Trong dàn diễn viên "Phía trước là bầu trời", Diệu Thảo (vai cô em út xóm trọ) gây ấn tượng với khán giả bởi nét thơ ngây, đáng yêu. Dù có những vai diễn rất thành công nhưng Diệu Thảo không chọn con đường diễn xuất chuyên nghiệp mà theo đuổi tình yêu với cây đàn tỳ bà.
Hơn 20 năm gắn bó, Diệu Thảo và những đồng ngiệp của cô luôn trăn trở việc gìn giữ và phát triển loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống này, để nó đến gần hơn với công chúng đương đại.
Ngoài đời, Diệu Thảo là một con người của những điều "trái ngược". Sở hữu khuôn mặt dịu dàng, nhưng lại có một thân hình vô cùng nóng bỏng. Tự nhận mình "lành như cục đất" nhưng lại rất quyết liệt khi gặp chuyện bất bình.
Ở tuổi ngoài 30, cô tìm niềm vui trong cuộc sống bình dị bên chiếc máy may, mảnh vườn, góc bếp... Hỏi về lý do độc thân, Diệu Thảo đáp: "Đôi khi mải việc Thảo xao nhãng, có lúc ngồi ngẫm một tẹo vẫn thấy rằng cái gì đến thì đến. Nếu không gặp người phù hợp thì cuộc sống độc thân bình an, nhẹ nhõm hiện tại cũng không quá tệ mà".
Thảo lành như cục đất, ai có tính cà khịa là Thảo "lượn" ngay
- Một cô giáo được nhận xét là "hiền khô" nhưng lại sở hữu một thân hình "bốc lửa". Vậy, sự dịu dàng hay nóng bỏng đúng với con người thật của Diệu Thảo hơn?
Thật ra Thảo lành như cục đất, ai có tính cà khịa là Thảo "lượn" ngay, sợ va chạm lắm! Thảo thích yêu thương nên hiền khô là điều đương nhiên (cười).
Còn thân hình thì cha sinh mẹ đẻ, nên Thảo cũng không biết như thế nào. Nhưng cơ bản Thảo nghĩ dù thế nào thì cũng phải tự yêu thương bản thân, dù xấu hay đẹp.
Không có ai hoàn hảo cả, đẹp xấu tuỳ mắt người nhìn, mà mỗi người lại có một gu thẩm mỹ riêng. Cá nhân Thảo thì không thấy mình đẹp, Thảo chỉ có những nét riêng, cá tính riêng thôi.
À, mà thật ra Thảo lành chứ không dịu dàng lắm. Cũng có lúc Thảo nổi nóng, đặc biệt với những việc sai trái, Thảo cũng mạnh mẽ và quyết liệt lắm!
- Ngoài thời gian dành cho âm nhạc, Diệu Thảo thường tận hưởng cuộc sống của mình như thế nào?
Ngoài thời gian dành cho âm nhạc, Thảo sẽ may quần áo, váy vóc cho mẹ, cho bản thân, cho em gái và lũ trẻ trong nhà, thi thoảng tặng bạn bè nữa.
Thảo yêu thích sáng tạo nên thường tự may đồ cho bản thân vì dù sao mình cũng là người hiểu ưu nhược điểm của cơ thể mình nhất. Thêm nữa, mỗi lần đi dẫn chương trình hay đi biểu diễn đều phải làm mới hình ảnh. Nếu đầu tư cho trang phục thường xuyên khá tốn kém, khoản đó làm từ thiện có lẽ hơn chăng? Thế là Thảo mua một cái máy may "còi" và lọ mọ may vá suốt.
Thỉnh thoảng, Thảo còn may đồng phục cho lũ trẻ ở lớp học mặc cho vui. Khi đi diễn, đi quay nhìn đội hình cũng đáng yêu và vui mắt.
Rồi Thảo trồng cây. Rảnh ra là mua cây mua hoa về ươm trồng. Nhìn cây cối ra hoa kết trái có thể vui cả ngày luôn (cười).
Thảo cũng thích nấu ăn. Nếu được ăn một món gì đó thấy thích, Thảo sẽ lọ mọ nấu lại, rồi thi thoảng cũng lên mạng tìm những công thức nấu món ăn mới để thử nghiệm. Nhìn các chị em khác nấu nướng bầy biện ngưỡng mộ lắm.
Nghe nhạc là điều đương nhiên vì làm nghề mà, Thảo chọn bài vở để nghe, vừa để thưởng thức, vừa để dõi theo sự phát triển của âm nhạc để lựa chọn và tìm yếu tố mới, sáng tạo mới. Thảo còn thích vẽ, vẽ tranh hoặc vẽ thẳng lên đàn. Thảo có một cái đàn tỳ bà phủ kín hình hoa sen tự vẽ, nhìn khá đáng yêu và vui lắm.
