Nhìn lại hành trình “lột xác” của bản thân, Hà Bích Hảo (SN 1994, quê Hải Dương) nói: “ Tôi thấy bản thân cần thay đổi để trở nên hoàn thiện hơn. Việc khắc phục khiếm khuyết trên khuôn mặt cũng giúp mình tự tin, sống hạnh phúc hơn”.
Bị bạn bè gọi là “ma cà rồng”
Hảo sinh ra vốn đáng yêu như bao đứa trẻ khác. Lúc 6 tháng tuổi, trên mặt Hảo bỗng xuất hiện một vết bớt màu đỏ, tưởng rằng chỉ là vết chàm nhưng ngày càng ăn sâu vào da thịt và mỗi ngày lan rộng ra trên mặt.
Bố mẹ lo lắng đưa con đi khám mới biết Hảo mắc bệnh u máu ngoài da, phải điều trị dài ngày. Lần đó, trong quá trình phẫu thuật, Hảo không may bị bỏng laser, kéo lệch một bên mặt, cổ, tai, mắt và mũi.
Ngày đi học mẫu giáo, mẹ dẫn Hảo đến trường nhưng bị từ chối. Sau vài lần van xin, nài nỉ, cô bé được nhận vào lớp nhưng vì gương mặt khác biệt nên không bạn nào dám chơi cùng.
Năm lên cấp 1, Hảo chỉ được ngồi trong lớp dự thính bởi xã khi đó chưa có chính sách học hòa nhập. Cuối năm lớp 2, với sự giúp đỡ của cô hiệu phó, Hảo mới có học bạ và được chấm điểm mỗi kỳ thi.
Với khuôn mặt khiếm khuyết, Hảo bị bạn bè gọi là “ma cà rồng”, “xác sống”. Suốt những năm cấp một, cô luôn phải ngồi cuối lớp bởi không ai muốn đến cạnh. Lũ bạn thi thoảng còn ném giẻ lau bảng vào mặt hay vứt cặp sách của Hảo xuống bể nước.
Lên cấp 2, Hảo trở nên lỳ lợm hơn, cô bé sẵn sàng đáp trả khi bị bạn bè xúc phạm hay bắt nạt. Vào lớp 10, các bạn trai trong lớp cũng tỏ ra phân biệt, giày dép hay cặp sách của Hảo thường xuyên bị bạn ném ra giữa sân trường.
Cố gắng hoà đồng nhưng bạn bè xung quanh không ai chấp nhận mình, Hảo tủi thân, tự động bỏ học. Cô giáo phải gọi phụ huynh lên để nhờ thuyết phục con gái trở lại trường.
Tối hôm đó, vào phòng động viên Hảo, nghe mẹ an ủi kèm những giọt nước mắt, tim Hảo thắt lại, hứa sẽ sống khác. Từ hôm sau Hảo lên lớp và vùi đầu vào học. Trong những năm cấp 3, cô luôn đứng trong top 5 của lớp. Lớp 11, 12, Hảo là học sinh duy nhất trong lớp nằm trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi Lịch sử của tỉnh.
Tưởng chừng mọi việc sẽ dần trở nên tốt đẹp cho đến ngày Hảo lên Hà Nội học đại học và xin làm tình nguyện viên tại một trường mầm non dành cho trẻ tự kỷ. Làm được 2 tháng, Hảo được người quản lý gọi lên và động viên cho nghỉ việc vì phụ huynh không chấp nhận người có khuôn mặt xấu xí làm việc với con họ.
Sau buổi làm việc đó, Hảo đạp xe 20 km lên cầu Vĩnh Tuy, vừa đi vừa khóc. Đứng trên cầu hơn 10 tiếng đồng hồ, có thời điểm cô trèo lên thành cầu định nhảy xuống nhưng nghĩ đến bố mẹ lại từ bỏ ý định.
Dừng học cao học để bước vào cuộc “lột xác”
Vực dậy sau suy nghĩ tiêu cực, Hảo tham gia các câu lạc bộ, chiến dịch vì cộng đồng. Cô luôn sẵn sàng để chia sẻ nguồn cảm hứng đến cho tất cả mọi người.
Không dừng lại ở đó, Hảo còn xây dựng quỹ học bổng ước mơ "Mầm và những người bạn" cho trẻ em khuyết tật, trẻ nghèo vượt khó có cơ hội được đi học.
Cách đây 3 năm, GS TS Trần Thiết Sơn, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai tình cờ biết đến Hảo, ông ấn tượng bởi hai điều. Thứ nhất, gương mặt bị tổn thương nặng, nhưng cô ấy không những không mặc cảm về ngoại hình mà còn rất tự tin.
Thứ hai, ông ngưỡng mộ công việc thiện nguyện Hảo tích cực làm vì những đứa trẻ nghèo khó. Chính từ sự khâm phục nghị lực, bản thân ông muốn giúp Hảo phẫu thuật khuôn mặt để khắc phục những tổn thương.
GS Sơn chủ động liên hệ và thuyết phục Hảo đồng ý phẫu thuật. Ông đã dành thời gian giải thích, tư vấn về tình trạng của Hảo, các bước phẫu thuật tạo hình và khả năng hồi phục.
Sau nhiều trăn trở, Hảo đồng ý với niềm hy vọng cho một cuộc lột xác sẽ trở thành bước ngoặt trong cuộc đời. Hảo tạm dừng việc học cao học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dừng công việc làm giáo viên dạy trẻ tự kỉ để bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc đời.
Hảo được GS Sơn và ê kip thực hiện lấy da ở đùi ghép lên vùng mặt. Ca phẫu thuật kéo dài 7 tiếng, hết thuốc mê, Hảo tỉnh lại nhưng bắt đầu sốt, mê man và cảm nhận được sự đau đớn đến tận cùng. Cô không thể nói được, chỉ thều thào.
Sau lần phẫu thuật tạo hình đầu tiên, Hảo tiếp tục trải qua thêm 2 cuộc đại phẫu khác (đặt túi giãn da ở vùng đầu, sửa sẹo ở quầng mắt và đầu), cô ở viện nhiều hơn ở nhà. Có giai đoạn cô ở viện liền mấy tháng do dịch COVID-19 phải cách ly và cũng để các bác sĩ theo dõi sát sao.
Hiện, hành trình tìm lại hình hài của Hảo gần đến đích. Cô muốn truyền tải tới mọi người thông điệp hãy mạnh mẽ đấu tranh, nói lên tiếng nói của mình, mạnh mẽ bước qua nỗi đau cuộc đời. "Không ai trong chúng ta có quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng có quyền chọn cách sống. Do đó, đừng bi quan, đừng dừng lại những ước mơ. Những gì chưa phải cuối cùng thì chưa phải là những điều tuyệt vời nhất", Hà Bích Hảo chia sẻ.