Tất nhiên cái đuôi ngắn của linh miêu chẳng liên quan gì đến việc nó có ăn thịt thỏ hay không, vì đơn giản đó chỉ là một câu nói đùa và đặc điểm cấu tạo cơ thể của nó liên quan đến quá trình tiến hóa và thích nghi với các đặc điểm của môi trường sống mà thôi.
Nơi duy nhất trên hành tinh của chúng ta có thể được coi là môi trường sống của cả 3 loài mèo lớn - hổ Siberia, báo Siberia và linh miêu Á-Âu là khu rừng nguyên sinh ở phía đông bắc của Trung Quốc. Trong số đó, linh miêu Á-Âu là loài động vật tuy nhỏ bé nhưng lại có thể được coi là kẻ có thể cạnh tranh trực tiếp với hổ và báo vì sự khát máu và tàn nhẫn của mình.
Chi linh miêu (Lynx) là một chi mèo đuôi ngắn, chúng thường có một búi lông đen dài trên chỏm tai, nhìn giống như ăng-ten. Trên thực tế, linh miêu được chia thành bốn loài: Linh miêu Á-Âu (Lynx lynx), Linh miêu Iberia (Lynx pardinus), Linh miêu Canada (Lynx canadensis) và Linh miêu đuôi cộc (Lynx rufus).
Trong số 4 loài này thì loài linh miêu Á-Âu sống ở Trung Quốc là loài có thân hình lớn nhất trong chi Lynx.
Linh miêu Á-Âu (Lynx lynx).
Linh miêu Iberia (Lynx pardinus).
Linh miêu Canada (Lynx canadensis).
Linh miêu đuôi cộc (Lynx rufus).
Chiều dài cơ thể của linh miêu Á-Âu là khoảng 80-140cm, và trọng lượng khoảng 12-29kg.
Tuy thua xa báo hoa mai và báo tuyết nhưng nó cũng có thể sánh ngang với báo gấm (chiều dài khoảng 70-110cm và nặng 10-25kg), thậm chí có thể nhỉnh hơn một chút.
Đặc điểm dễ nhận biết nhất của linh miêu là chiếc đuôi ngắn, và tất nhiên linh miêu Á-Âu cũng chỉ có chiếc đuôi dài từ 12-24cm, tức là bằng 1/6 chiều dài cơ thể.
So với các loài mèo khác, các chi và cơ thể của linh miêu có tỷ lệ hơi khác biệt một chút, chân của chúng rất to và điều này cũng làm cho linh miêu trông lớn hơn so với kích thước thực của nó. Chúng có bàn chân lớn và lông dày mọc trên bàn chân vào mùa đông, giúp chúng có thể di chuyển nhẹ nhàng trong tuyết.
Linh miêu Á-Âu có thể được chia thành bốn loại theo sự khác biệt về số lượng đốm trên cơ thể:
1. Về cơ bản không có đốm trên cơ thể, chỉ có đốm ở bắp chân và bụng;
2. Có những đốm nhỏ rời rạc trên thân và những đốm ở chi dưới trở nên lớn hơn;
3. Những mảng và đốm rời rạc khắp cơ thể ;
4. Một đốm tập trung ở dọc cơ thể và dải dần ra xung quanh (tương tự như báo, chủ yếu phân bố ở Châu Âu).
Linh miêu Á-Âu phổ biến ở phía bắc của lục địa Á-Âu, từ núi rừng ở Châu Âu đến rừng lá kim ở Viễn Đông Nga, và kéo dài đến Trung Á và cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Ở Trung Quốc, nó xuất hiện ở khu vực phía bắc từ tây bắc đến đông bắc qua Hoa Bắc, cũng như cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng - Các tỉnh liên quan bao gồm Tân Cương, Tây Tạng, Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên, Nội Mông và ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc.
Trên thực tế, linh miêu Á-Âu là loài mèo hoang dã phân bố rộng rãi nhất ở miền bắc Trung Quốc .
