Có gì đặc biệt trong 2 tác phẩm gốm Việt Nam vừa được Guinness công nhận kỷ lục?

Phương Anh |

“Phú quý mãn đường” và “Thiềm Thừ thiên phong ấn” ra đời sau 15 năm nghiên cứu và chế tác của nghệ nhân Nguyễn Hùng, đã được Guinness công nhận kỷ lục.

"Phú quý mãn đường" là chiếc đĩa phong thủy nặng 400kg, đường kính 137,5 cm, được chế tác liên tục trong 2500 giờ (khoảng 1,5 năm). Đĩa được chạm nổi, chạm khắc phức hợp cây tùng, đôi chim công, mang yếu tố phong thủy, núi non và mặt trời đại diện cho sự giàu sang phú quý, hạnh phúc vĩnh cửu. Chiếc đĩa này được Guinness ghi danh kỷ lục "Tác phẩm đĩa gốm đắp nổi, chạm khắc lớn nhất".

"Thiềm Thừ thiên phong ấn" là cụ cóc Thiềm Thừ, hay còn gọi là cóc phong thuỷ, cóc ba chân linh thiêng ở Châu Á. Cụ cóc thần thoại ngồi trên đỉnh một đống tiền xu và vàng thỏi, có biểu tượng âm dương trên đỉnh đầu bằng sứ, ngậm một đồng xu trên miệng và chòm sao bắc đẩu trên lưng.

Cóc Thiềm Thừ phong thủy nặng 1500kg, chiều dài 1,735m, rộng 1,1m, cao 0,778 m, được chế tác liên tục trong 6,5 tháng. Đây là tác phẩm gốm thứ 2 của nghệ nhân Nguyễn Hùng được Guinness vinh danh "Tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất".

Có gì đặc biệt trong 2 tác phẩm gốm Việt Nam vừa được Guinness công nhận kỷ lục? - Ảnh 1.

"Thiềm Thừ thiên phong ấn" và "Phú quý mãn đường"

Tìm sự độc đáo từ thân sen

Hai tác phẩm trên vừa được vị đại diện Guinness trao chứng nhận kỷ lục thế giới vào sáng 30/6. Đó là kết quả của sự cố gắng hơn 15 năm của nghệ nhân Nguyễn Hùng trong việc tìm ra một lối đi khác biệt trong ngành gốm.

Sinh ra và lớn lên ở đất cảng Hải Phòng, anh Hùng không nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn liền với gốm. Năm 1986, khi đang làm việc ở công ty Havinaco, anh được giao nhiệm vụ đi khảo sát các tỉnh thành của Việt Nam để nghiên cứu và tìm tòi về gốm. Sau chuyến đi, anh quyết định bám trụ với Bát Tràng – một trong những làng nghề gốm cổ và nổi tiếng nhất Việt Nam.

Tại đây, anh bắt đầu học nghề gốm từ việc làm thợ cho các lò gốm nổi danh. Đến khi thành thục những kỹ thuật khó nhất, anh lại mày mò thêm những kỹ thuật mới trong nghề gốm.

Có gì đặc biệt trong 2 tác phẩm gốm Việt Nam vừa được Guinness công nhận kỷ lục? - Ảnh 2.

Sự chăm chỉ mày mò đã giúp anh Hùng tìm ra sự khác biệt mới.

Vốn yêu sự tinh khiết, thanh cao của hoa sen, năm 2022, anh Hùng nảy sinh ý tưởng đưa sen vào trong gốm, để sen trong gốm được hồi sinh và toát lên tâm hồn người Việt.

“Khi làm men, tôi phát hiện thân cây sen có thể để thay thế nguyên liệu vỏ trấu. Ở dòng men mới này, tro của thân sen được trộn với lớp đất trầm tích sông Hồng cùng bột nghiền một số loại khoáng thạch tự nhiên, tạo nên nhiều màu sắc đa dạng, từ sắc nâu cho đến sắc nâu đỏ hay màu trắng ngà,...”, nghệ nhân Hùng nói và cho biết tên của loại men này được đặt là “Hoàng thổ liên hoa”. “Hoàng thổ” tức là lớp đất phù sa trầm tích sông Hồng và “liên hoa” nghĩa là hoa sen.

Sử dụng lớp men mới này, màu xanh trên bộ đĩa “Phú quý mãn đường” cho ra cảm giác màu xanh sâu thẳm trải dài và rộng. Ở chi tiết đôi công, nếu dùng men bình thường chỉ có thể cho ra sắc xanh của men thuỷ tinh đồng, thế nhưng men mới đã tạo nên một màu xanh ngũ sắc – gam màu hoả biến hiếm gặp trong gốm sứ.

Để làm ra 2 tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao này, không dưới 10 lần anh Hùng phải “đập đi xây lại”.

“Bộ đĩa “Phú quý mãn đường” trước khi thành công như ngày hôm nay đã trải qua 5 lần bị hỏng. Khi thì bị nứt vỡ đôi, khi thì bị nổ, lúc bị biến dạng và đến lần thứ 6 mới ra được tác phẩm thành công. Với tượng Thiềm Thừ thì bị hỏng 4 lần, đến lần thứ 5 mới được”, anh Hùng nói và cho biết điều khiến anh tiếp tục kiên trì là sự đam mê nghề và lòng nhiệt huyết.

Có gì đặc biệt trong 2 tác phẩm gốm Việt Nam vừa được Guinness công nhận kỷ lục? - Ảnh 3.

Đôi công được chạm khắc tinh xảo trong "Phú quý mãn đường"

Đắp "nghệ thuật nổi" lên gốm

Hai bộ sản phẩm chế tác đặc biệt của nghệ nhân Nguyễn Hùng là tiêu biểu cho hướng đi mới: đưa điêu khắc và phù điêu đắp nổi lên trên gốm.

Vẽ họa tiết trên gốm đã khó, nay nghệ nhân Hùng đã sử dụng kỹ thuật đắp nối, điêu khắc. Theo anh, điêu khắc trên gốm có độ khó và yêu cầu kỹ thuật cao vì chất liệu dễ vỡ, xé nát, biến dạng cấu trúc. Đó là lý do anh nhiều lần thất bại, phải làm đi làm lại không dưới 10 lần.

Bà Mai McMillian, đại diện Tổ chức Guinness thế giới, sáng 30/6, đã lên trao chứng nhận và chúc mừng nghệ nhân Nguyễn Hùng.

Để đủ điều kiện cho kỷ lục này, theo bà Mai McMillian, cả hai tác phẩm đều phải được làm bằng gốm và đều phải thể hiện được tính mỹ thuật được công nhận. Các phép đo phải được thực hiện bởi một chuyên gia đo lường có trình độ với sự chứng kiến ​​của hai nhân chứng độc lập.

“Mỗi bằng chứng phải được tập hợp lại với nhau và gửi để chúng tôi xem xét. Tôi muốn khen ngợi các kỷ lục gia đã tuân thủ tất cả các hướng dẫn, điều này đã dẫn đến thành tích của hai kỷ lục thế giới này”, bà Mai McMillian nói.

Có gì đặc biệt trong 2 tác phẩm gốm Việt Nam vừa được Guinness công nhận kỷ lục? - Ảnh 4.

Bà Mai McMillian, đại diện Tổ chức Guinness, trao chứng nhận cho nghệ nhân Nguyễn Hùng.

TS. Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Mỹ thuật ứng dụng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, cũng đánh giá cao 2 tác phẩm này, cũng như sự sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Hùng.

“Đây là sự lao động hết mình, sáng tạo chinh phục đỉnh cao của gốm Việt Nam và thế giới. Tôi biết anh Nguyễn Hùng đã lâu, biết tình yêu gốm luôn chảy trong huyết quản. Ngoài sự thuần thục về tay nghề, anh Hùng có sự khát khao và tình yêu gốm rất lớn thể hiện qua việc tìm tòi và sáng tạo men từ sen. Các tác phẩm của anh có đủ tinh thần, giá trị nhân văn, đem lại cho bề mặt mỹ thuật một biến động lớn, khiến tôi phải cảm phục”, ông Nam nói.

Trong huyết quản của anh ấy có 40 năm, rất khao khát có gì đó. Sự tự hào cho làng nghề gốm VN và gốm thế giới. Có đủ tinh thần, giá trị nhân văn, đem lại cho bề mặt mỹ thuật biến động lớn. cảm phục.

Nghệ nhân Nguyễn Hùng hy vọng các đồng nghiệp trẻ nỗ lực, dành nhiều tâm huyết và thời gian cho đam mê hơn, không sợ khó, không sợ thất bại đổ vỡ. Lấy nội lực để làm điều các bạn mong muốn. “Tôi có nhiều trăn trở để mong muốn làm được điều gì đó cho nghề gốm sứ, làm sao để vươn tầm khỏi biên giới, định vị gốm Việt ra khỏi biên giới. Điều thứ hai, tôi trăn trở để giới trẻ tiếp tục giữ lửa nghề, mong nhiều anh em trong nghề được ghi nhận tác phẩm hơn nữa”, nghệ nhân Nguyễn Hùng nói.

Có gì đặc biệt trong 2 tác phẩm gốm Việt Nam vừa được Guinness công nhận kỷ lục? - Ảnh 5.

TS Hồ Nam nói các tác phẩm của Nguyễn Hùng đem lại cho bề mặt mỹ thuật một biến động lớn.

Với nghệ nhân Nguyễn Hùng, để có được thành quả ngày hôm nay anh đã bỏ ra hơn 40 năm cuộc đời học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo.

“Lúc nhận được thông báo kỷ lục, tôi không reo lên như mọi người mà tự nhiên thấy lắng xuống, có một chút “hờn dỗi”, vì đã mất quá nhiều thời gian trong một đời người để cố gắng. Đến nay tôi vẫn không tin rằng mình đã nhận được 2 kỷ lục”, anh Hùng chia sẻ.

Dù ghi được 2 kỷ lục Guinness nhưng anh Hùng vẫn còn trăn trở, luôn mong muốn làm được điều gì đó lớn lao để đưa gốm Việt Nam ra tầm ra thế giới và định vị trên bản đồ nghệ thuật. Anh còn nghĩ làm sao để thế hệ trẻ tiếp được lửa nghề, duy trì và phát triển, thậm chí là cùng xây dựng những kỷ lục Guinness khác.

“Kỷ lục là ở trong mình. Quan trọng là bạn có bản lĩnh chinh phục không. Nếu đủ sự kiên trì và sự sáng tạo, thì ai cũng có thể trở thành kỷ lục gia”, nghệ nhân Hùng chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại