Mới đây, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương - chủ nhiệm lớp 3A5 Trường tiểu học An Đồng (xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) bị phản ánh bắt một học sinh nói chuyện riêng trong lớp uống nước "vắt ra từ giẻ lau bảng".
Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin, bà Trần Thị Ngọc Bảo (Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đồng) yêu cầu nữ giáo viên này đến gặp gia đình em Phạm Phương A. để xin lỗi. Nhà trường cũng đã kỷ luật cảnh cáo, quyết định dừng công tác đối với cô giáo này.
Hành vi của nữ giáo viên bị dư luận lên án, nhiều luật sư cũng cho rằng hành vi của cô giáo có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự với mức án lên tới 3 năm.
Bảng kiểm điểm của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng hành vi của cô giáo có dấu hiệu phạm tội "Làm nhục người khác". Trong trường hợp mức độ hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem là hành vi có tính chất nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây tổn hại sức khỏe người khác" hoặc tội "Hành hạ người khác".
Khoản 1, điều 155 BLHS 2015 quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù.
"Trong trường hợp này, hành vi của cô giáo có dấu hiệu tội làm nhục người khác. Tuy nhiên, cơ quan chức xử lý hành chính hay xử lý bằng hình sự cần phải xem xét đến tính chất nghiêm trọng của hành vi, ý thức chủ quan của cô giáo để kết luận.
Theo tôi, nhà trường nên áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường là phù hợp, bởi vì chưa đến mức cấu thành tội phạm hình sự" - luật sư Tuyền cho biết.
Theo luật sư, mục đích của cô giáo là muốn răn đe học sinh không nói chuyện ảnh hưởng học tập của các học sinh khác, chứ không phải nhằm xúc phạm nhân phẩm học sinh.
Hơn nữa, hậu quả xảy ra không đến mức nghiêm trọng vì sức khỏe, tâm lý của cháu bé chưa bị ảnh hưởng. Cô giáo cũng đã nhận sai và gia đình cháu bé cũng chỉ yêu cầu ở mức độ xin lỗi.
"Đây là bài học, mà các giáo viên khi phạt học sinh phải có biện pháp phù hợp và phối hợp với gia đình để tránh những trường hợp hình phạt quá mức cần thiết dẫn đến vi phạm pháp luật" - luật sư Tuyền nói.
Tương tự, luật sư Trần Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TP HCM, Chi hội trưởng chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em) cũng cho rằng hành vi của cô giáo có thể cấu thành tội "Hành hạ người khác" theo khoản 2, điều 140 BLHS 2015 với mức án từ 1-3 năm tù.
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên
c) Đối với 02 người trở lên.
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên.
b) Đối với 02 người trở lên.
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
d) Đối với người đang thi hành công vụ.
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Vụ phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng: "Cô nói pha thế này còn nhạt, lần sau pha đậm hơn nữa"