Thế nhưng lợi ích trước mắt và ngắn hạn đó lại ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, đến sức mua của người dân bởi nó dẫn đến sự gia tăng giá thành sản phẩm ở nhiều mức độ khác nhau. Vậy có nên tăng thuế môi trường lên xăng dầu?
Nhìn lại thuế bảo vệ môi trường đã được tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít vào năm 2015 để bù cho thuế nhập khẩu xăng dầu giảm từ 35% xuống 20% theo lộ trình cắt giảm thuế quan trong cam kết thương mại Asean. Trước đó, từ năm 2012-2015, thuế nhập khẩu xăng dầu tăng từ 0% lên 35% để bù đắp thâm hụt ngân sách.
Hiện nay cân đối ngân sách đang ở trạng thái tốt. Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách bốn tháng đầu năm nay đạt 396.400 tỉ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ trong khi chi ngân sách 393.300 tỉ đồng, tăng 9,8%. So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng thu ngân sách đã nhanh hơn tốc độ tăng chi. Ngân sách đang thặng dư 3.100 tỉ đồng trong khi cùng kỳ 2016 thâm hụt 53.600 tỉ đồng.
Điều đáng nói mức tăng thu của bốn tháng qua cao hơn nhiều mức tăng dự thu 10,1% của cả năm 2017.
Trong chi ngân sách, chi cho đầu tư phát triển mới đạt 19,2% kế hoạch năm, nhưng đã tăng 20% so với cùng kỳ. Thúc đẩy chi đầu tư phát triển phải gắn với cải thiện hiệu quả đầu tư công, bởi thế chúng ta không thể vội vàng dù mục tiêu tăng trưởng GDP của ba quí còn lại khá nặng nề.
Ngoài thặng dư ngân sách, thực trạng thứ hai cần đề cập là sức mua của người tiêu dùng còn yếu. Hãy nhìn chỉ số bán lẻ ba năm gần đây, theo đó mức tăng bốn tháng đầu năm 2015 là 8%; 2016 là 7,5% và 2017 chỉ còn 6,7%, tức mức tăng đang xuống dốc.
Theo tính toán của bộ phận phân tích, nghiên cứu Công ty Chứng khoán Sài Gòn, khi thuế bảo vệ môi trường tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít, thu thuế tăng thêm 31.000 tỉ đồng, tương 0,9% tổng mức bán lẻ của năm 2016.
Nếu tới đây thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng lên 8.000 đồng/lít, người tiêu dùng sẽ phải đóng thêm 75.000 tỉ đồng, tức bằng 2,1% tổng mức bán lẻ.
Hiện người tiêu dùng đang đóng hai khoản thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân và tốc độ tăng thu của cả hai đều không hề thấp. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ không thể nào giúp người tiêu dùng có thêm nguồn để chi tiêu, cải thiện sức mua của nền kinh tế.
Lý do thứ ba cần cân nhắc khi tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là kinh tế đang tăng trưởng chậm do cầu yếu. Muốn nâng tăng trưởng rõ ràng phải có giải pháp kích cầu, giảm thuế, chứ không phải tăng thuế. Từ năm 2014 thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm dần từ 25% về 20%, thuế trước bạ đối với ô tô giảm từ 20% còn 10%.
Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có sức thuyết phục rất lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có vốn mở rộng đầu tư, nhưng giảm thuế trước bạ ô tô lại không như vậy.
Tỷ lệ nội địa hóa của ô tô thấp nên giảm thuế trước bạ thực chất là kích cầu cho nước ngoài và làm tăng nhập siêu. Ở đây phải nói cho rõ ô tô là mặt hàng đắt tiền, không phải ai cũng có đủ khả năng mua, do đó giảm thuế trước bạ là giảm thuế cho một bộ phận nhỏ người tiêu dùng.
Tăng thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu, ngược lại, động chạm đến gần như hết thảy người dân, không phân biệt thu nhập cao, trung bình hay thấp và như vậy người có thu nhập trung bình và thấp chịu thiệt hơn cả.
Năm 2016 các thành viên của VAMA bán được 304.000 xe. Giả sử 10% thuế trước bạ mỗi xe là 50 triệu đồng, ngân sách đã bị hụt thu 15.200 tỉ đồng. Và 15.200 tỉ đồng có thể tương đương với 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường cho một lít xăng.
Khoảng 1.000 đồng một lít xăng là không nhỏ đối với phần lớn người dân. Số tiền ấy nếu được chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu sẽ tạo ra sức cầu đáng kể.
Tại sao thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lại liên quan đến chứng khoán? Lợi nhuận của tất cả doanh nghiệp niêm yết sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực khi giá xăng dầu tạo ra chi phí đẩy đối với giá thành sản phẩm và buộc các doanh nghiệp phải xem xét giá hàng hóa đầu ra.
Lợi nhuận giảm, liệu thị giá cổ phiếu có giữ được và VN-Index có tăng trưởng để thị trường chứng khoán là kênh thu hút vốn?
Giới đầu tư có lẽ đang “say mê” với triển vọng xử lý nợ xấu ngân hàng theo đó một nghị quyết về nợ xấu sẽ được trình Quốc hội xem xét, nhưng cũng đừng quên thuế bảo vệ xăng dầu cũng sẽ được mang ra thảo luận. Đấy mới là câu chuyện sát sườn của chứng khoán hiện tại.