Cô giáo như mẹ hiền của cậu bé 'xương thủy tinh'

Đăng Chung |

Nhiều năm qua, câu chuyện giúp đỡ cậu học trò nghèo bị mắc bệnh xương thủy tinh của cô Vương Tuyết Băng - Giáo viên trường Tiểu học Tây Tựu B (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được chính những đồng nghiệp của cô lan tỏa đã đem đến cái nhìn ấm áp về nghề “trồng người”.

Cô giáo như mẹ hiền của cậu bé xương thủy tinh - Ảnh 1.

Cô Vương Tuyết Băng cùng cậu học trò nhỏ Nguyễn Hoàng Ân trong lần tới thăm nhà của gia đình em ở phường Tây Tựu.

Đong đầy tình yêu thương

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo và nghề y nên ngay từ khi còn nhỏ cô bé Vương Tuyết Băng đã mang trong mình tấm lòng nhân ái mà chị học được từ ông bà, cha mẹ.

Chị kể, hồi ấy dẫu gia đình đông anh em, điều kiện kinh tế cũng không phải dư giả gì, nhưng cứ thấy người nghèo, người ăn xin, là cô bé Băng thương lắm. Vậy nên chẳng biết đã bao lần bao lần cô bé Băng xúc trộm gạo của bố mẹ, đuổi theo người ăn xin để cho chỉ với mong ước là họ sẽ không còn bị đói.

Lớn lên, theo nghề giáo, tình yêu thương của cô lại tiếp tục được tỏa lan. Cứ thấy học trò nào có hoàn cảnh khó khăn cô lại tìm cách giúp đỡ, san sẻ, động viên. Trường hợp của Nguyễn Hoàng Ân là một minh chứng

Hoàng Ân được cô Băng biết tới trong một lần đi dạy thay ở lớp 2B. Hình ảnh của cậu học trò nhỏ thó, ánh mắt mệt mỏi, trong suốt tiết học cứ nằm bò ra bàn khi ấy đã khiến cô Băng ám ảnh khôn nguôn. Biết Ân bị mắc bệnh xương thủy tinh, từng bị gẫy xương tới 6 lần, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, cô Băng càng xót xa hơn và quyết tâm giúp đỡ Ân.

Để có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ Ân, cô giáo Băng xin Ban giám hiệu nhà trường cho Ân chuyển sang lớp mình dạy, động viên bố mẹ Ân cho em ăn bán trú ở trường. Khi đã được sự đồng ý của nhà trường và gia đình Ân, cô giáo Băng bắt đầu lên kế hoạch vực dậy cả về thể chất và học tập cho Nguyễn Hoàng Ân.

Cô tìm hiểu căn bệnh mà Ân mắc phải, tìm đến các bác sĩ nhờ tư vấn, từ đó tìm cách bổ sung sinh dinh dưỡng qua các bữa ăn của Ân ở trường và giúp Ân tập vận động để tăng cường thể lực.

Cho đến bây giờ cô giáo Băng chẳng thể nào quên "buổi ban đầu" đầy nhọc nhằn gian khó. "Hồi mới đầu được ăn bán trú ở lớp cùng các bạn, con khó ăn, khó ngủ lắm. Trưa nào tôi cũng ở lại lớp, động viên hướng dẫn cho con ăn. Không chỉ tập cho Ân ăn đa dạng các loại thức ăn vào các bữa chính, tôi còn bổ sung thực phẩm giàu can xi như bánh và sữa vào các bữa phụ cho con. Ngoài ra, cứ chiều chiều sau giờ tan học tôi lại giúp con tập vận động bằng cách mượn xe ba bánh cho con tập, dẫn con đi lên đi xuống cầu thang, đi bộ quanh các khu vực trong trường.

Từ chỗ chỉ biết ăn mỗi cơm rang, dần dần Ân biết ăn thêm rau xanh, thịt, cá, đặc biệt là con rất thích ăn tôm. Từ chỗ không ngủ trưa, chỉ sau gần 2 tuần tôi đã rèn cho Ân nếp ngủ. Qua học kỳ một mọi sinh hoạt, ăn uống của Ân cũng vào nếp như các bạn nên tôi cũng nhàn hơn rất nhiều" – cô giáo Băng nhớ lại.

Cô giáo Băng còn vui hơn khi Ân không chỉ thay đổi về thể lực mà còn có những tiến bộ đáng kể trong học tập. Trong bài kiểm tra cuối năm lớp 2 em đạt điểm 10 trừ môn toán, 7 điểm môn tiếng Việt và các môn khác đều được xếp loại hoàn thành.

Để có được kết quả đó là cả một hành trình với bao nỗ lực của cô giáo Vương Tuyết Băng. Bởi khi đón con về lớp cô Băng biết Ân không chỉ yếu về thể lực mà những kiến thức con cũng bị hổng rất nhiều vì con rất ngại học. Vậy nên ở lớp cô Băng luôn dành quan tâm từ điều nhỏ nhất cho Ân. Cô sắp xếp chỗ ngồi thuận lợi nhất, phân công các bạn cùng lớp giúp đỡ Ân. Cứ dư giả chút thời gian nào ở lớp là cô lại tranh thủ kèm cho Ân, củng cố lại cho em kiến thức lớp 1, sau đó lại tăng cường thêm kiến thức lớp 2.