Rồi những lúc rảnh Thảo cũng đọc sách, đọc tài liệu phục vụ cho công việc. Đó kể ra cũng nhiều nhưng đại loại cuộc sống của Thảo cũng loanh quanh vài niềm vui nho nhỏ đó thôi.
Vẻ đẹp gợi cảm của nghệ sĩ Diệu Thảo
- Cô em út của xóm trọ "Phía trước là bầu trời" từng được rất nhiều khán giả yêu mến và đặt kì vọng. Giờ đây, không còn bước trên con đường ấy nữa, Diệu Thảo có bao giờ cảm thấy tiếc nuối không?
Mỗi giai đoạn có những bước ngoặt và trải nghiệm quí giá riêng. "Phía trước là bầu trời" đã mang lại cho Thảo nhiều sự yêu mến và thiện cảm của khán giả. Đến giờ "cô bé mất xe đạp" ngày ấy vẫn được mọi người nhắc đến với tình cảm rất thân thương, trìu mến, Thảo thấy cảm động lắm!
Tuy nhiên Thảo lựa chọn điều phù hợp với khả năng và đam mê của bản thân. Ngay khi còn đi học thì Thảo đã thích trở thành một cô giáo rồi. Thảo cũng làm song song bên Đài truyền hình, cũng từng là phóng viên, biên tập viên, MC dẫn chương trình. Cơ bản cũng được trải qua nhiều công việc để Thảo được trưởng thành như ngày hôm nay.
Thảo cảm ơn quá khứ và đang tiếp tục xây dựng hiện tại và tương lai. Thảo luôn cảm ơn và không tiếc nuối vì Thảo luôn biết mình là ai, và mình ở đâu.
- Có rất nhiều người thắc mắc, tại sao một cô gái xinh đẹp và giỏi giang như Diệu Thảo đến giờ vẫn chọn cuộc sống độc thân?
Thăng trầm của cuộc sống Thảo cũng trải qua rồi. Những trải nghiệm đó khiến cho Thảo có lựa chọn độc thân ở thì hiện tại. Thảo nghĩ có lẽ một phần là duyên số chăng?
Đôi khi mải việc Thảo xao nhãng, có lúc ngồi ngẫm một tẹo vẫn thấy rằng cái gì đến thì đến. Nếu không gặp người phù hợp thì cuộc sống độc thân vui vẻ cũng tốt mà.
Thảo sống đời bình an, nhẽ nhõm, làm những việc mình vui, mình yêu thích và đam mê... cứ túc tắc vậy đã còn duyên đến đâu có lẽ cũng không tính toán được.
- Nếu để ví cuộc sống hiện tại của Diệu Thảo với một mùa trong năm, chị thấy nó giống nhất với mùa gì?
Thảo thấy mình là mùa thu - mát mẻ, nhẹ nhàng, hanh hao heo may... nhiều cảm xúc, thú vị và dễ chịu. Thảo thích mùa thu nên cũng thích mình giống mùa thu luôn. Các mùa khác không tệ lắm nhưng cái gì mình thích thì mình sẽ phấn đấu cho nó... giống.
So sánh này hơi kì, nhưng quả thật là một cô gái, Thảo thích mùa thu dịu dàng và lãng mạn, đôi khi hơi buồn, se sắt, nhưng gió mùa thu là gió mang hương vị nhiều nhất, của cốm, của hoa cúc, của hoa sữa, của dã quỳ, của thạch thảo, của những đồng cải bát ngát màu vàng trải rộng tầm mắt. Mùa thu, mùa của cảm xúc, sắc màu, hương vị, ngay cả nắng cũng sẽ vàng hơn trong gió heo may...
"Đàn tỳ bà làm gì có lỗi? Chúng ta cứ yêu nó và tiếp tục sáng tạo"
- Sau một thời gian "ở ẩn", Diệu Thảo bất ngờ gây chú ý với kênh Youtube chuyên đăng tải những tác phẩm âm nhạc đàn tỳ bà. Ý tưởng từ đâu thôi thúc chị mở kênh này?
Cảm ơn mọi người vì vẫn dành sự quan tâm cho Diệu Thảo. Chắc các bạn cũng biết Thảo là giảng viên, nghệ sĩ đàn tỳ bà nhiều năm nay rồi. Thảo đi biểu diễn, giảng dạy nhiều nhưng lại không để ý đến việc lưu giữ những dự án, sản phẩm hay các hoạt động mình thực hiện. Khi có việc cần đến tìm cũng không có.
Điều này cũng xảy ra với rất nhiều thầy cô, bạn bè đồng nghiệp của Thảo hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống. Họ làm nghề miệt mài, cống hiến miệt mài, nhưng hầu như không có gì lưu lại cả.
Đó chính là lý do Thảo quyết định làm kênh Youtube riêng, vừa để lưu trữ, vừa có thể chia sẻ với mọi người về đời sống và hoạt động của những nghệ sĩ âm nhạc truyền thống - những người đang lao động nghệ thuật hăng say nhưng không quá ồn ào, náo nhiệt.
- Nên duyên với đàn tỳ bà từ nhỏ và gắn bó với nó gần 2 chục năm trời, hẳn là tình yêu của Diệu Thảo dành cho loại nhạc cụ này rất lớn?
Biết nói thế nào nhỉ? Đàn tỳ bà có lẽ đã trở thành một phần quan trọng của cuộc đời Thảo. Sự gắn bó và đam mê chảy trong huyết quản.
Lúc nào, Thảo cũng thấy mình tràn đầy nhiệt huyết với đàn, với nghề, với các học sinh thân yêu, với khán giả yêu Tỳ bà. Thảo mong được chia sẻ với khán giả thêm nhiều điều thú vị về cây đàn này.
- Thực tế là ngày nay không còn quá nhiều người mặn mà với những loại nhạc cụ truyền thống. Họ thích những thứ âm nhạc thời thượng, hiện đại hơn. Diệu Thảo có cảm thấy buồn vì điều đó?
Thảo không buồn đâu. Thảo chỉ cố gắng thôi. Nếu dành quá nhiều thời gian cho lo âu và phiền muộn, mình sẽ không làm được việc, không sáng tạo và cống hiến cho khán giả được. Đó mới là điều đáng để buồn chứ!
Thảo nghĩ đàn tỳ bà hay nhạc cụ truyền thống nào cũng đều có những điều thú vị riêng, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là tìm hiểu, khai thác cái hay, cái đẹp, cái mới, cái hấp dẫn để đưa cây đàn đến gần với khán giả.
Đàn tỳ bà làm gì có lỗi?! Chúng ta cứ yêu thương nó và tiếp tục sáng tạo, hữu xạ tự nhiên hương, cứ hay, cứ đẹp thì ắt có khán giả yêu thích và đồng hành, chia sẻ.
Diệu Thảo có một tình yêu vô cùng lớn dành cho đàn tỳ bà
- Không phải ai cũng biết nhiều năm nay Diệu Thảo vẫn dành thời gian để dạy đàn tỳ bà miễn phí cho các em nhỏ. Đây có phải một trong những cố gắng của Diệu Thảo để mang tỳ bà đến gần mọi người hơn?
Thảo mở dạy miễn phí đàn tỳ bà từ khi tốt nghiệp đại học, trở thành giảng viên của Học viện âm nhạc Quốc gia. Song song với việc dạy ở trường, Thảo mở một lớp miễn phí cho các em nhỏ vào cuối tuần.
Thời gian lâu quá rồi, đến giờ Thảo cũng không nhớ hết rằng mình đã dạy bao nhiêu học sinh luôn. Rất đông các bạn từ 4 - 5 tuổi, đến những bạn sinh viên đang học đại học đến với lớp học của Thảo.
Có lúc đông quá Thảo còn thấy hơi ái ngại khi sợ không đảm bảo chất lượng dạy hoch cho các bạn yêu đàn. Mà Thảo thì chưa có điều kiện để mở trung tâm hay làm những điều to lớn hơn. Nên nhiều khi cũng phải nói mọi người thông cảm.
Lớp học miễn phí đầm ấm như một gia đình, chủ yếu cũng để khơi dậy sự yêu thích và đam mê của trẻ nhỏ đối với cây đàn. Thảo phải đặt những cây đàn nhỏ xíu dành riêng cho các bạn bé để phù hợp với kích thước ngón tay.
Ghế thì phụ huynh mang ghế nhựa be bé cho con ngồi, dưới chân phải kê một miếng gỗ để các con đặt chân lên cho đủ độ cao...
Đại loại là phải làm rất nhiều điều để có thể đồng hành cùng các bạn nhỏ. Nhưng quá may mắn là các vị phụ huynh đã thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông và hỗ trợ để Thảo duy trì được lớp học đến tận bây giờ.
Có những bạn đã theo học được gần chục năm, thi vào trường và thành học sinh chính qui, tiếp tục sự nghiệp học hành chuyên sâu, nâng cao hơn và quan trọng là để cô trò được đồng hành cùng nhau gần gũi hơn.