Dù là hổ hay báo hoa mai, báo tuyết, thỏ hay mèo sa mạc, chúng đều không phổ biến rộng rãi như linh miêu. Chúng phân bố rộng rãi trong các khu rừng ôn đới rộng lớn và có khả năng chống chịu tốt với môi trường sống, chúng có thể tồn tại trong nhiều môi trường khác nhau như rừng ôn đới, rừng thưa, bụi rậm và lãnh nguyên.
Về khả năng thích nghi, linh miêu và báo gấm có một chút giống nhau. Chúng có thể tồn tại ở những vùng núi đá với thảm thực vật thưa thớt, vùng bán sa mạc lạnh và nhiều đá (Tây Tạng), hoặc những khu rừng lá kim rậm rạp.
Tuy nhiên, chúng sẽ luôn tránh những khu vực đã bị biến đổi nhân tạo, chẳng hạn như những khu vực nông nghiệp rộng lớn, hoặc gần khu dân cư.
Giới hạn săn mồi của linh miêu là những con mồi có kích thước bằng một con hươu đỏ trưởng thành (khoảng 220kg), nhưng những loài ưa thích của chúng lại là các loài động vật móng guốc vừa và nhỏ, các con non của động vật móng guốc lớn và động vật nhỏ (chẳng hạn như thỏ rừng, hoẵng Siberia).
Hoẵng Siberia được tìm thấy ở Đông Bắc Á. Ngoài Siberia và Mông Cổ, chúng được tìm thấy ở Kazakhstan, núi Tian Shan của Kyrgyzstan, miền đông Tây Tạng, bán đảo Triều Tiên, và đông bắc Trung Quốc. Loài này nặng tới 40kg khi trưởng thành.
Nhóm nghiên cứu Li Sheng của Đại học Bắc Kinh đã tiến hành phân tích chế độ ăn của linh miêu ở miền tây Tứ Xuyên, và cho thấy thỏ cao nguyên là thức ăn quan trọng nhất đối với linh miêu địa phương.
Hầu hết thời gian, chúng hoạt động trên mặt đất, nhưng chúng cũng có thể leo cây. Tại Nga, người ta từng ghi lại cảnh một con linh miêu Á-Âu nhảy từ trên cây xuống để săn một con hươu sika đang đi ngang qua.
Linh miêu Á-Âu thường cắn vào cổ họng của động vật móng guốc và làm chúng chết ngạt; đối với những con mồi nhỏ, linh miêu thường cắn qua hộp sọ hoặc gáy của chúng. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đối với những con mồi vừa và lớn, linh miêu Á-Âu sẽ ăn tất cả cơ bắp, mỡ và các cơ quan nội tạng ngoại trừ đường tiêu hóa (vì có phân trong đường tiêu hóa).
Trong số 70% các trường hợp, chúng sẽ chọn ăn phần đùi và mông của con mồi đầu tiên. Con mồi lớn sẽ bị ăn sạch sau 5-7 ngày. Cuối cùng, chỉ có đầu, xương lớn, lông và sừng của con mồi sẽ bị bỏ lại.
Thế nhưng nếu con mồi là một con non dưới 2 tuần tuổi, chúng sẽ ăn luôn cả nội tạng đường tiêu hóa. Vì ở độ tuổi này, đường tiêu hóa của con mồi chỉ chứa sữa mẹ, sữa này có thể được nuốt và tiêu hóa.
Lynx thường chỉ săn những động vật lớn ở những nơi có tuyết sâu. Bởi vì lớp tuyết dày sẽ khiến cho những con mồi lớn di chuyển khó khăn, trong khi đó linh miêu vẫn có thể di chuyển một cách linh hoạt.
Linh miêu Á-Âu phân bố rộng rãi và dễ thích nghi với môi trường, đồng nghĩa với việc chúng đóng một vai trò sinh thái rất quan trọng và loài có thể cạnh tranh trực tiếp với chúng là chó sói, nhưng hiện tau chó sói đã bị tuyệt chủng ở rất nhiều nơi vì tình trạng săn bắn của con người.