1
Sau 10 ngày tiêm vaccine, mình test nhanh dương tính
Ngày 12/8, mình xuất hiện triệu chứng đau đầu và hơi mệt, uống thuốc thì đỡ. Hôm sau, mình đau họng, cứ nghĩ do viêm amidan mỗi khi trời nắng mưa thất thường. Uống thuốc đau họng nhưng không đỡ, đến tối bị sổ mũi, mình hơi lo lắng, thử test nhanh, không ngờ lên "2 vạch".
Cả gia đình đều lo lắng, không rõ nguồn lây từ đâu, vì mình chủ yếu ở trong nhà, chỉ 1, 2 lần ghé hiệu thuốc và đều sát khuẩn kĩ lưỡng. Bố mình là F1 do tiếp xúc xa với F0, nhưng cũng đã âm tính.
Ngay trong đêm, mình tách khỏi gia đình, cách ly trong một phòng riêng biệt. Sáng 15/8, mình test lại lần nữa, vẫn là kết quả dương tính, thậm chí vạch T còn xuất hiện trước và đậm hơn vạch C. Thật may mắn, các thành viên còn lại trong nhà đều âm tính.
Mẫu test nhanh sẽ có kết quả dương tính khi xuất hiện 2 vạch ở cả vị trí C và T trên khay thử. Vạch T thường phản ánh tải lượng virus của người đó, càng đậm thì virus càng nhiều.
Mẫu sẽ có kết quả âm tính khi chỉ xuất hiện 1 vạch ở vị trí C.
Trong trường hợp không xuất hiện vạch nào hoặc chỉ xuất hiện 1 vạch tại vị trí T là kết quả không hợp lệ, cần thực hiện lại xét nghiệm.
Cách đó 10 ngày, mình đã được tiêm mũi 1 vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Mọi người nếu tiêm xong, cũng đừng chủ quan nhé, phải luôn tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Sau khi gọi điện báo y tế phường, mình được yêu cầu tự cách ly và điều trị tại nhà. Ngày thứ 2 của bệnh, mình đau họng nhiều hơn, mệt mỏi và nghẹt mũi. Mình nôn hết bữa sáng đầu tiên, vì vừa mệt, vừa chưa thể bình tĩnh lại. Mẹ vội nấu một bát cơm khác, mình cố ăn và uống thuốc, dù cổ họng đau và vướng víu.
Nguyễn Thị Thuỳ Linh đã chiến đấu 16 ngày với Covid-19
Những ngày tiếp theo, mình vẫn đau họng dữ dội dù chỉ cử động nhẹ. Mình không thể ăn cơm, nhờ mẹ nấu cháo và đồ ăn phải cắt nhỏ. Dù vậy, mình nuốt cháo cũng rất khó khăn, ăn một bữa mà phải nghỉ đến 3, 4 lần.
Mũi vẫn nghẹt, khi hít sâu cảm giác đau buốt lên tới đầu. Thỉnh thoảng mình tức ngực và thở gấp, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên) có lần xuống 93%, hoàn toàn mất khứu giác và vị giác. Buổi tối, mình sốt, người nóng dần lên, 2 mí mắt nặng trĩu.
2
Mình đã tự điều trị Covid-19 như thế nào?
Mỗi sáng thức dậy, mình đều đánh răng và súc họng bằng nước nóng vắt thêm chanh, rửa mũi bằng nước muối, tập các bài thở yoga 10 - 15 phút. Mình xông mũi và họng 15 phút, rồi ăn sáng, uống thuốc, rượu tỏi và nước cam nóng.
Sau đó, mình vệ sinh và lau dọn nhà cửa, cố gắng hoạt động lặt vặt, hạn chế nằm khiến cơ thể sẽ mệt hơn. Mình ngồi chỗ thoáng khí nghe nhạc và đọc sách, xem phim, tập thở và thả lỏng cơ thể. Cách 2 tiếng, mình lại súc họng một lần, kết hợp xịt mũi.
Kết thúc bữa trưa, mình tiếp tục súc họng và rửa mũi, nghỉ ngơi đến chiều lại ăn trái cây, yến chưng hoặc bất cứ bánh trái nào có sẵn trong nhà. Theo mình, F0 cần ăn liên tục và uống nước ấm (khoảng 2 - 3 lít mỗi ngày).
Buổi chiều, mình tập thở bằng các bài tập yoga, xông mũi và họng, dùng nước xông để tắm và lau người. Ăn tối và uống thuốc, đều đặn thư giãn đầu óc và tập thở.
Mỗi khi có dấu hiệu sốt, người bắt đầu nóng râm ran, 2 mí mắt sụp xuống, mình chuẩn bị nước nóng vắt chanh và dùng khăn lau khắp đầu, trán, mặt, mũi, chân tay để hạ nhiệt. Có buổi tối, mình lau đến 3, 4 lần vì cứ mỗi lần lau xong thì cơ thể lại nóng lại.
Trước khi đi ngủ, mình uống một muỗng rượu tỏi và một ly nước ấm. Những lúc tức ngực và thở gấp, mình đều ngồi trước cửa, chỗ thoáng khí, tập hít thật sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng để điều hoà cơ thể, cố gắng điều chỉnh nhịp thở từ từ và dần sẽ thở lại như bình thường. Khi ngủ mình không nằm ngửa mà nằm nghiêng sang 1 bên và gác 1 chân lên gối, sẽ dễ thở hơn rất nhiều!
