Có nơi "người dân còn xin lắp thêm loa truyền thanh"

Hoàng Hải |

Một số lãnh đạo UBND phường trên địa bàn TP. Hà Nội cho biết, việc sử dụng loa phường thời điểm hiện tại là rất cần thiết, một số khu vực người dân còn xin lắp thêm.

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở TT&TT Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Nguyễn Đức Chung nhận định, loa phường ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng nhưng trong thời đại công nghệ như hiện nay, thành phố đã có nhiều phương thức phục vụ nhân dân. Loa phường hiện nay chỉ dành cho người già và trẻ em.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cùng các đơn vị liên quan lấy ý kiến nhân dân về vấn đề loa phường.

Từ đó thấy nơi nào loa phường không còn tác dụng thì mạnh dạn đề xuất với thành phố cho dừng hoạt động. Nơi nào loa phường còn hiệu quả (phường, xã ngoại thành) thì để lại.

Liên quan đến vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số UBND phường trên địa bàn TP. Hà Nội.

Bà Trần Thị Bích Thái – Phó chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết, trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa có 100 loa phát thanh không dây được lắp đặt, phân bố hợp lý trên toàn địa bàn.

"Khi mắc loa, chúng tôi cũng đã tính toán phải mắc làm sao để phù hợp với địa bàn và không ảnh hưởng đến dân cư.

Thời lượng phát thanh, chúng tôi cũng rất chú trọng. Một ngày, loa phường phát 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Thời gian phát loa buổi sáng vào khoảng 6h30, chậm nhất khoảng 7h kém 15 phút, thời lượng phát khoảng 30 phút.

Khi thời gian các trường vào học, các cơ quan vào làm việc, việc phát loa phường sẽ tạm dừng", bà Thái nói.

Cũng theo bà Thái cho biết, loa phường trên địa bàn rất quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các nghị quyết mà cấp trên giao cho đia phương.

"Trong dịp tết sắp tới, việc tuyên truyền phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, khám nghĩa vụ quân sự… bằng loa truyền thanh là rất hiệu quả", bà Thái cho hay.

Có nơi người dân còn xin lắp thêm loa truyền thanh - Ảnh 1.

Có nơi người dân còn xin lắp thêm loa truyền thanh - Ảnh 2.

Đơn đề nghị mắc loa truyền thanh trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.

Còn ông Nguyễn Thái Đức – Cán bộ Văn hóa thông tin phường Ô Chợ Dừa cho biết, đến thời điểm này, loa truyền thanh phường trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa vẫn đang hoạt động rất hiệu quả.

Ông Đức cũng cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa có 2 điểm người dân xin mắc thêm loa truyền thanh phường.

Còn vị lãnh đạo UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ) cho biết, thời gian vừa qua UBND quận Tây Hồ mới đầu tư, mắc thêm loa truyền thanh cho địa bàn phường Bưởi.

"Nhu cầu sử dụng loa truyền thanh trên địa bàn phường hiện tại vẫn đang cần trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các thông tin của UBND TP., quận tới người dân.

Một số nơi trên địa bàn phường, người dân còn xin lắp thêm loa truyền thanh. Một số các bác nhiều tuổi còn phản ánh đến phường về việc loa truyền thanh tiếng nhỏ, không nghe rõ các thông tin chính sách, tiền lương", vị lãnh đạo phường Bưởi nói.

Cùng chung quan điểm trên, lãnh đạo UBND phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm), cho biết việc sử dụng loa truyền thanh trên địa bàn phường thời điểm hiện tại là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Thành Nam (hiện đang sinh sống tại phố Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) cho biết, đối với những người cao tuổi như ông Nam, loa truyền thanh phường là một nơi tiếp nhận thông tin rất hiệu quả và nhanh nhạy về các chủ trương, đường nối của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Bên cạnh đó, đối với các bậc cao tuổi, loa phường còn là nơi nhanh chóng nắm bắt thông tin về những chính sách, chế độ chi trả lương hưu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại