Có lỗi vi phạm giao thông được đề xuất tăng mức phạt gấp... 25 lần

Trọng Nghĩa |

Cục Cảnh sát Giao thông (C08 - Bộ Công an) đang xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm giao thông, trong đó nhiều mức phạt tăng cao đến 5- 6 lần, có hành vi bị tịch thu xe.

Đại diện Cục Cảnh sát Giao thông ( CSGT ) cho biết, tuy trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cả nước thời gian qua có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế, tuy nhiên, hiện nay ý thức một số người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến. Do vậy, Cục CSGT đang soạn nghị định điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm giao thông trên đường.

Theo dự thảo, các nhóm nội dung tăng cao mức xử phạt lỗi là các nhóm hành vi liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường, trong đó có cao tốc và một số nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Nhiều mức phạt vi phạm giao thông được đề xuất tăng cao nhiều lần hiện nay. Ảnh: Anh Trọng

Cụ thể, đối với ô tô , hành vi lùi xe trên đường một chiều, đường có biển cấm đi ngược chiều: mức phạt cũ 800 nghìn đến 1 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới từ 9 đến 11 triệu đồng. Hành vi đi vào khu vực cấm, đường cấm: mức phạt cũ 2 đến 3 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới từ 4 đến 6 triệu đồng.

Hành vi dừng, đỗ, quay đầu xe gây ùn tắc giao thông; quay đầu xe trong hầm đường bộ; vượt không đúng quy định: mức phạt cũ từ 2 đến 3 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới từ 8 đến 12 triệu đồng.

Hành vi vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông: mức phạt cũ từ 600 đến 800 nghìn đồng; dự kiến mức phạt mới từ 18 đến 22 triệu đồng (tăng khoảng 25 lần).

Với hành vi quay đầu xe trái quy định: mức phạt cũ từ 600.000 đến 800.000 đồng, dự kiến mức phạt mới từ 6 đến 8 triệu đồng; Hành vi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông: mức phạt cũ từ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 8 đến 10 triệu đồng;

Hành vi rải đinh, vật sắc nhọn: mức phạt cũ từ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới từ 48 đến 52 triệu đồng.

Hành vi vượt đèn đỏ: mức phạt cũ từ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 9 đến 11 triệu đồng; Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện: mức phạt cũ từ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 28 đến 30 triệu đồng.

Hành vi chở hàng vượt quá chiều cao: mức phạt cũ 2 đến 3 triệu đồng, dự kiến mức phạt mới từ 8 đến 12 triệu đồng; Hành vi mua bán biển số trái quy định: mức phạt cũ từ 10 đến 12 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 48 đến 52 triệu đồng tăng; Hành vi điều khiển ô tô không gắn đủ biển số, che dán biển số, gắn biển số giả: mức phạt cũ 4 đến 6 triệu đồng; dự kiến mức phạt mới 48 đến 52 triệu đồng.

Đặc biệt, với hành vi lạng lách, đánh võng bị tái phạm, dự thảo cũng đề xuất lực lượng chức năng sẽ tịch thu phương tiện người vi phạm.

Đối với xe máy , theo đề xuất mới, hành vi vượt đèn đỏ: mức phạt cũ 800.000 đến 1 triệu đồng; mức phạt mới dự kiến từ 4 đến 6 triệu đồng; Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện: mức phạt cũ từ 600.000 đến 800.000 đồng; dự kiến mức phạt mới từ 8 đến 10 triệu đồng.

Với hành vi lạng lách, đánh võng bị tái phạm, dự thảo cũng đề xuất lực lượng chức năng sẽ tịch thu phương tiện người vi phạm.

Che biển số, đeo biển số xe giả cần xử lý hình sự

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, ông đồng tình với việc tăng cao mức xử phạt đối với một số hành vi khi điều khiển ô tô, xe máy trên đường. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, dự thảo nghị định mới đưa ra lỗi phạt, mức phạt, cần quy định rõ hơn đối tượng bị xử phạt chính ở đây là lái xe hay cả chủ xe (doanh nghiệp).

“Nếu là xe cá nhân thì việc xử phạt người điều khiển/chủ xe phải nộp phạt là hoàn toàn hợp lý, nhưng thực tế với các doanh nghiệp vận tải thì lại đang có một thực tế, lái xe/tài xế chỉ là người làm thuê, không phải chủ xe, do vậy với một số lái xe khi vi phạm lỗi chạy ẩu, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, khi bị lực lượng chức năng xử phạt mức cao liền nghỉ việc, bỏ xe. Và để các xe này có thể hoạt động tiếp trên đường và đi đăng kiểm khi đến thời hạn thì doanh nghiệp vận tải phải đi đóng phạt thay rất bất công” - ông Hùng nêu thực tế.

CSGT kiểm tra trên đường Hà Nội.

Theo ông Hùng, dự thảo cần quy định rõ lái xe/tài xế là người vi phạm thì là đối tượng chính phải nộp phạt, tiếp đó có các tình tiết tăng nặng nếu lái xe/tài xế không đến chấp hành việc nộp phạt, còn doanh nghiệp vận tải, chủ xe sẵn sàng hợp tác để cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ liên quan đến lái xe.

Luật sư Hoàng Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Thiên Hà cho rằng, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tính răn đe và sự công bằng trong xử phạt, cùng với tăng mức xử phạt cao, quy định về xử phạt giao thông cần quy trách nhiệm người lái xe/tài xế là lớn nhất - là chủ thể của các vụ vi phạm giao thông. Tiếp đó, nếu lái xe, tài xế không hợp tác, chấp hành việc bị xử phạt thì chuyển hồ sơ sang công an xử lý việc cố tình, phớt lờ việc thực thi công vụ của lực lượng chức năng.

Cùng với đó, luật sư Tuấn cho rằng, với các lỗi, hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, có yếu tố tội phạm như mua bán biển số trái quy định; điều khiển ô tô không gắn đủ biển số, che dán biển số, gắn biển số giả… thì ngoài tăng cao mức xử phạt, còn phải có các chế tài kèm theo, trong đó nếu vi phạm có tổ chức, vi phạm với mức độ nhiều lần, với nhiều xe thì cần phải xử hình sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại