Thống kê của Trí thức trẻ cho thấy, trong năm âm lịch vừa qua (17/2/2021 – 28/1/2022) có tổng cộng 20 mã ngân hàng tăng giá trên 50%, 7 mã còn lại đều tăng mạnh từ 11% đến gần 49%. Tính theo lượng cổ phiếu lưu hành, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng bình quân 53,6% trong năm Tân Sửu, vượt xa mức tăng của Vn-Index (32,6%) và UPCoM-Index (48,6%) nhưng thấp hơn HNX-Index (85,3%).
Trong đó, SSB của SeABank là cổ phiếu ngân hàng mang lại nhiều ''lộc'' nhất cho nhà đầu tư với tỷ suất sinh lời lên tới gần 191%.
Cổ phiếu này chào sàn HoSE ngày 24/3 với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp (tương đương giá điều chỉnh 13.520 đồng/cp) và liên tục tăng trần trong những phiên sau đó. Thậm chí, SSB vẫn duy trì được nhịp tăng giá trong nửa cuối năm 2021 dù hầu hết cổ phiếu ngân hàng khác đều giảm mạnh.
Đặc biệt, SSB còn bứt tốc mạnh trong tháng 12 khi SeABank thông báo phát hành thêm 181 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp, chưa bằng một nửa thị giá trên sàn.
NVB của NCB là cổ phiếu tăng mạnh thứ hai trong năm Tân Sửu. Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm, NVB đứng ở mức 32.000 đồng/cp, gấp hơn 2,9 lần so với cuối năm Canh Tý. Trước đó, chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9), cổ phiếu này đã tăng gấp đôi thị giá từ hơn 17.000 đồng/cp lên gần 35.000 đồng/cp.
Về hoạt động kinh, NCB không có gì nổi trội so với các ngân hàng khác. Thậm chí, nhà băng này còn lỗ trước thuế hơn 200 tỷ trong quý IV/2021, chủ yếu do thu nhập từ hoạt động tín dụng lao dốc và đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, trong năm qua, "thượng tầng" của NCB đã có biến động lớn khi cả Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đều được thay mới. Trước đó, cổ phiếu này cũng ghi nhận các giao dịch thoả thuận ''khủng'' trong năm 2021, khiến giới quan sát tin rằng cơ cấu cổ đông của nhà băng này đã được thay máu với sự tham gia của một tập đoàn bất động sản có tiếng ở trong nước.
Cổ phiếu PGB của PG Bank cũng góp mặt trong Top 3 mã sinh lời tốt nhất trong năm Tân Sửu khi tăng hơn 121%.
PGB bật tăng mạnh vào tháng 10 và tháng 11/2021 khi Petrolimex - cổ đông lớn nhất của ngân hàng - tiến gần đến thời hạn thoái toàn bộ vốn tại PGBank. Hiện tập đoàn này sở hữu 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần của PG Bank.
Tại đại hội bất thường hồi tháng 7 của PG Bank, Petrolimex cho biết sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Đồng thời, để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia và trúng đấu giá không vi phạm tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tối đa theo quy định là 30%, cổ đông PG Bank đã thống nhất tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN giao dịch trên sàn UPCoM ở mức 2% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 12 đến nay, cổ phiếu này đã giảm khá mạnh khi hoạt động thoái vốn của Petrolimex vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin gì mới.
TPB của TPBank cũng có tỷ suất sinh lời gần 110% trong năm Tân Sửu. Riêng quý IV/2021, cổ phiếu TPB tăng gần 63% sau khi phát hành riêng lẻ thành công 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước với giá 33.000 đồng/cp.
Do không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia, nên sau đợt phát hành này, TPBank hở room ngoại 30 triệu cổ phiếu, tạo điều kiện tham gia cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, EIB của Eximbank là cái tên được nhắc đến như một cổ phiếu điển hình được hỗ trợ bởi các ‘’tin đồn’’.
Cổ phiếu EIB bật tăng mạnh trong những tháng cuối năm Tân Sửu khi thị trường xuất hiện tin đồn: Đối tác chiến lược nước ngoài SMBC sẽ bán toàn bộ 15% vốn góp tại Eximbank cho nhà đầu tư nội.
Trước đó, định chế tài chính đến từ Nhật Bản cũng đã phát tín hiệu không còn mặn mà đối với cuộc chiến vương quyền chưa có hồi kết tại Eximbank. Cụ thể, SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này, sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong Hội đồng quản trị vào cuối năm 2019.
Trong trường hợp SMBC "buông tay" Eximbank, nhóm cổ đông nào tiếp quản lượng cổ phần do SMBC để lại sẽ có khả năng cầm trịch cuộc chơi tại nhà băng này. Mặt khác, nếu SMBC chuyển nhượng 15% vốn tại Eximbank cho nhà đầu tư trong nước, ''room'' nước ngoài tại ngân hàng sẽ hở ra một khoảng lớn, tạo sức hấp dẫn đáng kể cho cổ phiếu EIB.
MSB là tên cuối cùng có tỷ suất sinh lời hơn 100% trong năm âm lịch vừa qua. Kết thúc phiên 28/1/2022, cổ phiếu MSB đóng cửa ở 27.150 đồng, gấp hơn hai lần mức ghi nhận cuối năm Canh Tý.
Trong năm qua, cổ phiếu này được hỗ trợ rất lớn từ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là thương vụ thoái vốn tại công ty tài chính FCCOM. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2021 đạt 5.088 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020 và vượt xa mục tiêu mà đại hội đồng cổ đông thông qua từ đầu năm.
Đối với thương vụ bán FCCOM, giá trị ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và MSB có thể thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022.
Bên cạnh những cái tên kể trên, một loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng có tỷ suất sinh lời trên 90% trong năm Tân Sửu như ABB (+99,8%), SHB (+97,4%), STB (+95,9%), LPB (+90,4%),….
Động lực tăng giá của cổ phiếu ngân hàng năm qua nhìn chung đến từ kết quả kinh doanh tích cực, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm và bước sang nửa cuối năm dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn duy trì kết quả khả quan.
Ngoài ra, nhiều nhà băng cũng có câu chuyện riêng như thay đổi lãnh đạo cấp cao, giao dịch cổ đông lớn, lên kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, thoái vốn tại công ty con,…
Đánh giá về triển vọng trong năm tới, giới phân tích kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục thể hiện ''phong độ'' tích cực.
Các chuyên gia phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng việc tăng vốn và kì vọng tăng room ngoại sẽ là chất xúc tác tích cực đối với giá cổ phiếu của các ngân hàng trong năm 2022.
Cùng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo trong quý I/2022, cổ phiếu nhóm ngân hàng quốc doanh được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kì vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài. Trong khi nhóm tư nhân sẽ có điểm rơi về tin tức và tăng trưởng kể từ quý 2 - quý 3/2022.