Cô tạo cho Hoàng Ân cảm hứng với môn học từ những câu hỏi, những phép tính rất dễ; gợi mở cho tư duy làm toán với trò chơi xếp sách; khích lệ con học đọc bằng cách tặng cho con những cuốn truyện; rồi cho con xem những đoạn clip có nội dung về sự kiên trì vượt khó của các trẻ khuyết tật để con có ý thức vươn lên. Không chỉ xin nhà trường hỗ trợ Ân tiền ăn, miễn cho con tiền bán trú, thi thoảng cô Băng còn mua tặng cho Ân quần áo, giày dép và sách vở để động viên khuyến khích Ân. Đặc biệt, cô còn nhờ thêm một cô giáo tiếng Anh vốn là học trò cũ của mình dạy kèm miễn phí cho Ân.

Cô giáo như mẹ hiền của cậu bé xương thủy tinh - Ảnh 2.

Cô Vương Tuyết Băng cũng học trò Nguyễn Hoàng Ân tại Cuộc thi “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” lần thứ IV do Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm tổ chức.

Thấm thoắt đã gần 3 năm trôi qua, Hoàng Ân năm nay đã là học sinh lớp 5. Cậu học trò ốm yếu ngày nào, giờ có thể đạp xe "nhoay nhoáy" tới trường; những bài toán, bài văn cũng đã không còn là "chướng ngại vật" khiến cậu chùn bước.

Còn cô giáo Băng dẫu không còn trực tiếp dạy em nhưng cô vẫn dõi theo Hoàng Ân với tất cả tình yêu thương. Mỗi lần ghé thăm nhà Ân, mỗi lần gửi cho Ân những món quà nho nhỏ cô Băng vẫn không quên gửi tới cậu học trò nghèo lời dặn dò gửi gắm bao hi vọng: "Chỉ có con đường học tập thì con mới có kiến thức để nâng cao sức khỏe cũng như có một tương lai tươi sáng hơn".

Mới đây, trong chương trình Giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt với chủ đề "Hành trình lan tỏa những điều tốt đẹp", do Tạp chí Thi đua Khen thưởng phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng TP. Hà Nội phối hợp tổ chức, khi được MC chương trình hỏi về cô giáo cũ Vương Tuyết Băng, cậu học trò Nguyễn Hoàng Ân cũng rưng rưng xúc động.

Ân chia sẻ em vô cùng biết ơn cô giáo Băng vì: "Cô Băng rất thương con, cô không chỉ dạy con kiến thức trong học tập mà còn dạy con những điều hay lẽ phải. Con hứa sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng cô…", Hoàng Ân nói.

Lan tỏa những "bông hoa" đẹp

Hơn 30 năm gắn bó với phấn trắng bảng đen, cô giáo Vương Tuyết Băng đã gặt hái được nhiều những thành tích. Nhiều năm liên tục cô đạt danh hiệu giáo dạy giỏi cấp trường, cấp quận; có nhiều sáng kiến sáng tạo đạt giải cấp quận; Năm 2018, cô được Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm tặng danh hiệu "Người tốt việc tốt"; Năm học 2019-2020, cô là giáo viên tiêu biểu, được trao giải Nhì giải thưởng "Nhà giáo tâm huyết sáng tạo" lần thứ IV do Phòng Giáo dục quận Bắc Từ Liêm tổ chức.

Ngoài ra, cô còn là hạt nhân trong phong trào "Nhà giáo Bắc Từ Liêm nhận đỡ đầu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn". Nhưng có lẽ hơn cả những danh hiệu, phần thưởng ý nghĩa nhất với cô giáo Vương Tuyết Băng đó là niềm tin yêu, kính trọng của bao thế hệ học trò.

Cô giáo như mẹ hiền của cậu bé xương thủy tinh - Ảnh 3.

Cô Vương Tuyết Băng – tấm gương sáng ở Trường Tiểu học Tây Tựu B.

Nói về người đồng nghiệp của mình, cô giáo Mai Hương – Hiệu trưởng trường Tiểu học Tây Tựu B cho biết, là một giáo viên nhiều tuổi nhất trường nhưng cô giáo Băng không bao giờ ngại khó khăn, vất vả trong nghề.

Cô thực sự là một giáo viên tâm huyết, yêu nghề, giỏi chuyên môn, có uy tín với đồng nghiệp và luôn được phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu quý. Với tấm lòng nhân hậu, cô giáo Băng đã nhiều lần giúp đỡ những học sinh khó khăn của trường về sách vở, học phí, kèm cặp để các em tiến bộ trong học tập. Em Ân là một học sinh khuyết tật được cô đặc biệt quan tâm xin về lớp mình, yêu thương và giúp đỡ như người mẹ thứ hai. Việc làm ý nghĩa của cô Băng khiến chúng tôi rất xúc động và trân quý.

"Noi theo cô Băng, nhiều giáo viên trong trường cũng đã nhận giúp đỡ kèm cặp các em học sinh khuyết tật khác như cô Vân, cô Hằng, cô Hiền… đặc biệt, khi trò Ân khi lên lớp trên các cô Hoàng Lan, rồi cô Hoài Anh tiếp tục đỡ đầu giúp đỡ Ân. Tôi rất tự hào vì nhà trường có người giáo viên như cô giáo Băng! Cô xứng đáng là người chị cả trong ngôi trường Tiểu học Tây Tựu B, là tấm gương sáng để các đồng nghiệp noi theo….", cô Mai Hương bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại