APEC - công hiến, APEC - phụng sự, APEC - quyết tâm, APEC - gồng lãi, APEC - quyết tâm gồng lãi".

Cũng trong buổi ĐHCĐ đó, một lãnh đạo khác của doanh nghiệp khi đó còn tự tin khẳng định chỉ số P/E của cổ phiếu APS là 6,9 lần, trong khi đó P/E trung bình ngành đang ở mức 18 lần. Như vậy, có thể thấy định giá cổ phiếu APS đang rẻ, có thể tăng trưởng gấp 2 đến 2,5 lần trong thời gian tới".

Tuy nhiên, "đời không như mơ", cổ phiếu APS ghi nhận lao dốc không phanh sau thời điểm đại hội. Tới nay, thị giá chỉ còn 14.300 đồng/cp, tương ứng bốc hơi khoảng 76% giá trị so với đỉnh. Cổ đông nếu chót "đu" theo lời mời gọi hô hào có cánh của ban lãnh đạo thì hiện đang chịu khoản lỗ không hề nhỏ.

Cổ phiếu nhóm APEC đồng loạt bốc hơi gần 80% giá trị kể từ thời điểm lãnh đạo đeo khăn tím hô quyết tâm gồng lãi - Ảnh 3.

Cũng trong cơn "sóng thần" nhóm cổ phiếu Apec khi đó, cổ phiếu IDJ thăng hoa tăng gấp 5 lần lên mốc đỉnh 42.470 đồng/cp (phiên 18/11/2021). Tuy nhiên, giá IDJ sau đó cũng lâm vào cảnh "rơi tự do", hiện sau hơn 1 năm đã mất khoảng 69% về mức 13.200 đồng/cp. Nếu nắm giữ từ vùng đỉnh và không có các động thái trung bình giá xuống, cổ đông IDJ sẽ khá lâu mới "về bờ" kể từ thời điểm "sát cánh" cùng công ty.

Cổ phiếu nhóm APEC đồng loạt bốc hơi gần 80% giá trị kể từ thời điểm lãnh đạo đeo khăn tím hô quyết tâm gồng lãi - Ảnh 4.

Loạt kế hoạch tăng vốn

Trước thời điểm Công an khởi tố vụ án xảy ra tại các công ty họ Apec, cả 3 doanh nghiệp trên đều công bố loạt kế hoạch tăng vốn mạnh thông qua chào bán riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu, cổ tức bằng cổ phiếu và ESOP,…

Trong đó, cổ đông API tại ĐHCĐ thường niên 2023 đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu và chào bán 84 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm huy động vốn rót vào các dự án bất động sản. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2023 - 2024.

Còn tại APS , công ty dự kiến phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, APS cũng thông qua phương án phát hành 8,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 10%. Một nội dung khác cũng được đại hội APS thông qua là phương phát hành cổ phiếu ESOP để bổ sung vốn lưu động với số lượng không vượt quá 5% số cổ phiếu đang lưu hành trong 12 tháng. Theo đó, giá dự kiến phát hành không thấp hơn 10.000 đồng/cp,

Cũng trong năm 2023, APS lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 855 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chuyển từ lỗ sang lãi 230 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty chia sẻ hiện đã đạt 90% kế hoạch lợi nhuận năm.

Với ID J, công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần 1.105 tỷ đồng, tăng 35% so với kết quả đạt được năm trước. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 246 tỷ đồng, tăng gần 36%.

Tại Đại hội, cổ đông IDJ thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng phát hành hơn 173 triệu cổ phiếu với giá không dưới 10.000 đồng. Đồng thời, IDJ còn có kế hoạch phát hành 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ với tổng số tiền huy động dự kiến là 500 tỷ đồng và phát hành 8,6 triệu cổ phiếu ESOP với giá dự kiến 10.000 đồng/ cổ phiếu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại