Trong những đoạn văn cảm động, chúng ta thường hay đọc được rằng, bữa cơm của gia đình lúc nào cũng là bữa cơm ngon nhất, ấm áp nhất, ý nghĩa nhất. Dù mẹ nấu đôi khi cũng "thường thường bậc trung" thôi, nhưng có xá gì, cứ được sum vầy bên bữa cơm có mẹ, có cha thì món nào cũng là sơn hào hải vị.
Với những đứa con xa nhà, cảm giác "thèm một bữa cơm mẹ nấu" càng như được nhân lên gấp bội. Sau vài tuần, vài tháng đi xa, rời vòng tay mẹ cha là những bữa ăn vội vã, trở về nhà, hít hà mùi thức ăn thoảng lên từ gian bếp nhỏ quả là không gì so sánh được.
Tuy nhiên, đó là chuyện văn chương hay chuyện của người trưởng thành, còn với những đứa trẻ tiểu học, ngon hay dở đơn giản chỉ là chuyện cảm nhận bằng... vị giác. Vậy nên mới có những chuyện dở khóc dở cười như mẹ cặm cụi nấu nướng, con chê dở không chịu ăn hay con ước tay nghề đầu bếp của mẹ được "nâng cấp" thêm một xíu, như câu chuyện của cô giáo Thảo Vân (ở Hải Dương) chia sẻ mới đây.
Ước mơ nhỏ nhoi thế này thôi!
Được biết, đây là bài tập kiểm tra trong chương trình Tiếng Việt lớp 4. Với câu hỏi: "Đặt một câu nói về ước mơ của mình", học sinh của cô đã trả lời: "Em ước mơ mẹ em nấu ăn ngon". Đáp án vừa ngô nghê vừa rất thật lòng này khiến nhiều người không khỏi thích thú. Có người cho rằng, sau khi biết được niềm mong mỏi tha thiết của con, bà mẹ "đau khổ" này hẳn phải thấy "ngượng chín mặt" và đi học ngay một khóa nội trợ để làm vừa lòng cục cưng ở nhà.
Có phụ huynh còn thấy "nhột" lây vì trước giờ trình nấu ăn cũng không có gì đáng tự hào cho lắm. "Con nít thời nay cái gì cũng biết, ghê thật đấy. Mình cứ nghĩ nấu đầy đủ gia vị ăn được là tốt rồi, giờ thì phải nghiêm túc xem xét lại", một mẹ bình luận.
Cô Vân chia sẻ, là một giáo viên tiểu học, trong quá trình chấm bài Tiếng Việt, cô bắt gặp rất nhiều bài làm "không đỡ nổi" của học trò. "Đôi khi tập trung chấm bài căng thẳng đọc được một câu trả lời đúng kiểu con nít, mình bật cười rồi cũng hết mệt luôn. Tất nhiên có những kiến thức mình phải giảng lại cho học sinh hiểu sau đó, nhưng cũng có những đáp án vốn dĩ không có gì sai thì mình vẫn để nguyên vì tôn trọng suy nghĩ và sự sáng tạo của học sinh", cô Vân vui vẻ cho biết.