Có một ngôi sao Man United tự xây tượng đài cho mình bằng trí tuệ

Bảo Nam - Thiết kế: Mine Linh |

Ai cũng biết Andy Cole là một cây săn bàn vĩ đại. Nhưng trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu về một Cole rất khác so với hình tượng đọng lại trong trái tim người hâm mộ.

Premier League đã, và vẫn đang là giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. 25 năm tồn tại, giải đấu hàng đầu nước Anh đã đưa đến cho người hâm mộ bóng đá trên khắp hành tinh rất nhiều tên tuổi lớn của bóng đá thế giới.

"Biểu tượng Premier League" là tuyến bài gửi đến bạn đọc góc nhìn sâu hơn, góc cạnh hơn về những nhân vật được coi là đại diện cho giải đấu này, những nhân vật góp phần tạo nên một Premier League đầy sắc màu và kịch tính.

Tuyến bài sẽ được xuất bản định kỳ vào thứ Năm hàng tuần.

Ngày 25/10/2015, phóng viên Roz Lewis - một trong những cây viết chủ lực về mảng… tư vấn tài chính cá nhân trên nhật báo The Telegraph, quyết định mời một nhân vật thú vị lên chia sẻ về kỹ năng quản lý tài chính của anh ta.

Khách mời không phải là một doanh nhân, một thương gia tài năng, mà lại là một cầu thủ bóng đá đã về hưu: Andy Cole. Đó là một trong những lần rất hiếm hoi trong đời Cole chia sẻ cho cả độc giả một góc khá thú vị và mới lạ về con người anh.

Có một ngôi sao Man United tự xây tượng đài cho mình bằng trí tuệ - Ảnh 2.

Andy Cole được biết đến với rất nhiều biệt danh khác nhau thời còn tung hoành trên sân cỏ: Andy, finisher, poacher, winner hay goal king - tất cả đều là những cách gọi tôn vinh khả năng săn bàn khủng khiếp của Cole.

Trước khi bị hậu bối Wayne Rooney vượt mặt, Andy Cole chính là người xếp ngay sau Alan Shearer trong danh sách những cây săn bàn vĩ đại nhất Premier League. Anh ghi được 187 bàn tại Premier League, trong khi đó Shearer kết thúc sự nghiệp với 260 bàn.

Nếu chỉ dựa vào 2 con số này thì Cole quả là "không đủ tuổi" để so sánh với Shearer. Nhưng hãy đi sâu hơn vào số bàn thắng này: Trong 260 bàn Shearer ghi tại Premier League có 56 pha lập công trên chấm 11m. Vậy Cole có bao nhiêu bàn thắng từ chấm penalty? Câu trả lời là… 1 bàn.

Như vậy nếu trừ đi số bàn thắng được ghi trên chấm 11m thì hiệu suất ghi bàn/trận của Cole thực tế còn cao hơn cả Shearer. Có khá nhiều người đã từng phân tích rằng, Andy Cole thực tế chơi bóng thông minh hơn nhiều so với Shearer.

Bởi trong khi Shearer là mẫu cầu thủ được đồng đội tạo mọi điều kiện để ghi bàn thì Andy Cole vừa ghi bàn, vừa là người dọn cỗ cho đồng đội.

Đi tìm thống kê về những chân chuyền vĩ đại nhất trong lịch sử Premier League mới ngã ngửa: Hóa ra, Cole có số đường kiến tạo thành bàn chỉ kém đúng 2 huyền thoại Ryan Giggs và Dennis Bergkamp. Anh có tới 127 đường chuyền thành bàn trong sự nghiệp tại Premier League.

Những lời gợi mở về trí thông minh của Andy Cole dần được chấp nhận khi độc giả biết được một phần nhỏ về tuổi thơ của anh. Cole sinh ra trong một gia đình 8 anh chị em. Bố mẹ Cole là dân di cư.

Với nguồn thu nhập eo hẹp từ công việc thợ mở của người bố, cuộc sống của Cole ngày bé chỉ quanh quẩn với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Để tăng thêm thu nhập, bố Cole kiếm cho anh công việc giao báo. Nhưng Cole chỉ làm được vài tháng rồi tự bỏ.

