Nhờ có những thiết bị theo dõi tí hon, các nhà khoa học đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra loài chim yến phổ biến có thể bay suốt 10 tháng liền mà không cần hạ cánh nghỉ ngơi. Đây chắc chắn là chuyến bay liên tục dài nhất của thế giới tự nhiên.
Các nhà khoa học lâu nay đã cho rằng chim yến có thể bay trong thời gian dài, nhưng phải đến bây giờ họ mới có chứng cứ xác thực – nhờ có công nghệ ghi lại quãng đường bay được gắn vào thân 13 con chim yến được chọn làm đối tượng nghiên cứu.
Nhất cử nhất động của chúng được theo dõi và ghi chép lại trong suốt 2 năm qua bởi nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Lund, Thụy Điển.
Họ cho biết, 3 trong số 10 con chim yến không hề hạ cánh trong 10 tháng liền. Chúng chỉ nghỉ trong vòng 2 tháng khi đến mùa sinh sản, rồi sau đó lại tiếp tục sải cánh trên bầu trời lần nữa.
Chim yến có thể bay suốt 10 tháng và chỉ nghỉ ngơi 2 tháng còn lại trong năm.
“Phát hiện này đã làm đẩy lùi những giới hạn những điều chúng ta biết về cơ chế sinh lý học của động vật,” Anders Hedenström, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết. “10 tháng là quãng thời gian bay dài nhất được biết đến của bất cứ loài chim nào - đây thực sự là một kỉ lục.”
Những thiết bị tí hon được đặt bên trong túi nhỏ cài vào đằng sau lưng của chim yến có thể gửi lại thông tin về thời điểm bay, tốc độ bay và địa điểm hiện tại của chúng. Kể cả những con chim có nghỉ lại trên mặt đất cũng dành ra 99.5% thời gian di cư để bay.
Các túi nhỏ đựng chỉ nặng chưa đến 1 gram và mang theo các thiết bị cảm ứng ánh sáng. Bằng cách đối chiếu thời điểm mặt trời mọc và mặt trời lặn trong nhật kí lộ trình bay, các nhà nghiên cứu có thể biết được những nơi nào nhóm chim yến đã đi qua.
Một thiết bị cảm ứng ánh sáng được gắn sau lưng mỗi đối tượng chim yến để truyền phát những thông tin cần thiết.
Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện ra rằng những con chim mà liên tục bay hầu như cả năm trời thì thậm chí thay lông cánh và đuôi ngay trên không trung.
Còn những con chim có đỗ lại đâu đó dọc đường thì lại không thay lông, đây chính là điều khiến các nhà khoa học nghĩ rằng có thể giải thích sự khác biệt về hành vi bay cũng như tình trạng sinh lý của chúng.
Loài chim yến phổ thông đã phá vỡ kỉ lục thời gian bay dài nhất được lập bởi người anh em họ hàng xa của chúng, loài yến bụng trắng (Apus melba hoặc Alpine Swift), được biết đến là có thể bay liên tục 6 tháng liền.
Loài chim này có thể bay hàng triệu km trong suốt cuộc đời, tương đương 5 năm rưỡi, di chuyển qua lại giữa châu Âu và châu Phi theo mùa.
Nếu bay liên tục như vậy, chim yến có thể ngủ lúc nào?
Giờ đây Hedenstrom cùng nhóm của mình đã xác định được chim yến có thể ở trên không trung trong bao lâu, câu hỏi tiếp theo là: làm thế nào chúng làm được điều đó?
Cần tiêu tốn rất nhiều năng lượng mới đạt được khả năng này, bên cạnh đó còn vấn đề nữa được đặt ra là việc ngủ nghỉ của chúng.
“Có thể chúng cũng ngủ khi bay như loài cốc biển,” Hedenstrom giải thích. “Hằng ngày, từ lúc chập tối đến lúc bình minh, chim yến giữ mình bay ở độ cao 2 – 3 kilomet. Có khả năng là trong lúc bay thấp xuống thì chúng “chợp mắt” một lúc, nhưng chúng tôi chưa thể khẳng định chắc chắn”.
(Nguồn: ScienceAlert)