Chế độ ăn uống đủ dưỡng chất, cung cấp thêm trái cây, vitamin,... giúp cô gái trẻ sớm "chiến thắng" virus
Đến ngày thứ 8 của bệnh, mình đỡ đau họng rồi hết dần, chuyển sang có đờm, nhưng không ho, mũi cũng hết nghẹt. Mình có lại vị giác, ăn uống cũng biết ngon hơn, không còn tình trạng tức ngực hay thở gấp nữa. Tối đó, mình test lại thì đã âm tính với SARS-CoV-2.
Sau 16 ngày, mình tăng 2 cân, sức khoẻ dần cải thiện, không còn mệt mỏi, hết đờm, khứu giác cũng phục hồi 80%. Cán bộ y tế phường xuống nhà test lại, mình đủ 2 lần âm tính, cả gia đình cũng đều mạnh khoẻ.
3
Gia đình chính là liều thuốc đặc trị hiệu quả nhất
Với mình, có 3 thiết bị y tế vô cùng quan trọng hỗ trợ trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà. Bên cạnh cặp nhiệt độ, máy đo chỉ số SpO2 cũng rất cần thiết. Mỗi ngày mình đo 3 lần. Nếu chỉ số dưới 95% nghĩa là có dấu hiệu thiếu oxy, dưới 90% là suy hô hấp cần đưa đi bệnh viện liền. Có lần, chỉ số SpO2 của mình giảm xuống 93% nhưng vẫn ổn và không phải thở oxy.
Nếu trong gia đình có F0 mắc bệnh nền, sức khoẻ yếu, cần trang bị sẵn và kịp thời bình oxy hoặc máy tạo oxy. Mình đã rất xúc động và bật khóc khi nhìn thấy mẹ trong trang phục bảo hộ, khệ nệ bê bình oxy to bằng cơ thể người vào trong phòng cách ly đề phòng lúc mình khó thở. Mình đã dặn lòng phải thật mạnh mẽ, cố gắng không sử dụng tới nó.
Không chỉ mình, mà bố mẹ và đứa em, người thân - được xem là F1, cùng khử khuẩn nhà cửa, vật dụng bằng cồn hoặc dung dịch khử khuẩn 2 lần mỗi ngày. Mình không sử dụng chung bất cứ đồ dùng nào với người thân trong nhà. Mỗi lần mang đồ ăn tới trước cửa phòng, mẹ đều đổ vào chén đĩa riêng của mình rồi khử khuẩn toàn thân, rửa tay kĩ trước khi vào nhà.
Cả gia đình đều xông mũi, họng ít nhất một lần/ngày, súc họng và rửa mũi thường xuyên, có thể bổ sung vitamin, rượu tỏi, các loại nước ép, ăn nhiều và uống nhiều nước ấm. Nhờ vậy, cơ thể kịp thời diệt trừ virus trong người trước khi nó phát triển mạnh hơn, nên chỉ riêng mình dương tính mà cả nhà đều không sao.
Đặc biệt, F0 hãy chăm lo thật tốt cho tinh thần, luôn bình tĩnh, vui vẻ, thoải mái và thư giãn, không bi quan và tránh đọc các tin tức xấu. Từ lúc mắc bệnh, mình không còn đọc những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh, chỉ xem phim và đọc tin tức giải trí.
Mẹ của Thùy Linh khệ nệ bê bình oxy vào phòng cách ly cho con gái, đề phòng trường hợp khẩn cấp
Đối với mình, gia đình chính là liều thuốc đặc trị hiệu quả nhất để vượt qua "trận chiến" này. Từ bố mẹ, đến các dì, cậu mợ và mọi người xung quanh đều quan tâm, gửi đồ ăn, thuốc men, thậm chí cả bình oxy, kèm theo những lời động viên rằng mình chỉ cần yên tâm chiến đấu thôi, mọi thứ còn lại đã có mọi người lo.
Mình biết, bản thân phải chiến thắng bệnh tật bằng mọi giá, thì gia đình cũng mới chiến thắng được. Thế nên, khi nuốt không nổi, ăn được nửa bát cháo là muốn dừng lại, nghĩ đến bố mẹ và người thân, mình cố ăn hết tất cả dù rất chậm. Hay những lúc mệt mỏi và khó thở, nghĩ đến gia đình, mình nỗ lực không để bản thân trở nặng đến mức phải thở oxy.
Và mình tự động viên bản thân phải mau khoẻ lại để chẳng may bố mẹ có bị lây nhiễm thì mình có thể chăm sóc họ. May mắn cả gia đình đều bình an, và mình cũng đã vượt qua tất cả.
Vì vậy, khi là F0, các bạn cũng đừng hoang mang, hãy thật bình tĩnh và tìm hiểu các phương pháp tự điều trị tại nhà nếu có triệu chứng nhẹ, cố gắng không để biến chứng nặng sẽ rất nguy hiểm và khó chữa. Quan trọng là tinh thần luôn vững tin và phải mạnh mẽ, lúc mệt mỏi, muốn bỏ cuộc hãy nghĩ đến những người quan trọng nhất để "vực dậy" tinh thần, có động lực chiến thắng virus.