Thái Lan cách đây không lâu đã khiến bóng đá Đông Nam Á phải “sốc” trước thông tin, giá trị bản quyền truyền hình các giải bóng đá quốc nội nước này gồm Thai-League đang được đẩy lên tới 400 triệu USD (9.500 tỷ đồng) giai đoạn 2021-2018.
Thực tế theo tìm hiểu, hợp đồng cũ của LĐBĐ Thái Lan (FAT) với True Vision từ 2016-2020 có giá trị 4.200 tỷ Bath, tương đương 1,05 tỷ Bath (787,5 tỷ đồng) cho mỗi mùa giải. Con số này không chỉ riêng Thai-League (giải Ngoại hạng Thái Lan, tương đương V-League) mà gồm cả giải hạng Nhất, các trận đấu của hai đội tuyển bóng đá quốc gia nam, nữ.
Gói hợp đồng mới có thời gian kéo dài từ năm 2021-2028, được mở rộng thêm các giải hạng 3, hạng 4, các đội tuyển futsal nam, nữ của Thái Lan… tức quy mô gần như bao trùm toàn bộ hệ thống bóng đá và futsal Thái Lan, với giá trị dự tính khoảng 1.458 tỷ đồng/mùa giải. Gã khổng lồ DAZN có trụ sở tại London (Anh) là một trong các ứng viên trong cuộc chạy đua tranh gói bản quyền này với True Vision. Con số cuối cùng vẫn chưa được chốt lại.
Ngay cả theo hợp đồng cũ với True Vision, giá trị bản quyền truyền hình các giải bóng đá của Thái Lan vẫn là con số khổng lồ so với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á. Sự tăng vọt đáng kể giá trị bản quyền truyền hình Thai-League thực sự khiến bóng đá Việt Nam phải nhìn lại. Trong giai đoạn 2011-2013, hợp đồng BTC Thai-League ký với True Vision và Siam Sport chỉ có giá trị khoảng 27,5 tỷ đồng/mùa giải, con số không khác biệt bao nhiêu nếu so với V-League. Nhưng chỉ sau gần 10 năm, Thai-League đã vụt lên với tốc độ chóng mặt, bỏ lại V-League rơi lại phía sau rất xa.
Nếu chỉ nhìn vào các con số đơn thuần để so sánh sẽ rất khập khiễng. Sự phát triển của bóng đá không thể tách rời với điều kiện kinh tế-xã hội. Nền kinh tế Thái Lan đi trước Việt Nam nhiều năm. Thái cũng có thị trường tiêu thụ rộng lớn, sức mua cao hơn hẳn Việt Nam với hệ thống cơ sở, vật chất phục vụ hoạt động thể thao tốt hơn. Tuy nhiên chỉ nhìn vào tốc độ phát triển của bóng đá Việt Nam, có thể thấy chúng ta đang tiến rất chậm.
Năm 2011 khi mới được thành lập, VPF đã “giật” lại bản quyền truyền hình V-League từ tay AVG, khi đó có giá trị 6 tỷ đồng/năm, luỹ tiến 10% mỗi năm trong 20 năm. Bầu Kiên, bầu Đức và bầu Thắng hướng tới V-League có thể kiếm hàng trăm tỷ đồng từ bản quyền truyền hình. Nhưng sau khi bầu Kiên vướng vòng lao lý, kế hoạch trên của VPF cũng vỡ theo. Kết quả sau đó, VPF dưới thời ông bầu Võ Quốc Thắng đã bán bản quyền V-League cho Next Media với giá trị mà về sau không ai còn muốn đề cập lại.
Có nhiều lý do khiến V-League không hấp dẫn với các đối tác, trong đó một thực tế không thể phủ nhận, giải đấu số 1 Việt Nam đang ngày càng thiếu tính cạnh tranh. Theo thống kê, trong 11 mùa giải vừa qua thì có đến 8 mùa, cúp vô địch V-League thuộc về các đội bóng có liên quan đến bầu Hiển. Với thể thức 2 lượt đi-về, nhiều đội bóng ở giai đoạn lượt về đã chắc suất trụ hạng nhưng không đủ khả năng lọt vào nhóm tranh đoạt huy chương đã tranh thủ “làm kinh tế”. Đây là thực trạng gần như năm nào cũng bị phản ánh trên báo chí. Không phải ngẫu nhiên, đã có những ý kiến kêu gọi V-League phải “thay áo”, đổi thể thức thi đấu nhằm giúp cuộc đua trở nên hấp dẫn hơn.
Sau 10 năm, các CLB V-League vẫn sống dựa dẫm vào “bầu sữa” từ các ông bầu bóng đá, không thể tự nuôi mình. Khi dịch COVID-19 hoành hành, thực tế này càng lộ rõ với cảnh nhiều đội bóng bắt đầu đứng trước nguy cơ “vỡ”. Thế nên ở góc độ tích cực, có thể xem COVID-19 là hồi chuông báo động với bóng đá Việt Nam, hoặc cùng nhau thay đổi để phát triển, hoặc chấp nhận tiếp tục thụt lùi so với khu vực.