Ngữ văn không phải là môn học khó nhưng để học giỏi và yêu thích nó thì chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhất là đối với các bạn học sinh khối tự nhiên thì môn Văn có thể trở nên khó “cảm” hơn. Có thể do tính chất của các môn học giữa khối tự nhiên và xã hội hoàn toàn đối lập nhau. Một bên là khô khan, thực tế, còn một bên cần sự lãng mạn, bay bổng.
Có lẽ, hiểu được điều này nên cô giáo dạy Vật lý đã nghĩ ra cách kết hợp thú vị giữa 2 bộ môn tưởng như chẳng hề liên quan đến nhau như vậy.
Đề thi môn Vật lý nhưng lại xuất hiện câu hỏi của môn Ngữ văn
Cụ thể, trong đề kiểm tra Vật lý ở câu thứ 5 có đưa ra:
Trong lời bài hát “Đi tìm câu hát lý thương nhau” của nhạc sĩ Vĩnh An có câu:
“Anh ra vườn đào em đã sang đồng mía.
Anh lên rừng quế em lại đến nương dâu.”
Hình ảnh vất vả đáng yêu của cô gái và chàng trai đi tìm cô gái (trong bài hát) so sánh với hình ảnh nào sau đây trong vật lý?
A. Hai dao động khác tần số
B. Hai dao động khác năng lượng
C. Hai dao động khác pha
D. Hai dao động khác biên độ
Ngay sau khi được đăng tải, bức ảnh này đã thu hút đông đảo sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều bạn chia sẻ bản thân đã không nhịn được cười khi đọc được đề Lý siêu chất này. Bên cạnh đó, bức ảnh cũng tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi xoay quanh đáp án của câu hỏi thú vị này.
Bạn M.L đưa ra đáp án với lời giải đáp cực hợp lý: “Đáp án C nha, vì hai dao động khác pha nên vị trí vật dao động theo cùng điểm thời gian t bị lệch nhau, nên anh với em không gặp được nhau”.
Bạn N.T để lại giải thích: “Mình nghĩ A, B, C, D cũng đều đúng mà. Căn bản hai người rỗi hơi đó không cùng tần số để yêu, không cùng biên độ để ở chung, lệch pha nên người đầu này người đầu kia đó”.
Bạn L.A chia sẻ: “Dù đã làm sai câu này nhưng vẫn không thể nhớ nổi đáp án”.
Vậy còn bạn, đáp án mà bạn chọn cho câu hỏi trên là gì?
Nguồn: Trường người ta