Bạn đã phát chán với những thông tin về việc loài voi bị săn bắn đến mức tuyệt chủng? Bạn cảm thấy ngán ngẩm vì những hành vi độc ác của một bộ phận con người khiến cho loài voi bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm báo động?
Thật may, trên thế giới này, vẫn còn tồn tại một nơi mà loài voi có thể sống tự do với số lượng vô cùng đông đảo.
Công viên quốc gia Liwonde - nơi loài voi bùng nổ dân số
Vào một buổi bình minh rực rỡ tại công viên Liwonde miền Nam Malawi, một đội bảo tồn động vật tại Công viên Châu Phi đang chuẩn bị thực hiện một công việc không tưởng.
Liwonde là nơi tập trung nhiều động vật hoang dã, từ hà mã ngâm mình trong nước đến những bầy linh dương chạy nhảy tung tăng. Và đặc biệt là nơi đây có số lượng voi cực kì lớn.
Công viên quốc gia Liwonde – nơi tập trung rất nhiều voi
Tuy nhiên, số lượng voi nhiều như vậy ảnh hưởng không ít tới cân bằng sinh thái, đồng thời còn gia tăng sự phức tạp trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên hoang dã.
Do có quá nhiều loài cạnh tranh ăn cỏ trong khu vực, voi buộc phải đi đến các buôn làng và ăn lương thực của con người. Chính vì vậy, chúng bị con người xua đuổi, khiến nguy cơ bị giết rất cao.
Số lượng lớn voi vừa khiến chúng thiếu thức ăn, vừa khiến con người bị ảnh hưởng
Cùng thời điểm này, xa về phía Bắc Malawi có một công viên quốc gia rộng lớn, an toàn cho loài voi. Việc di cư voi đến đó không những giúp cho chúng có nguồn thức ăn dồi dào hơn, lãnh thổ rộng lớn hơn mà còn góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng đó nhờ du lịch và các dịch vụ đi kèm.
Do đó, vào tháng 6 năm 2016, kế hoạch khổng lồ chuyển 500 con voi từ miền Nam đến miền Bắc Malawi đã được khởi động dưới sự đồng ý của Lãnh đạo Công viên quốc gia Malawi và Công viên Châu Phi.
Hành trình tái định cư cả gia đình voi đến từ Nam ra Bắc
"Công việc đó cực kì thú vị" – Kester Vickery, người sáng lập của tổ chức Giải pháp bảo tồn động vật chia sẻ – "Chúng tôi khởi hành vào buổi sáng, nhắm vào đối tượng là cả một gia đình voi".
Một khi chúng đã được định vị, phi công trực thăng và bác sĩ thú y Andre Uys bắt đầu lên chiến lược. "Họ muốn bắn thuốc mê con cái đầu đàn đầu tiên. Sau đó toàn bộ những con còn lại sẽ tập trung xung quanh con đầu đàn, khi đó mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn".
Những người trên trực thăng có nhiệm vụ đánh thuốc mê cả đàn voi
Voi là loài nổi tiếng có sự kết giao chặt chẽ giữa các con trong đàn. Những con cái sống cùng với nhau cả đời, giúp đỡ nhau trong việc nuôi nấng voi con và bảo vệ khi gặp nguy hiểm. "Chúng tôi luôn nhắm tới mục tiêu là cả đàn voi. Chúng tôi không thể để chúng tan đàn xẻ nghé." – Vickery nói.
Từ chiếc trực thăng, bác sĩ Uys bắn thuốc mê vào lưng con cái đầu đàn với những động tác cực kì chính xác. Con vật ngã xuống đất gần như ngay lập tức.
Tiếp theo, Uys lần lượt bắn thuốc mê từng con từng con một, từ nhỏ đến lớn, cho đến con voi nhỏ nhất cuối cùng. Công việc phải thực hiện thật nhanh, để không làm kích động những cá thể còn lại.
Khi mọi thứ đã xong xuôi, Uys dùng radio liên hệ với đội đang chờ dưới đất, ra hiệu lệnh tiếp cận. Việc quan trọng nhất trong 5 phút đầu tiên là phải đảm bảo các con voi đều nằm ngang và thở đều đặn, nếu chúng ngã mạnh quá, chúng có thể chết.
Tiếp theo, chuyên gia y tế sẽ đến và kiểm soát thuốc mê, đảm bảo tất cả các sinh hiệu đều bình thường. Khi tất cả đều đã ổn định, cả đội đưa đàn voi lên xe tải bằng cần trục. Họ đã có kinh nghiệm di cư cho 250 con voi trong 2 tháng qua, nên mọi việc diễn ra rất thuận lợi và trơn tru.
Voi được đưa lên xe bằng cần trục
Xe tải sẽ di chuyển khoảng vài km đến nơi tập kết. Nơi đây cả đàn voi sẽ được đánh thức và được đưa vào trong một đường ống to, nơi chúng tự bước đi lên xe tải.
Lượng thuốc mê vẫn còn đủ giúp chúng không hoảng loạn mà vẫn có khả năng tự bước đi được. Một khi đàn voi đã lên được xe tải, cả đội bắt đầu lái đoạn đường 6 tiếng đến Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã Nkhotakota. Cả hành trình từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc chỉ tốn khoảng 24h.
Cuộc sống an toàn ở Nkhotakota
Cho đến thời điểm hiện tại, việc tái định cư hiện đang có những tiến triển tốt trong việc bảo vệ mạng sống của loài voi. Chuyển voi lên phía Bắc làm giảm áp lực lên hệ sinh thái ở miền Nam Malawi: nông dân không bị phá hoại mùa màng, voi không bị giết nữa.
Đối với phía Bắc, ngành Du lịch bỗng dưng khởi sắc chiếm 8% GDP cả nước. Việc xây hàng rào bảo vệ cũng cung cấp công ăn việc làm cho khoảng 1000 người.
Nkhotakota – thiên đường mới của loài voi
"Ngày xưa, khi có quá nhiều voi, người ta thường dùng phương án chọn lọc rồi giết voi. Hiện tại, chúng tôi đã chứng minh được đó không phải là phương án duy nhất. Chúng tôi có thể di chuyển hàng nghìn con voi trong 1 năm nếu có nơi nào đủ rộng cho chúng. Giết voi là điều hoàn toàn không cần thiết."
Mọi việc đã thay đổi ở Liwonde, khi trực thăng đã bay đi, cuộc sống trở lại với nhịp điệu vốn có. Số voi còn lại hướng đến dòng sông để uống nước và tắm, bây giờ lãnh địa cho chúng sẽ nhiều hơn. Trong khi đó, hàng xóm cũ của chúng hiện đang ở tận phía Bắc Nkhotakota và đang bắt đầu cuộc sống mới ở một thiên đường an toàn.
Nguồn: BBC