Đó là thời điểm Cole nhận ra rằng trở thành một cầu thủ cũng là một cách kiếm tiền. Và bất chấp sự hoài nghi của gia đình, Cole theo nghiệp bóng đá. Cho đến tận bây giờ anh vẫn là người duy nhất trong gia đình 10 nhân khẩu đi theo con đường thể thao.

Năm 20 tuổi, dù chỉ vừa chân ướt chân ráo gia nhập Arsenal, Cole đã mạnh dạn vay mượn để mua một căn hộ tại London. Đó là quãng thời gian rất khó khăn về tài chính với anh. Rất nhiều người chất vấn: Tại sao thay vì thuê nhà, Cole lại đổ tiền mua nhà ở cái xứ đắt đỏ như London?

"Tôi chưa từng hối hận, dù quãng thời gian đó việc chi tiêu thật khủng khiếp. Tôi có cả tá hóa đơn phải thanh toán. Nó khiến tôi thậm chí không thể tập trung để đá bóng. Nhưng tôi quyết định giữ căn nhà đó lại, và sau này khi bán đi, tôi có một khoản dư dả trong tay", Cole nói về căn hộ năm 20 tuổi của mình trong buổi nói chuyện với phóng viên Roz Lewis năm 2015.

Có một ngôi sao Man United tự xây tượng đài cho mình bằng trí tuệ - Ảnh 4.

Chúng ta nên nhớ rằng Andy Cole không có được vẻ ngoài bắt mắt để có thể hái ra tiền từ quảng cáo như David Beckham, cũng không có được tài ăn nói để trở thành bình luận viên như Paul Scholes, và cũng chẳng có quá nhiều mối quan hệ để mở nhà hàng, khách sạn như Ryan Giggs.

Andy Cole - nói như phóng viên Leon Mann, một chuyên gia phỏng vấn các siêu sao bóng đá, làm việc cho kênh ITV 4, là một "gã đàn ông chỉ biết đá bóng và quá kiêu ngạo để làm việc trong một tập thể". Theo Leon Mann, thời còn là cầu thủ, ngoại trừ lúc đi du đấu cùng Man United, Cole thậm chí còn không đi du lịch nước ngoài vào các kỳ nghỉ. Anh là một gã ít giao du.

Thậm chí vào thời điểm Man United mua Cole, huyền thoại George Best còn buông ra một bình luận cực kỳ xúc phạm: "7 million, its a lot for a nigger" (7 triệu bảng, quá nhiều cho một thằng da đen).

Nigger là một từ rất nặng để gọi dân da màu, bởi nó xuất phát từ thời kỳ người da đen bị coi là nô lệ. Best sau đó phủ nhận đã nói câu này, nhưng tin đồn về nó vẫn xuất hiện không ngớt và ảnh hưởng cực nặng tới tâm lý của Andy Cole.

Nhưng bất chấp mọi khó khăn, Cole vẫn kết thúc sự nghiệp với 2 căn hộ hạng sang ở London, một vài căn cho thuê ở nước ngoài, một ngôi biệt thự ở Nottingham và luôn có 2 căn trong tình trạng "mua đi, bán lại". Quá ổn đối với một cầu thủ không kiếm được nhiều tiền từ cái danh cầu thủ.

Có một ngôi sao Man United tự xây tượng đài cho mình bằng trí tuệ - Ảnh 5.

Đối với rất nhiều người hâm mộ đã từng chiêm ngưỡng tài năng của Cole, hình ảnh của anh trong họ là một cây săn bàn xuất sắc, là đối tác huyền thoại của Dwight Yorke, là một trong những tiền đạo hiếm hoi khiến hệ thống phòng ngự vĩ đại Catenaccio của người Italia sụp đổ.

Và tất cả những hình ảnh đẹp đọng lại đó đều được xây dựng dựa trên một tố chất mà rất ít người nhận ra ở Andy Cole: Trí thông minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại