Như Báo Người Lao Động thông tin, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Dự thảo lần 4). Trong đó, theo Điều 81 Quy định chuyển tiếp của dự thảo có nêu: "Giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn được cấp trước ngày 1 tháng 7 năm 2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định" đang được dư luận quan tâm.
Theo dự thảo thì hàng chục triệu GPLX máy sẽ phải đổi. Ảnh: T.L.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 22 triệu giấy phép lái môtô không thời hạn bằng vật liệu giấy (các loại bằng A1, A2 và A3) được cấp từ năm 1995 đến tháng 7-2012. Nếu dự thảo luật được thông qua, người sử dụng GPLX này sẽ phải làm thủ tục đổi mới sang thẻ nhựa (PET).
Là người đang sử dụng GPLX hạng A1 đang trong diện phải đổi như đề xuất, chị Phạm Thị Loan (quê Yên Bái) lo lắng cho rằng quy trình đổi GPLX khá phức tạp, cần phải có giấy khám sức khỏe, đơn đề nghị cấp lại… Do đó, chị Loan cho rằng cơ quan quản lý cần đơn giản thủ tục đối với các đối tượng thuộc diện phải đổi lại này. Trong đó, cơ quan chức năng có thể sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để cấp lại cho người dân.
Anh Nguyễn Văn Hào (quê Ninh Bình) nêu hiện nay, công an đã lấy thông tin giấy tờ cá nhân của người dân cập nhật tích hợp trên dữ liệu quốc gia về dân cư và tài khoản định danh điện tử (VNeID). Việc này chỉ cần tích hợp thông tin GPLX trực tiếp vào VneID, khi cần CSGT có thể tra cứu trực tiếp trên đó để đỡ gây phiền hà, lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân. "Tại sao không tích hợp tất cả các giấy tờ vào trong thẻ CCCD gắn chip để khi cần lực lượng chức năng có thể sử dụng thiết bị kiểm tra luôn trong đó?"- anh Hào nói.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên bày tỏ sự ủng hộ việc đổi GPLX không thời hạn từ bìa giấy sang thẻ nhựa, bởi về lâu dài, việc chuyển đổi này tạo thuận tiện cho người dân, nhất là khi các dữ liệu được cập nhật và hiển thị trên hệ thống VNeID. "Tuy nhiên, việc thay đổi trên phải có lộ trình, không làm mất thời gian cũng như tốn kém kinh phí cho người dân. Tốt nhất là nên triển khai cấp lại miễn phí" - ông Liên nêu quan điểm.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý người lái và phương tiện (Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết GPLX môtô vật liệu bìa thiếu dữ liệu ngày tháng sinh, số căn cước công dân nên không thể tích hợp hệ thống quản lý của Cục Đường bộ Việt Nam cũng như VNeID. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Bộ Công an bổ sung điều khoản này vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.
Về lộ trình cấp đổi, ông Thống cho biết Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình và mức phí cấp đổi. Hiện nay, người đổi GPLX không cần giấy khám sức khỏe, hồ sơ giấy phép cũ, mức phí là 135.000 đồng.
Theo ông Thống, với số lượng GPLX nhiều như hiện nay sẽ cần có thời gian để người dân đi đổi chứ không thể bắt buộc đổi ngay. Thời gian cho phép cấp đổi có thể trong vòng một vài năm.
Cũng theo Điều 33 Dự thảo (lần 4), Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải mang đăng ký xe, GPLX... Trường hợp thông tin các loại giấy tờ trên đã đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID thì không phải mang theo.
Đối với CSGT, dự thảo lần 4 cũng quy định khi tuần tra kiểm soát, nếu thông tin giấy tờ của phương tiện và người lái đã được đồng bộ, tích hợp lên ứng dụng VNeID, thì CSGT thực hiện kiểm tra trên ứng dụng định danh điện tử.
Như vậy, người dân được phép xuất trình giấy tờ như GPLX, bằng lái xe,... đã tích hợp trên VNeID thay cho các giấy tờ bản giấy khi cảnh sát giao thông kiểm tra. Tuy nhiên hiện nay CSGT chưa áp dụng kiểm tra qua VneID.
Về về việc CSGT chưa áp dụng kiểm tra qua VneID, thiếu tướng Phạm Công Nguyên (Cục trưởng Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an) cho biết "nhà chức trách cần thời gian để chuẩn bị các trang thiết bị đọc dữ liệu và đào tạo".
Theo ông Nguyên, phải có thời gian để người dân tiếp tục tích hợp các loại giấy tờ vào VNeID và thay đổi thói quen cầm bản giấy. Khi nào người dân sẵn sàng thay đổi thói quen và hạ tầng hoàn thiện sẽ áp dụng.