Chuyện lương thưởng khi đi làm luôn là vấn đề nhạy cảm và được quan tâm hàng đầu. Bộ phận kế toán và HR luôn phải sát sao mọi hoạt động của từng nhân viên để cân đo đong đếm các khoản lương, trợ cấp, thưởng và cả tiền phạt sao cho hợp lý, hợp tình để không gây ra khúc mắc cho nhân viên khi tới kỳ lãnh lương.
Môi trường công sở tuy tạo điều kiện hết mức để nhân viên có thể hoàn thành tốt công việc nhưng vẫn có những ràng buộc nhất định về nội quy, kỷ luật để bộ máy hoạt động của công ty trở nên chuyên nghiệp.
Tuy vậy, vẫn có những điều khoản, luật trừ lương gây tranh cãi và chưa nhận được sự đồng nhất giữa 2 phía là nhân viên và đơn vị tuyển dụng như việc ra ngoài trong giờ làm việc.
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ và những nền tảng số khiến việc shopping online trở thành thói quen mua sắm mới của dân thành thị, đặc biệt là giới công sở. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là shopping online rồi nhận hàng - giao hàng trong giờ làm có nên hay không, có cần thiết đưa ra quy định về việc diễn ra các hoạt động liên quan tới mua sắm trực tuyến trong giờ hành chính? Câu chuyện của một sinh viên mới ra trường dưới đây là một ví dụ.
(Ảnh minh họa)
Theo đó, cô gái này vừa nhận lương sau 1 tháng miệt mài làm việc. Nhưng thay vì nhận được tổng thực lương của mình, cô gái tá hỏa vì bị trừ mất 1 triệu tiền trách nhiệm chuyên cần do đi trễ (3 lần) và làm việc riêng, cụ thể là nhận hàng shipper (26 lần).
Hoang mang vì gặp phải tình huống này, nữ nhân viên văn phòng này đã đăng đàn lên trang Sài Gòn confession nhờ giúp đỡ. Nguyên văn đoạn chia sẻ như sau:
Số là em mới tìm được một chỗ làm ưng ý sau mùa dịch, với mức lương thưởng mỗi tháng khá tốt đối sinh viên mới ra trường như em. Công ty cũng tương đối có danh tiếng, môi trường làm việc chuyên nghiệp, đồng nghiệp vui vẻ lắm ạ.
Mà từ khi nhận được lương đến giờ em cảm thấy bị hụt hẫng trầm cảm luôn ạ. Em bị trừ mất 1 triệu tiền trách nhiệm chuyên cần vì đi trễ và làm việc riêng. Cái đi trễ thì em chịu luôn, công ty này ở Tân Bình mà, ráng lắm em mới chỉ đi trễ có 3 lần/tháng đó. Còn cái việc em xuống nhận hàng shipper mà cũng bị cắt thưởng thì ad thấy có quá đáng không ạ? Em nghĩ đó là quyền cá nhân chứ, mà em đi xuống nhận hàng cũng chỉ có 10-15 phút thôi chứ có đi lâu đâu!
Ảnh: Sài Gòn của tôi
Sau khi đọc xong câu chuyện, đa số dân mạng đều cho rằng, trong trường hợp này công ty đã làm đúng trách nhiệm của mình và có mức thưởng, trừ hợp lý với nhân viên, không có gì quá đáng như lời than thở của chủ nhân đoạn chia sẻ.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có quy định về thời gian bắt đầu và kết thúc ngày làm việc, khung giờ giải lao - nghỉ trưa để nhân viên đảm bảo được hiệu quả làm việc lẫn thời gian cho cá nhân.
Ngoại trừ các lý do bất khả kháng thì dù trong 10 hay 15 phút mà nhân viên có bất cứ hoạt động gì ngoài công việc đều gây ảnh hưởng đến tập thể. Ngoài ra giờ giấc là quy định nên không thể bao biện tùy tiện lý do đi trễ vì nhà xa công ty, điều này hoàn toàn nhân viên có thể chủ động sắp xếp được và xem xét quãng đường dài hay ngắn mà đi sớm hơn.
Với 26 lần ra vào nhận hàng ship thì ít nhất nhân viên này cũng lãng phí từ 4,3 đến 6,9 giờ làm, tương đương với quá 1 nửa ngày công. Nhiều tài khoản đã thể hiện quan điểm cá nhân như sau:
"Thế thử nghĩ ngược lại bạn là người làm chủ đi. Bạn bỏ tiền ra trả lương cho nhân viên. Một người làm 8 tiếng 1 ngày trả lương 8 tiếng, một người cũng phải trả lương cho 8 tiếng làm việc nhưng sự thật chỉ làm có 7 tiếng rưỡi. Bạn là chủ thì bạn sẽ thuê ai? Còn nếu mình là chủ công ty bạn thì mình đuổi bạn từ ngày đầu luôn rồi chứ nói gì tới ngồi đếm 1 tháng bạn đi nhận hàng shipper 26 lần!"
"Vấn đề đi trễ thì khỏi bàn, trễ là trễ, ko bị đem lên phòng nhân sự kỷ luật là may rồi. Riêng vụ nhận ship thì mình thấy tuỳ theo văn hoá từng công ty, tự bản thân mình phải nhận ra rồi ứng xử phù hợp. Nhưng ngộ ở chỗ bảo rằng đó là việc cá nhân nhưng sao không nhận thức được đang trong giờ làm thì phải hạn chế việc cá nhân sao?"
"Nhận shipper 26 lần, mỗi lần 10 phút thì nhân lên bao nhiêu phút. Không trừ lương là may rồi. Còn đi trễ vì công ty ở xa nghe nó vô lý quá. Lúc phỏng vấn bạn cũng biết công ty ở Tân Bình mà chứ. Nghe than thở mà phát bực!"