Có một căn bệnh nguy hiểm đang bào mòn chúng ta từng ngày

Bảo Nam |

Vay tiền để sắm Iphone, mượn xe ga đi họp lớp, bày cỗ bàn hoành tráng vào bất kỳ dịp nào và còn hằng hà sa số những câu chuyện dở khóc dở cười khác liên quan đến chứng bệnh nan y mang tên: Hình thức.

Cứ mỗi dịp Tết nhất, giỗ chạp, sinh nhật là bà cô ruột của tôi lại như ngồi trên đống lửa. Bà ra lệnh cho con cái phải tìm bằng được những món ăn độc đáo nhất, thời thượng nhất để "cỗ bàn nhà mình phải sang hơn nhà người khác".

Đợt Tết vừa rồi bà gặp trận cảm lạnh, nằm rên hừ hừ trên giường nhưng vẫn không quên lời hẹn "mừng 3 mời nhà ngoại lên ăn hóa vàng".

Tủ lạnh thì đồ ăn ê hề, khách khứa vốn toàn họ hàng nên chả câu nệ gì, mà Tết nhất ai cũng ngán ăn tận cổ nên các em họ tôi khuyên làm mọi thứ đơn giản thôi, vui vẻ là chính.

Nào ngờ tối mùng 2, bà một mình lọ mọ ra siêu thị gần nhà mua thêm đồ ăn cho cỗ bàn tươm tất kẻo xấu mặt với họ hàng. Người thì đang ốm dở, loạng quạng thế nào bà quệt luôn xe vào dải phân cách giữa đường, ngã gãy tay. Thế là mất Tết cũng vì căn bệnh hình thức trầm kha.

Có một căn bệnh nguy hiểm đang bào mòn chúng ta từng ngày - Ảnh 1.

Dù có ốm mệt, nhưng chuyện cỗ bàn là không được phép qua loa. Ảnh minh hoạ

Khi bị con cái trách móc bà quệt nước mắt trình bày, sống trong xã hội hơn nhau từng phân giá trị ảo, không hình thức người ta lại coi thường.

Lấy ví dụ như cái điện thoại. Người giàu có sắm Iphone, Vertu cho oai, nhưng họ có tiền, họ mua cái điện thoại cũng như ta mua mớ rau ngoài chợ.

Nhưng nhiều người không dư dả gì cũng phải cố kiếm con Iphone 6, 7 xài cho thiên hạ nể. Người thì mua trả góp, kẻ thì vay mượn để ra oai rồi è cổ trả nợ.

Nhưng vui tính nhất là nhiều bạn lên mạng tìm chỗ mua iphone giá siêu rẻ. 2, 3 triệu cho một chiếc 6 plus, biết thừa là bản giả, bản dựng nhưng vẫn mua. Thi thoảng rút ra cho oai chứ nghe gọi lại bằng chiếc… điện thoại khác.

Ngay cả chuyện lễ bái cũng bị căn bệnh hình thức chi phối khủng khiếp. Cúng bái ở đâu cũng phải mâm cao cỗ đầy hơn người khác. Nhiều cô mùng 1, hôm rằm mặc váy ngẵn tũn vào chùa dâng lễ, cúng vái mà không hiểu đâu mới là giá trị thật khi người ta nhìn vào mình.

Có một căn bệnh nguy hiểm đang bào mòn chúng ta từng ngày - Ảnh 2.

HÌnh ảnh xấu xí không ai muốn thấy khi đi lễ chùa. Ảnh minh hoạ

Bệnh hình thức ở đẳng cấp cao hơn thì mua nhà, mua xe cho hoành tráng. Tôi có anh bạn vay mượn mãi cũng mua được chiếc Suzuki Swift, nhưng ngại lái suốt ngày vứt ở nhà. "Mua xe cho có cái khoe với thiên hạ chứ ở Hà Nội, đi xe máy vẫn tiện nhất", anh hồn nhiên tâm sự.

Anh bạn này được bố mẹ cho một căn hộ riêng. Anh thuê thiết kế sao y bản chính kiến trúc Nhật Bản, từ cửa lùa cho tới bàn thấp, rốt cuộc ở được vài tháng thì kêu ầm trời vì bất tiện, vì trời nồm ngồi dưới sàn nhà khó chịu.

Đó là một dạng bệnh hình thức, nhưng lại thiếu hiểu biết.

Và điều đáng buồn hơn là căn bệnh hình thức của xã hội hiện đại đang tiếp tục được lên những tầm cao mới mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Điển hình nhất thời nay là bệnh sính ngoại.

Sính hàng tiêu dùng ngoại cũng không có gì sai, bởi phải thừa nhận, đại đa số hàng ngoại đều tốt hơn hàng nội địa. Tuy nhiên, sính ngoại ở đây là bệnh sính tây một cách mù quáng.

Tôi có cô bạn hễ gặp người nước ngoài nào hơi quen biết một chút là phải selfie bằng được cái ảnh rồi đăng Facebook như thể bạn bè toàn người nước ngoài, dù tiếng Anh nói mãi chả được một câu đầy đủ.

Có một căn bệnh nguy hiểm đang bào mòn chúng ta từng ngày - Ảnh 3.

Gặp người nổi tiếng là phải có cái ảnh selfie. Ảnh minh hoạ

Có đợt cả đám đi chơi cùng nhau, trong nhóm có một anh chàng người Mỹ mà tôi quen từ CLB tiếng Anh. Cô bạn này nằng nặc xin chụp ảnh riêng với chàng kia, rồi đăng Facebook, viết caption như thể đang đi chơi riêng với mỗi chàng Mỹ.

Kết quả là cô bị cả lũ tẩy chay vì sống ảo, vì bệnh hình thức quá nặng.

Đôi khi tôi tự hỏi: Tại sao người Việt lại đặt chủ nghĩa hình thức lên trên tất cả như vậy? Rồi tôi quan sát và hiểu rằng, xã hội chúng ta vẫn đang đánh giá con người thông qua hình thức trước tiên.

Người Việt quá tò mò, thích săm soi và đánh giá người khác dựa trên bề nổi và lâu dần nó tạo ra những phản ứng chống đối bằng cách cứ phải làm mọi thứ thật đẹp trước đã, tốt hay xấu tính sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại