"Tính cả Việt Nam, mình đã có cơ hội đặt chân đến 22 quốc gia khác nhau như: Campuchia, Italy, Áo, Đức, Thụy Sĩ, CH Czech, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Malta, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ, Hy Lạp, Hungary, Monaco, Liechtenstein, Rumani. Mỗi quốc gia đều đem lại cho mình những trải nghiệm đặc biệt ấn tượng. Cảm xúc khi lần đầu tiên mình nhìn thấy cực quang ở Na Uy, lần đầu chạm vào tuyết ở Áo... cực kỳ khó tả", Lý Phương Thanh (SN 2000, quê Long An) - sinh viên năm cuối ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM hào hứng kể về chuyến đi của mình.
Giấc mơ đi khắp thế giới được nhen nhóm từ tấm bản đồ cuối sách
Đam mê xê dịch, mong muốn được đặt chân đến nhiều đất nước trên thế giới đã được nhen nhóm trong Thanh từ ngày cô còn bé. Hồi còn nhỏ, khi xem cuốn sổ của bố mẹ, Thanh thường lật đến những trang cuối cùng để nhìn ngắm bản đồ thế giới. Tìm kiếm từng nơi trong tấm bản đồ, Thanh tự hỏi, những vùng đất đó ở xa như vậy, liệu có khác gì với nơi mình đang sống không? Điều đó khiến cô khao khát được bước ra nhìn ngắm và khám phá thế giới rộng lớn này.
Lớn lên, Thanh ý thức được rằng, gia đình mình không có đủ điều kiện để cô có thể tự chi cho những chuyến du lịch. Thanh nhận ra, đi du lịch bằng học bổng du học chính là cách để cô có thể đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới. Kể từ đó, Thanh phấn đấu học tập, rèn luyện với mong muốn một ngày được học bổng du học, đi được nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 18 tuổi, Phương Thanh có chuyến đi du lịch nước ngoài đầu đời, đất nước mà cô đặt chân đến là Campuchia. Lần đầu ra nước ngoài ở tuổi 18, Thanh "dám" đi một mình. Thời gian đó, cô đi làm thêm, dạy thêm tiết kiệm được hơn 10 triệu để có tiền đi du lịch.
"Mình cảm giác việc suốt ngày cặm cụi đi kiếm tiền như thế này không ổn. Lúc ấy mình đã nghĩ, nhất định phải có được học bổng. Chỉ có con đường học bổng mới đưa được mình đến nhiều nơi trên thế giới và còn cho mình nhiều kiến thức nữa", Phương Thanh chia sẻ.
Có nhiều trải nghiệm thú vị ở lần đầu tiên ra nước ngoài, niềm đam mê xê dịch của Phương Thanh càng lớn hơn. Mỗi lần nhận được giải thưởng của cuộc thi nào đó, Thanh lại tích cóp số tiền đó lại, đi du lịch ở các tỉnh miền Trung ở Việt Nam. Trong lần được tài trợ toàn phần ra Hà Nội để tham gia cuộc thi, hội nghị thanh niên, cô lại tranh thủ đi du lịch ở các tỉnh phía Tây Bắc.
3 học bổng du học và hành trình đặt chân đến 20 đất nước trong 1 năm
Sau chuyến đi đầu tiên năm 18 tuổi, Phương Thanh bắt tay ngay vào quá trình đi "săn học bổng". Có định hướng rõ ràng từ năm nhất đại học, Thanh đọc nhiều bài viết của các anh chị đã từng đạt được học bổng để hình dung 4 năm học cô sẽ làm gì. Suốt 3 năm đầu Đại học, Thanh tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội, chăm chỉ học tập để cải thiện điểm số và trau dồi kỹ năng ngoại ngữ.
Thế mạnh trong bộ hồ sơ của Thanh nằm ở danh sách hoạt động xã hội. Cô từng tham gia Hội nghị thanh niên ASEAN - Hàn Quốc năm 2020, Hội nghị nhà lãnh đạo tương lai Đông Nam Á (2020), Diễn đàn tiếng nói tương lai (APEC-VOF 2020), đội trưởng của nhóm đoạt giải đặc biệt cuộc thi Vietnam-Korea Grow Together Business Challenge 2019, IU Innovation camp 2019... Thanh cũng là tình nguyện viên phiên dịch cho tổ chức Bạn trẻ em đường phố (FFSC), Shecodes Vietnam, Liên minh HTX quốc tế khu vực Châu Á và Thái Bình Dương 2019...
Phương Thanh đặt mục tiêu là phải đi trao đổi sinh viên ít nhất 1 lần trong thời gian học Đại học để được đi nước ngoài bằng học bổng. Với mục tiêu như vậy, Thanh đi rải đơn xin học bổng, hồ sơ xin học bổng ở tất cả các chương trình học bổng. Thanh cho biết, cơ hội ở thời điểm đó là những cơ hội cuối cùng với cô bởi không lâu nữa Thanh sẽ ra trường.
"Quá trình săn học bổng của mình cũng rất khó khăn. Hồ sơ của mình không xuất sắc như các bạn nên mình liên tục trượt học bổng. Mỗi lần trượt, mình luôn nhìn lại và tìm hiểu lý do vì sao mình lại trượt. Mình hiểu được quỹ học bổng cần gì ở mình, tại sao họ sẵn sàng dành số tiền đó để đưa mình đến đất nước của họ, chứ không phải người khác. Mình luôn cố gắng rèn luyện và thể hiện sự phù hợp của mình với mỗi suất học bổng", Phương Thanh nói.
Sau suốt thời gian dài cố gắng, cuối cùng, Thanh đã được hưởng "quả ngọt". Phương Thanh nhận được 4 học bổng bổng toàn phần, gồm Ernst Mach Grant của cơ quan trao đổi hàn lâm Áo OeAD, thuộc Bộ Khoa học, Nghiên cứu và Kinh tế Liên bang Cộng hoà Áo, SEED - học bổng chính phủ Canada; Erasmus Liên minh 4 trường đại học Tây Ban Nha (A4U) và chương trình về biến đổi khí hậu Youth4Climate: Driving Ambition do chính phủ Italy tài trợ. Ba học bổng đầu là trao đổi sinh viên, còn chương trình sang Italy là ngắn hạn. Vì bị trùng lịch, Thanh buộc phải viết thư từ chối học bổng Canada.
Nhờ 3 suất học bổng trao đổi, Phương Thanh có cơ hội đi 20 quốc gia trong vòng 1 năm. Cô đặt chân đến Áo, Đức, Thụy Sĩ, CH Czech, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Malta... Tại những đất nước này, cô có nhiều trải nghiệm thú vị, khám phá về bản sắc văn hóa của các nước trên thế giới và học hỏi nhiều điều từ người bản địa.
Trong số đất nước mà Thanh đặt chân đến, cô ấn tượng nhất là Phần Lan. "Con người Phần Lan rất thân thiện, nhiệt tình. Mình được mọi người ở đây tận tình giúp đỡ. Mình vẫn nhớ thời điểm mình đến Phần Lan, vào mùa đông, thời tiết rất lạnh vì ban đầu không tìm được chỗ ở nên mình lang thang ngoài đường. Thấy mình như vậy, người dân chỉ cho mình chỗ để thuê. Mình đang kéo vali rất nặng, họ cũng giúp đỡ mình kéo vali. Mình còn được họ mời ăn món cá mới câu được từ hồ băng. Họ còn tặng quà Noel cho mình nữa", Thanh chia sẻ.
Kinh nghiệm đi du lịch Châu Âu một mình
Trước mỗi lần đi du lịch ở đất nước khác, ngoài Visa, Phương Thanh còn chuẩn bị kỹ về mặt tài chính. Thanh luôn phải tính toán xem học bổng tháng này được bao nhiêu tiền và chi phí cho chuyến du lịch này là bao nhiêu. Tiếp theo, Thanh chuẩn bị về chỗ ở và lên kế hoạch sẵn những nơi muốn đi để tiết kiệm thời gian. Trước khi đi, cô sẽ đánh dấu trên bản đồ xem đi đâu, những điểm nổi tiếng nào. Ngoài ra, để có những bức ảnh đẹp, cô còn chuẩn bị cả tripod, flycam, máy ảnh.
Trong khi đi du lịch, để tiết kiệm chi tiêu, Thanh dùng thẻ thay vì tiền mặt để thanh toán cũng như quản lý chi tiêu. Mọi giao dịch sẽ được lưu lại trên hệ thống nên dễ dàng theo dõi. Tiền học bổng Thanh đặt bản thân hạn mức chỉ tiêu một nửa mỗi tháng. Cô bạn cố gắng tiết kiệm nhất có thể.
"Chi phí cho chuyến du lịch 20 nước Châu Âu đều là tiền học bổng và tiền các giải thưởng mà mình nhận được trước đó. Nếu không có học bổng, chương trình tài trợ của chính phủ chắc chắn bây giờ mình vẫn ở Việt Nam, là một cô gái 22 tuổi chỉ từng đi Campuchia", Thanh chia sẻ.
Là con gái lại đi du lịch một mình nên Thanh luôn có sự chuẩn bị chu đáo từ trước. Cô luôn phải mang sạc pin điện thoại để đảm bảo điện thoại lúc nào cũng có pin để tra bản đồ, tìm đường về nhà. Khi ra đường thì phải chuẩn bị giấy tờ tùy thân. Thanh hạn chế đi ban đêm, cô luôn trở về nhà lúc trên đường còn đông người và không đến những địa điểm vắng người.
Đặt chân đến 22 đất nước ở tuổi 22 đã khiến cho Phương Thanh có một tuổi trẻ rực rỡ, cô được nhìn ngắm thế giới, làm giàu nhân sinh quan của mình.
Chia sẻ về mục tiêu sắp tới của bản thân, Thanh nói: "Mình đã từng đặt ra mục tiêu số đất nước đặt chân đến sẽ nhiều hơn số tuổi. Mình sắp thực hiện được điều ấy ở tuổi 22 khi cuối tháng này, mình sẽ có chuyến đi đến Singapore - đất nước thứ 23 mình chuẩn bị đặt chân đến. Dịp được đến Singapore này nhờ việc mình là đại diện Việt Nam sang Singapore dự Youth Regional Affairs Dialogues 2022 (Đối thoại Thanh niên về các vấn đề khu vực châu Á), chương trình dành cho 80 nhà lãnh đạo trẻ là sinh viên đến từ các quốc gia châu Á tại Đại học Công nghệ Nanyang. Ngoài ra, trong tương lai, mình dự định sẽ làm nghiên cứu khoa học, hoặc đi làm để lấy kinh nghiệm xin học bổng thạc sĩ".