Phòng trọ của Trinh - cô gái 1 chân đầy nghị lực cách bệnh viện nơi cô làm việc không xa. Khoảng cách vài mươi mét tưởng chỉ là một cái hất cẳng chân của người lành lặn thì với cô gái nhỏ, đôi lúc là cả quãng đường dài thăm thẳm.
Nhất là khi trái gió trở trời, chiếc chân cụt quá đầu gối lên cơn đau nhức, thấu tận xương tuỷ. Chủ nhân của nó phải cắn răng chịu đựng, bước từng bước khó nhọc đến chỗ làm…
Vậy mà thấm thoắt cũng hai năm, Trinh trụ lại với cuộc sống một thân một mình nơi đất khách quê người, khi vừa phải xoay sở với cuộc sống cơm áo gạo tiền, vừa phải "đấu trí" với cơ thể không toàn vẹn.
"Ở một mình buồn lắm chứ đâu vui vẻ gì, nên em toàn ăn tiệm. Chỉ khi có bạn đến thăm thì tụi em mới nấu nướng đàng hoàng thôi" – Trinh chia sẻ. Tuy vậy, vì lo sợ sẽ là trở ngại, phiền phức cho người khác, nên dù đôi lần có người rủ trọ cùng, Trinh vẫn nhẹ nhàng chối từ.
Do đặc thù công việc tại bệnh viện, Trinh có 1 ngày làm (từ 6 giờ 30 phút sáng đến 22 giờ khuya), 1 ngày nghỉ. Đi lại khó khăn, nên phần lớn thời gian rảnh của cô là ở trong phòng trọ. Chính vì thế, cô gần như biệt lập với những hàng xóm xung quanh. Người mà cô chơi thân gần như duy nhất trong xóm trọ là một thanh niên tên Đồng.
Với lịch làm việc như vậy, để cải thiện cuộc sống, dạo gần đây, Trinh tìm tòi và làm thêm công việc bán mỹ phẩm. "Chỉ kiếm thêm tiền cà phê và ăn sáng thôi anh ơi, nhưng vậy cũng vui rồi" – Trinh nói.
Nhưng công việc bán mỹ phẩm cũng khiến Trinh gặp không ít chuyện oái oăm. Cô gái kể, nhiều người thấy mình đăng ảnh khuyết một chân lại có những bình luận mỉa mai, cho rằng Trinh chỉnh sửa hình ảnh để câu khách, gây sự chú ý. Gạt hết mọi nỗi buồn, Trinh tự nhủ mình phải càng cố gắng hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để có tiền màhoàn thành những dự dịnh dang dở của mình.
Dự định đầu tiên và cũng dễ dàng thấy nhất, là chuyện thay chiếc chân "xịn". Vẫn đôi mắt sáng và chiếc miệng luôn nở nụ cười, Trinh kể: "Từ đó đến giờ em thay chân cũng 5-6 lần rồi. Cứ lớn lên một chút, cao hơn một chút, hay mập lên là phải thay. Giờ em trưởng thành rồi, cơ thể không còn phát triển nữa nên cũng tính đến chuyện sắm một chiếc chân giả tốt hơn. Chứ chân gỗ đi một thời gian là đau lắm, lại không thẩm mỹ. Em là con gái mà…".
Tiếp theo là chuyện học hành. Trinh muốn mình học lên đại học, mà xa hơn là cao học để vừa nâng cao kiến thức, vừa cải thiện thu nhập. "Chứ học trung cấp, lại có tật như em thì làm việc anh ơi" – Trinh cười hiền.
Thấy Trinh luôn vui tươi, tôi buột miệng hỏi, có điều gì đến giờ mà Trinh vẫn còn trăn trở. Không giấu giếm, cô gái bảo mình rất buồn khi đến giờ này vẫn chưa phụ giúp cha mẹ ngoài quê một đồng nào, khi việc tự lo cho bản thân đã là cố gắng vượt bậc.
Chuông điện thoại bất ngờ reo. Là Huy, cậu em út đang học cấp hai của Trinh. Gương mặt cô gái sáng bừng khi nhận ra giọng nói ruột thịt. "Lâu lâu nó cũng gọi. Gọi xin chị hai tiền nạp card điện thoại" – Trinh lại cười.
"Nghe bảo Trinh có hai đứa em, vậy Trinh thương ai hơn"- cô đồng nghiệp ngồi cạnh tôi hỏi vui. Nhưng đó cũng là lúc mắt Trinh bất ngờ đỏ hoe. Trinh thương cả em gái giữa và em trai út, thương rất nhiều. Bởi hai em đều chịu bất hạnh, khi sinh ra đã bị mù loà.
"Em gái em tên Tuyết, 21 tuổi, nghỉ học rồi. Giờ nó đi làm massage, tẩm quất cho người ta. Làm cái này phải tuỳ vào lượng khách, nhưng mỗi tháng cao lắm cũng chỉ được hai triệu đồng. Em út thì vẫn còn được đi học. Bố mẹ em người làm ruộng mướn, người làm công nhân nên thu nhập cũng đâu khá khẩm gì..." – Trinh nói bằng giọng còn ngẹn.
Đến đây, cô gái tiết lộ ước mơ cháy bỏng, rằng muốn có thật nhiều tiền để đưa hai em đi xa chữa mắt. Trinh không dám chắc ra nước ngoài thì hai đứa em sẽ hết bệnh, nhưng cứ hi vọng...
24 tuổi, độ tuổi thanh xuân chín muồi, Trinh đang phải lọ mọ bước đi bằng đôi chân không lành lặn lại phải tiến đến những ước mơ mà nhiều người bình thường cũng khó lòng làm được.
Như lời Trinh nói, đâu ai cấm đoán ước mơ. Tin rằng nghị lực sẽ giúp Trinh đạt được những thứ mình mong muốn, như cái cách mà cô khó nhọc bước qua những năm tháng cắp sách đến trường bằng cơ thể không toàn vẹn. Nhưng trước mắt, Trinh phải có được một chiếc chân thật "xịn" để đủ vững chãi mà bước tiếp trên con đường tìm đến hạnh phúc của mình.
Mỗi tháng kiếm được 5 triệu đồng, chiếc chân giả "xịn" trung bình khoảng 100 triệu đồng. "Một năm, hai năm, ba năm… hai mươi năm nữa Trinh mới đủ tiền sắm chân, với điều kiện không ăn…", tôi lẩm nhẩm tính, và nhận ra con đường đó, với Trinh có lẽ còn quá xa vời.