Sẽ chẳng phải quá lời khi nói Bad Genius là một trong những bộ phim thành công nhất của nền điện ảnh Thái Lan về hiệu ứng lan tỏa. Phim cũng có sạn nhưng chẳng ai muốn bóc, và phản ứng chung của khán giả hầu như chỉ gói gọn trong 2 chữ "tuyệt vời".
Khi đã thích thú, mọi người bắt đầu tìm hiểu thật nghiêm túc về các tình tiết trong phim. Và có lẽ, một trong những chi tiết được lôi ra mổ xẻ nhất chính là STIC - bài thi nhóm của Lynn đã lựa chọn để thực hiện phi vụ kiếm tiền.
Trong phim, STIC (Standard Test of International Colleges) là bài thi học sinh cần vượt qua nếu muốn apply vào các trường đại học danh tiếng của Mỹ.
Bài test được tổ chức cực kỳ quy củ và nghiêm ngặt, quá trình làm bài của học sinh đều được giám sát cực kỳ chặt chẽ để ngăn cản mọi hình thức gian lận, lộ đề...
Vậy mới nói, nhóm của Lynn đã phải vô cùng xuất sắc (và có phần may mắn) để vượt qua hàng rào an ninh kinh khủng ấy.
Duy chỉ có điều, đây là một bài thi... không có thực!
Chỉ cần dạo một vòng Google, bạn sẽ biết được điều này. Cụm từ về bài thi STIC hầu như chỉ xuất hiện trong các bản tin có liên hệ với Bad Genius.
Duy có một website chính thức của Canada có cụm từ này, nhưng STIC đó là tên viết tắt của Hội đồng khoa học, công nghệ và sáng tạo (Science, Technology and Innovation Council) từ Canada.
Ngoài ra, STIC còn là viết tắt của một trung tâm công nghệ thông tin (Science and Technology Information Center) chứ chẳng liên quan gì đến bài kiểm tra chúng ta đang bàn đến.
Được biết, bộ phim được làm dựa trên sự kiện điểm thi SAT tại Trung Quốc bị hủy vì bê bối lộ đề vào tháng 6/2016. Và tất nhiên, bài thi STIC trong phim cũng lấy cảm hứng từ chính kỳ thi bị hủy này.
SAT là gì?
SAT là một kỳ thi tiêu chuẩn dành cho học sinh, sinh viên nhằm mục đích phục vụ cho kỳ sát hạch và tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ. Phổ điểm SAT dao động từ 600 - 2.400 điểm, trong đó các trường uy tín top đầu thường yêu cầu số điểm trên 2000.
Cũng tương tự như STIC của Bad Genius, một bài thi SAT gồm 3 phần: Đọc hiểu, Toán, và tự luận, với tổng cộng gần 100 câu hỏi phải hoàn thành trong vòng 3h45 phút.
SAT có dễ gian lận không?
Kỳ thi được tiến hành và giám sát bởi College Board (Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Mỹ). Từ năm 2017, một năm sẽ có 4 lần thi, và vì là bài thi được chuẩn hóa nên mỗi kỳ sẽ được tổ chức trong cùng một ngày trên phạm vi toàn thế giới.
Do khác biệt về múi giờ, nên sẽ có nước thi trước, có nước thì sau, nhưng thời gian chênh lệch không quá 4h đồng hồ. Đọc đến đây, hẳn bạn đã thấy quen quá rồi đúng không - giống y như tình tiết được xây dựng trong phim vậy?
Ngoài đời thì không dễ vậy đâu! Khác với kỳ STIC hư cấu kia, các bài thi SAT trong cùng một ngày có thể sử dụng bộ câu hỏi khác nhau, dù không thường xuyên. Vậy nên, có tuồn được "hàng" ra ngoài như cách nhóm của Lynn đã làm thì cũng chưa chắc đã sử dụng được.
Gửi tin nhắn ra ngoài như cách mà Lynn và Bank đã làm là cực khó, nếu không muốn nói là không thể
Hơn nữa khi bạn đi thi thật, không ai cho phép bạn dễ dàng giấu đồ như vậy đâu. Dù có giấu được điện thoại vào WC, đó cũng sẽ không phải WC bạn được quyền sử dụng, mà phải là một phòng vệ sinh khác nằm trong khuôn viên phòng thi - tức là sau khi đã để lại toàn bộ tư trang ở phía bên ngoài.
Tuy nhiên, SAT có một nhược điểm! Vì là một bài test được chuẩn hóa trên toàn cầu, các kỳ thi có thể sử dụng một phần câu hỏi từ các bài thi trước đó - thường là từ kỳ thi được tổ chức tại Bắc Mỹ.
Do vậy, rất nhiều trường luyện thi SAT tại châu Á đã ra đời, chủ yếu tìm cách thu thập các đề thi mới nhất và luyện cho học sinh. Và nếu may mắn trúng tủ, điểm cao là điều trong tầm tay.
Thêm vào đó, thí sinh vừa thi xong luôn có xu hướng lên ngay các diễn đàn để thảo luận về đề bài. Theo Reuters, đôi lúc đề thi còn bị mất trộm. Vậy nên, khả năng thí sinh tận dụng được điều này là hoàn toàn có thể.
College Board cho biết, họ cũng không thể mỗi lần thi lại sử dụng một bộ đề mới được, vì chi phí là quá lớn. Nếu thực sự muốn làm, phí tham dự kỳ thi sẽ tăng thêm ít nhất là gấp 2 lần hiện tại.
Chính vì vậy mà từ năm 2017, College Board đã chính thức rút ngắn số lần thi trong năm tại nước ngoài xuống còn 4 lần (trước là 6).
Thi ít hơn sẽ làm giảm tỉ lệ trùng lặp câu hỏi, qua đó giữ được tính công bằng cho kỳ thi. Ngoài ra, họ còn tăng thêm các trung tâm kiểm định bài thi tại nhiều quốc gia trên thế giới, và tăng hình phạt với bất kỳ hành vi gian lận nào bị phát hiện.
Tuy nhiên, theo Bob Schaeffer - giám đốc giáo dục của một trung tâm tổ chức thi cử tại Mỹ, cách duy nhất để ngăn chặn các hành vi gian lận là không tái sử dụng các câu hỏi trong kỳ thi cũ nữa mà thôi.
Nguồn: AJC, Voa News, Quora