Ngô Quang Dũng (SN 1995) kết hôn với Hatori Chiaki ( quốc tịch Nhật, SN 1994) được 3 năm, hiện đang sinh sống ở Tokyo. Dũng là kỹ sư IT cho một công ty của Nhật kiêm photographer, còn Chiaki làm tư vấn dự án cho các công ty.
Đám cưới của Dũng và Chiaki tổ chức vào tháng 10/2021, thời điểm đó dịch bệnh vẫn còn bùng phát mạnh. Sau khi đáp chuyến bay về Việt Nam, cô gái Nhật bị mắc Covid-19 nặng. Nhìn vợ yếu ớt trên giường bệnh, Dũng cảm thấy cuộc sống không còn quá nhiều ý nghĩa nếu chỉ chăm chăm vào công việc và kiếm tiền.
"Có thể do trước đám cưới, vợ đã làm việc quá sức, từ 8h sáng đến 8 rưỡi tối. Mình tự hỏi, nếu sức khỏe vợ không thể hồi lại 100%, thì số tiền hai vợ chồng kiếm suốt 4, 5 năm có nghĩa lý gì? Nó không thể đổi lại được quãng thời gian của tuổi trẻ, một lần được sống tự do theo ý thích", Dũng nói.
Và ý định đi du lịch bụi lập tức lóe lên trong đầu Dũng. Đam mê chụp ảnh nên anh rất thích đi đây đó khám phá thế giới xung quanh. Chiaki cũng rất ủng hộ chồng, cô chưa bao giờ từ chối đồng hành với Dũng, dù kể cả là những chuyến leo núi dài 7 - 8 tiếng.
Thế nhưng khi nghe chồng bày tỏ ý định nghỉ việc đi du lịch bụi 1 năm, Chiaki lại vô cùng phân vân. Bởi để có kinh phí cho chuyến đi, hai vợ chồng sẽ phải sử dụng tới khoản tiền đi làm, đã tích cóp suốt 5 năm.
"Vợ không từ chối nhưng có đắn đo. Công việc của vợ đang khá tốt, mức lương ổn. Cô ấy hỏi mình, nếu đi như vậy sau 1 năm sẽ về làm gì tiếp? Khi ấy hai vợ chồng về mới lên kế hoạch sinh con thì có ổn không? Có được hưởng bảo hiểm không, sức khỏe lâu dài sẽ thế nào? Nhưng mình cũng động viên vợ, cuộc đời chỉ có một lần thôi", Dũng thuyết phục Chiaki.
Cặp đôi vẽ ra kế hoạch cụ thể cho chuyến đi dài. Dũng trích một phần trong khoản tiết kiệm của hai vợ chồng, số còn lại dự phòng cho tương lai. Vì đã quen với lối sống tối giản, anh chuẩn bị 2 balo to, mang những quần áo thật cần thiết.
Sự cố liên tiếp, vợ Nhật ốm liên miên
Đất nước đầu tiên hai vợ chồng đặt chân tới là Mỹ. "Khi có visa Mỹ, mình có thể đi được một số nước châu Mỹ dễ dàng và chỉ cần nhập cảnh là được", Dũng nói.
Khởi hành từ cuối tháng 7/2023 cho tới tháng 11/2023, vợ chồng Dũng tiếp tục đi qua Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil. Đặt chân tới lục địa cách nửa vòng trái đất, chàng trai trẻ cảm thấy choáng ngợp trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
"Do dãy Andes cực kỳ lớn và độ cao cũng phải trên 6000m nên cảnh vật ở đây rất hùng vĩ và khác biệt hoàn toàn với Đông Á hay Đông Nam Á. Mấy ông bác người bản địa họ hỏi núi cao nhất ở Nhật/Việt là bao nhiêu, bọn mình nói là 3000 m thì mấy ổng cười bảo cái đấy là cái đồi chứ núi gì", Dũng kể.
Hai vợ chồng chủ yếu di chuyển bằng xe bus hoặc quá giang ô tô. Do gặp khó khăn về ngôn ngữ, Dũng mất nhiều thời gian trong việc tìm đường. Anh phải vừa đi vừa dò hỏi, vô cùng mệt và tốn thời gian.
Ngay khi đặt chân tới Bolivia, cặp đôi gặp sự cố đầu tiên. Dũng bị rơi mất drone (thiết bị bay) ở trong rừng. Địa hình tại khu vực này đặc thù, toàn vách đá cheo leo nên khó có thể tìm. Dũng hết hy vọng, tỏ ra chán nản. "Vừa mới bắt đầu hành trình đã như vậy rồi. Trên xe bus đi về, mình không còn tâm trạng. Nếu mua mới ở đây, giá sẽ rất đắt", Dũng nói.
Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Ngày hôm sau, anh được người bạn giới thiệu cho một hướng dẫn viên thông thuộc địa hình ở địa phương. Người đàn ông dẫn Dũng vào rừng, tìm được đến đúng chỗ drone rơi. Dũng thấy bản thân quá may mắn. "Drone rơi đúng chỗ bụi cỏ, không bị xước xát, camera vẫn còn sử dụng được. Đó quả là kỳ tích", chàng trai trẻ mừng rỡ.
Lần khác, Dũng bỏ quên máy ảnh trên xe buýt. Với anh, máy ảnh là người bạn đồng hành không thể thiếu trong suốt cả chuyến đi.
"Thôi coi như mất rồi, giờ đi tiếp cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Nhưng vợ mình động viên, đã mất công tới tận đây rồi, sau này về Nhật lại tiết kiệm rồi mua. Hay chồng thử ra bến xe bus tìm lại xem, biết đâu có người nhặt được", Dũng kể lại.
Khi ra tới văn phòng xe bus, vừa nghe tới chữ camera, nhân viên lập tức mang gửi túi máy ảnh trao trả lại cho Dũng. Mở ra bên trong, mọi thứ còn nguyên, không mất gì cả, anh thở phào nhẹ nhõm.
"Hóa ra ở đâu cũng vậy, đều có người xấu người tốt. May là mình gặp toàn người tốt, luôn nhắc bọn mình cẩn thận rồi đừng đi về khuya quá", Dũng nói.
Nhưng cũng có vài lần, may mắn không mỉm cười với Dũng như vậy nữa. Anh mếu máo khi biết dọc đường mình đã vô ý đánh mất thẻ nhớ máy ảnh, còn Chiaki bị trộm lấy mất balo.
Thế nhưng khó khăn nhất phải kể đến những lần phải hoãn chuyến đi vì vấn đề sức khỏe. Khi đặt chân tới Nam Mỹ, Chiaki bị ốm khá nhiều. Cô thường xuyên bị tiêu chảy, kiết lỵ do không hợp đồ ăn, nước uống tại đây, nằm bẹp trên giường suốt gần 1 tuần.
Khi khỏe hơn một chút, hai vợ chồng qua Brazil thì cô lại ốm tiếp, phải nhập viện khẩn cấp. Nhìn vợ mệt mỏi, Dũng chỉ động viên vợ cố gắng lạc quan tiếp tục hoàn thành nốt hành trình.
Cảnh thiên nhiên hùng vĩ qua góc máy của Dũng
Cuối tháng 12/2024, Dũng và Chiaki về Nhật 1 tháng để đổi visa và qua Philippines chơi. Thời gian đó gần dịp Tết Nguyên Đán, Dũng tranh thủ thời gian nghỉ cho vợ về Việt Nam trải nghiệm văn hóa Tết người Việt.
Sau 3 tuần nghỉ ngơi, cặp đôi tiếp tục tới Sri Lanka và Ấn độ, sau đó đi Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Phi sẽ là lục địa cuối cùng hai vợ chồng khám phá, Dũng dự kiến kết thúc hành trình vào tháng 8/2024.
"Nhiều người vẫn thích quan niệm an cư lạc nghiệp, mua nhà tích lũy tài sản. Mình không phản đối quan điểm đó. Nhưng đối với vợ chồng mình, việc đi thuê trọ ở trong ngôi nhà 40m2, không có vấn đề gì cả.
Không nhà, không xe, không đồ hiệu, nhưng vợ chồng mình đã “mua” một năm tuổi trẻ của chính mình", Dũng hạnh phúc.
Ảnh: NVCC