Cơ hội và “cơn đau đầu” của Nga ở Afghanistan dưới thời Taliban

Kiều Anh |

Giữa bối cảnh Taliban nhanh chóng kiểm soát Afghanistan sau Mỹ rút quân, Nga đã nhìn thấy cơ hội để thúc đẩy vai trò của mình như một cường quốc khu vực cũng như nhận thức được những rủi ro có thể phải đối mặt.

Lực lượng Taliban tại một chốt kiểm tra ở Kabul, Afghanistan ngày 17/8. Ảnh: Reuters

Lực lượng Taliban tại một chốt kiểm tra ở Kabul, Afghanistan ngày 17/8. Ảnh: Reuters

Moscow có thể sẽ theo đuổi hướng tiếp cận 2 chiều: Vừa thúc đẩy ngoại giao với Taliban, vừa thể hiện sức mạnh ở biên giới.

Điện Kremlin dường như sẵn sàng hợp tác với Taliban để đảm bảo các lợi ích của mình. Từ khi Taliban kiểm soát Kabul, các đại diện của Nga đã thận trọng tiến hành các cuộc trao đổi nhằm đảm bảo an ninh cho các khu ngoại giao trong khu vực này. Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov thậm chí công khai khen ngợi Taliban trên kênh truyền hình nhà nước Nga.

"Hiện chúng ta đang được Taliban đảm bảo. Họ đã tạo được ấn tượng tốt với chúng ta, đó những con người đúng mực, được vũ trang tốt. Họ đứng dọc vòng ngoài đại sứ quán, vì thế không ai có thể xâm nhập vào, không có khủng bố hay người nào quá khích", ông Zhirnov cho hay.

Đặc phái viên của Tổng thống Nga Putin tại Afghanistan Zamir Kabulov đã ám chỉ rằng Nga có lẽ sẽ công nhận Taliban như một lực lượng chính phủ phụ thuộc vào những động thái tiếp theo của họ. Nếu điều này xảy ra thì đó sẽ là một thắng lợi lớn với lực lượng này. Nga hiện mới chỉ sơ tán một phần đại sứ quán.

"Tôi nhận định dựa trên ngày đầu tiên họ kiểm soát Kabul. Những ấn tượng của tôi đều tốt. Tình hình ở Kabul hiện nay tốt hơn dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani", ông Zhirnov đánh giá.

Nga đưa Taliban vào danh sách các nhóm khủng bố năm 2003 nhưng lại tiếp đón các đại diện của lực lượng này tới trao đổi vào năm 2018. Hồi tháng 7, Taliban thậm chí tổ chức một cuộc họp báo ở Moscow ngay sau khi Tổng thống Biden thông báo về việc rút quân "theo tuần tự".

Trong khi khai thác những cách thức ngoại giao để trao đổi với Taliban thì Nga cũng củng cố lực lượng bằng cách tổ chức các cuộc tập trận chung ở Tajikistan và Trung Quốc, những nước gần biên giới với Afghanistan. Cuộc tập trận chung ở Trung Quốc có mục tiêu "thể hiện sự quyết tâm và khả năng chống chủ nghĩa khủng bố".

"Mục tiêu của Nga là không cho phép Taliban mở rộng ra bên ngoài Afghanistan và đảm bảo rằng, quy mô của Taliban nhỏ nhất có thể so với phiên bản trước đó của lực lượng này. Nga không muốn có một IS mới ở biên giới của mình", Alexander Baunov, một học giả cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định với CBS News.

Quân đội Nga cũng thông báo trong tuần này rằng Nga sẽ tham gia cuộc tập trận kéo dài 1 tháng với Tajikistan. Theo hiệp ước an ninh tập thể với các quốc gia khu vực, Moscow có nghĩa vụ triển khai lực lượng trong trường hợp một trong các nước này bị tấn công.

Một cơn đau đầu khác của Nga là làn sóng người tị nạn đang chạy khỏi Afghanistan. Nga có thể phải đối mặt với làn sóng người tị nạn Afghanistan, những người hiện đang cố gắng tới Tajikistan và Uzbekistan./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại