Cuộc sống vợ chồng, đặc biệt là câu chuyện tài chính sẽ thay đổi như thế nào sau khi lập gia đình và có con? Chắc hẳn ai cũng sẽ rất tò mò về hình ảnh ấy của mình nhưng chỉ khi diễn ra chúng ta mới biết.
Cũng vì lo lắng cuộc sống hôn nhân có thể rẽ sang một trang không đáng mong muốn, nhiều cặp đôi trẻ đã phải thống nhất kỹ lưỡng với nhau rất nhiều điều trước thềm đám cưới. Đó cũng là câu chuyện của cặp đôi Ngân Kim (SN 1997, TP. Hà Nội, đang làm kinh doanh tự do) và chồng Quyết Thắng.
Vợ chồng Ngân Kim
"Tài khoản tiết kiệm chưa có 9 con số thì chưa lấy chồng"
Năm 2022, cặp đôi viết tiếp hành trình yêu đương kéo dài 6 năm bằng một đám cưới để về chung một nhà. Thời gian tìm hiểu và bên nhau lâu dài, đủ để Ngân Kim có những chia sẻ thẳng thắn với đối phương về câu chuyện xoay quanh tài chính - một chủ đề vốn được coi là nhạy cảm giữa nhiều vợ chồng trẻ.
Trước khi tiến tới hôn nhân, Ngân Kim đã có những "gạch đầu dòng" cần chuẩn bị, phòng trường hợp gặp khủng hoảng khi mới bước chân về nhà chồng.
"Đầu tiên, mình cần có một khoản tiết kiệm - đây cũng là yếu tố chắc chắn và quan trọng nhất. Mình quan niệm: Tài khoản chưa có 9 con số thì chưa lấy chồng.
Bên cạnh đó, mình nhất định phải có công việc ổn định để nuôi sống được bản thân và công việc đó có thể làm online ở nhà. Nhờ đó, đến giai đoạn sinh nở, mình vẫn có thể kiếm được tiền mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, không tạo áp lực 'cơm áo gạo tiền' lên vai đối phương", Ngân Kim nhớ lại những điều cô nỗ lực đạt được trước khi cưới chồng.
Gia đình Ngân Kim quan niệm, hôn nhân là cuộc sống tự lập của vợ chồng và các con. Cũng vì thế, trước khi kết hôn, họ đã thống nhất sẽ dọn ra ở riêng, đồng thời chấp nhận trả nhiều chi phí để sinh con ở bệnh viện tư. Điều này giúp cặp đôi tự chủ trong mọi quyết định và không phụ thuộc quá nhiều vào sự giúp đỡ của những người xung quanh. Tất nhiên, mọi lựa chọn đều được cả hai chia sẻ thẳng thắn trước khi về chung một nhà.
Ngân Kim nhớ lại: "Trước khi kết hôn, chúng mình thống nhất sẽ ở riêng vì muốn hai đứa có tính tự lập và trách nhiệm, Sau đó, vợ chồng lên kế hoạch có con luôn sau khi chụp hình cưới và định ngày kết hôn. Bởi mình không muốn gặp áp lực 'giục đẻ' từ người xung quanh.
Mình chọn đẻ ở viện tư để được hưởng dịch vụ tốt nhất, và nguyên nhân quan trọng hơn là mẹ chồng và mẹ đẻ không phải vất vả chăm lo cho mình. Trước khi bé chào đời, mình thống nhất về cách chăm trẻ và kiêng cữ theo phương pháp khoa học với chồng và hai mẹ để tránh các bên có quan điểm đối lập, từ đó hình thành trầm cảm sau sinh với bản thân.
Thời gian ở cữ, mình sẽ ở nhà riêng của hai đứa chứ không về quê. Bởi mình muốn chăm con theo ý cá nhân, đồng thời tránh trường hợp xảy ra xích mích không đáng có, từ đó ảnh hưởng đến tình cảm với những thành viên trong gia đình chồng khi nhà có thêm một đứa trẻ.
Sau cùng, mình trao đổi với chồng sẽ cùng mình nuôi con, để anh có sự kết nối với bé hơn, đồng thời hiểu được việc chăm sóc trẻ của vợ vất vả như thế nào".
Theo chia sẻ từ Ngân Kim, thời đại ngày nay sẽ không tồn tại viễn cảnh "một túp lều hai trái tim vàng". Cô nàng bày tỏ: "Mình nghĩ vợ chồng nên có tổng thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên mới nên tiến đến hôn nhân. Điều kiện tài chính là thứ rất quan trọng và không thể thiếu trong cuộc sống vợ chồng. Cũng vì thế, khi bạn có kinh tế ổn định và khá thì mới nên cưới nhé!".
Ngân Kim cho rằng điều kiện tài chính là thứ rất quan trọng với cuộc sống hôn nhân
Sau khi sinh con, có tháng tiền nong tăng gấp đôi: Quản lý tài chính thế nào?
Sinh con là bước ngoặt lớn dẫn đến sự thay đổi trong cách quản lý tài chính của cặp đôi trẻ, và vợ chồng Ngân Kim cũng không ngoại lệ.
"Trước khi có bé, vợ chồng mình chi tiêu trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nhưng sau khi con chào đời, mức chi tăng lên 20 triệu đồng/tháng, có tháng đỉnh điểm lên đến 25 - 30 triệu đồng vì con nhỏ, chi phí phát sinh chủ yếu liên quan đến bạn", Ngân Kim kể lại.
Cũng vì thế, họ đã cắt giảm nhiều nhu cầu trong tiêu dùng để hướng đến tiết kiệm tiền, mang đến cho con cuộc sống tốt hơn. Ngân Kim tâm sự: "Ví dụ hồi trước, mình thường dành 5-7 triệu đồng mua mỹ phẩm, quần áo, túi xách…. nhưng sau khi có bé, mình đã cắt khoản đó chỉ còn 1-2 triệu đồng thôi. Về phía chồng, anh đã bớt các cuộc gặp mặt bạn bè thường xuyên để dành thêm thời gian cho con. Nếu như trước đây, bọn mình hứng lên là sẽ đi du lịch khoảng 2-3 lần/năm thì giờ đã chỉ còn 1-2 lần/năm và phải đợi con lớn, cứng cáp mới có thể chuẩn bị đi dễ dàng được".
Được biết, với tổng thu nhập hàng tháng, hai vợ chồng dành 40% cho chi phí sinh hoạt, 30% để xoay vòng vốn kinh doanh, số tiền còn lại dùng để tiết kiệm và đầu tư. Hiện cặp đôi trẻ chỉ gửi tiền tiết kiệm online và đầu tư vàng.
Mà theo cách cô nàng chia sẻ: "Tiền tiết kiệm mình để riêng vào một tài khoản ngân hàng, sau đó gom lại một khoản và mở sổ tiết kiệm để có thể hưởng lãi từ chúng. Mình hay gửi trực tuyến vì có thể theo dõi được số lãi linh hoạt hơn. Nếu lãi suất ngân hàng cao, chúng mình sẽ dồn phần lớn tiền để gửi tiết kiệm. Còn lãi suất về thấp, chúng mình sẽ chuyển hướng đầu tư sang vàng".
Cặp đôi trẻ quan niệm không nên "để hết trứng vào một giỏ", thế nên với số tiền kiếm được, họ sẽ quan sát biến động của thị trường và phân bổ nguồn tiền hợp lý.
"Vợ chồng mình chọn kinh doanh 'ăn chắc mặc bền", đầu tư an toàn vì nuôi con nhỏ nên cả hai cũng có tính thận trọng. Trong tương lai, mình cũng muốn mạo hiểm một chút. Có thể mình sẽ học thêm về đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản nhỏ nhằm hiểu rõ về chúng. Mình chỉ dám đầu tư khi thật sự nắm được cách hoạt động, còn nếu tư duy còn mơ hồ thì chắc mình sẽ không 'xuống tiền' đâu".
Chồng nấu nướng và nắm chi tiêu, được gọi "thợ săn voucher" vì săn sale giỏi
Quan điểm phân bổ quản lý tài chính của gia đình trẻ này cũng khá thú vị: Họ thống nhất chồng nắm chi phí sinh hoạt, trong khi vợ giữ khoản tích lũy trong tương lai. Tất nhiên, họ đã tính toán trước các nhiệm vụ, phù hợp với tính cách của mỗi người.
"Nguyên nhân cũng dễ hiểu thôi. Vợ chồng mình ở riêng, mình bận chăm con nhỏ nên chồng đảm đương việc nội trợ. Vậy nên, mình giao việc cầm tiền chi tiêu sinh hoạt cho chồng để anh chủ động hơn.
Hơn nữa đàn ông thường là người tiêu hoang và không có chừng mực. Do đó, mình để anh giữ tiền sinh hoạt nhằm thấy được khoản này tốn kém ra sao, từ đó chồng biết điều tiết chúng. Trộm vía là chồng mình làm rất tốt việc này. Anh thường mua hàng sinh hoạt trên các sàn thương mại điện tử hơn là mua trực tiếp ở ngoài. Bởi các sàn thường có nhiều ưu đãi về giá cả giúp chúng mình tiết kiệm hơn. Chồng mình còn được sàn cho biệt hiệu là 'thợ săn voucher' nữa (cười).
Một khía cạnh nữa, mình nghĩ vợ giữ khoản tiền tích luỹ sẽ hợp lý hơn. Bởi phụ nữ thường được gọi là 'tay hòm chìa khoá' trong nhà, đồng thời họ lo cho tương lai của bản thân và con cái hơn đàn ông. Phụ nữ không thiết đãi nhiều người mà bản thân thấy không cần thiết và ít sa đà vào các tệ nạn hơn".
Sau cùng, với những gia đình dự định sinh con đầu lòng, vợ chồng Ngân Kim có lời khuyên: "Các bạn hãy chuẩn bị tài chính thật vững chắc, tối thiểu là chi phí sinh hoạt cho khoảng 1 năm đầu tiên. Khi cả hai có sự chuẩn bị về kinh tế thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, tinh thần cũng ít bị ảnh hưởng. Vì thế, cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn, tránh bị rơi vào khủng hoảng hôn nhân. Chúc các bạn sáng suốt!"
Ảnh: NVCC