Cổ phiếu doanh nghiệp bán tương ớt bất ngờ tăng gấp 2,4 lần sau 6 phiên, trở thành "á quân" thị giá sàn chứng khoán

Phương Linh |

CMF đã trở thành cổ phiếu có thị giá đắt đỏ thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam khi chỉ xếp ngay sau cổ phiếu Công ty cổ phần LICOGI 14 (L14 - 340.000 đồng/cổ phiếu).

Chốt phiên 5/4, thị giá CMF của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cholimex (Cholimex Food) ghi nhận mức tăng tốt 10,73% để đạt mức đỉnh giá mới 290.000 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, CMF đã trở thành cổ phiếu có thị giá đắt đỏ thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam khi chỉ xếp ngay sau cổ phiếu Công ty cổ phần LICOGI 14 (L14 - 340.000 đồng/cổ phiếu).

Trước đó, trong 4 phiên liên tiếp từ 29/3 đến 1/4, cổ phiếu CMF đều tăng trần. Với biên độ cho phép trên UPCoM lên tới 15%, thị giá CMF đã nhanh chóng tăng gấp đôi trong chưa tới một tuần giao dịch, thanh khoản từ hầu như không có giao dịch, trong những phiên tăng trần đã có 100 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.

Cổ phiếu doanh nghiệp bán tương ớt bất ngờ tăng gấp 2,4 lần sau 6 phiên, trở thành á quân thị giá sàn chứng khoán  - Ảnh 1.

Cổ phiếu CMF tăng hơn gấp đôi chỉ sau 6 phiên giao dịch

Theo tìm hiểu, Thực phẩm Cholimex nổi tiếng với các sản phẩm như nước tương, tương ớt, nước mắm... thương hiệu Cholimex. Cholimex Food tham gia vào thị trường tương ớt từ những năm cuối thập niên 1980, hiện vaaxn là một trong những công ty dẫn đầu ngành cùng với Masan, Trung Thành, Nosafood…

Công ty cũng đã thiết lập được hệ thống phân phối trên 63 tỉnh thành cả nước, phân phối thông qua nhiều kênh phổ biến như Metro, Co.op Mart, BigC…

Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex, mã chứng khoán: CLX) đang là cổ đông lớn nhất tại CMF khi nắm giữ khoảng 3,3 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 40,7% vốn điều lệ.

Hồi năm 2014, "ông lớn" mảng bán lẻ thực phẩm là Masan muốn gia tăng ảnh hưởng bằng việc gửi lời chào mua công khai 49% cổ phần của Cholimex Food với giá 90.000 đồng/cp - tương ứng định giá công ty ở mức 730 tỷ - gấp hơn 21 lần lợi nhuận sau thuế năm 2013 của Cholimex Food là 34 tỷ đồng. Mặc dù trả giá cao, song Masan bị từ chối bởi những cổ đông lớn hiện hữu là Cholimex và Nichirei Food.

Sau đó, 8,1 triệu cổ phiếu CMF chào sàn UPCoM vào tháng 11/2016 với mức giá tham chiếu 90.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên cổ phiếu hầu như không có giao dịch, thị giá đi ngang trong thời gian dài. Doanh nghiệp từ khi lên sàn tới nay cũng không có động thái tăng vốn điều lệ.

Về tình hình kinh doanh, sau khi từ chối Masan, Cholimex Food đã tăng trưởng vượt bậc những năm sau đó. Gần nhất trong năm 2021, Thực phẩm Cholimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.509 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu nội địa chiếm tới gần 73% tổng doanh thu, còn lại được đóng góp bởi mảng xuất khẩu.

Khấu trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của CMF trong năm 2021 đạt 186 tỷ đồng, tăng nhe 4% so với thực hiện trong năm 2020.

Cổ phiếu doanh nghiệp bán tương ớt bất ngờ tăng gấp 2,4 lần sau 6 phiên, trở thành á quân thị giá sàn chứng khoán  - Ảnh 2.

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của CMF tăng 14% so với đầu năm lên 1.162 tỷ đồng, doanh nghiệp có gần 168 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Bên cạnh đó, giá trị đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gần 374 tỷ đồng, tăng gần 60 tỷ so với đầu năm.

Tại thời điểm cuối năm 2021, CMF nợ vay ngắn hạn 104 tỷ đồng và không có nợ vay dài hạn.

Bước sang năm 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% so với thực hiện năm 2021. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 200 tỷ đồng, tăng 7,5%. Tỷ lệ cổ tức dự kiến thấp nhất 15%.

Còn về cổ tức năm 2021, CMF trong ngày 24/3 vừa qua đã chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền, tỷ lệ 50%. Dự kiến doanh nghiệp sẽ thanh toán cho cổ đông trong tháng 5/2022. Mức cổ tức cao là 50% đã được công ty duy trì trong ba năm trở lại đây 2019-2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại