Có đúng là đến 25 tuổi não bộ con người mới phát triển toàn diện và đây là con số “thần thánh” quyết định độ trưởng thành?

Chi Chi |

Có một niềm tin đại chúng cho rằng đến 25 tuổi, con người mới thực sự trưởng thành chín chắn một cách toàn diện.

Khi mối quan hệ của Leonardo DiCaprio với người mẫu Camila Morrone kết thúc ba tháng sau khi cô tổ chức sinh nhật lần thứ 25, trên Internet đã có nhiều bàn tán xôn xao về số tuổi “thần thánh” này. Tài tử DiCaprio có lịch sử hẹn hò với phụ nữ dưới 25 tuổi. Người ta nhận xét rằng dưới 25 tuổi là độ tuổi “trẻ trung” của phụ nữ. Và một tin đồn lâu năm bỗng nổi tiếng trở lại, đó là 25 tuổi chính xác là khoảng thời gian bộ não của chúng ta đã phát triển toàn diện.

Sự “thần thánh hóa” con số 25

Có một niềm tin khoa học đại chúng trong thập kỷ qua rằng tuổi 25 đánh dấu độ tuổi mà bộ não con người “phát triển đầy đủ” hoặc “trưởng thành”. Khẳng định này đã được sử dụng như một lời giải thích cho một loạt các hiện tượng. Sau 25 tuổi, việc học trở nên khó khăn hơn, khả năng quản lý rủi ro và lập kế hoạch dài hạn của bộ não phát huy hết tác dụng khi chúng ta 25 tuổi. Thậm chí có trang còn khuyên nhủ mọi người không nên kết hôn trước thời điểm đó.

Có đúng là đến 25 tuổi não bộ con người mới phát triển toàn diện và đây là con số “thần thánh” quyết định độ trưởng thành? - Ảnh 1.

Một số bạn trẻ còn coi tuổi 25 là một bước ngoặt với những đặc tính có vẻ kỳ diệu. Trong một chủ đề trên Reddit, một thanh niên 24 tuổi hỏi liệu những người dùng mạng lớn tuổi hơn, có lẽ khôn ngoan hơn có nhận thấy những thay đổi sau tuổi 25 hay không và đề tài này được bàn tán cực kỳ sôi nổi.

Vậy thì điều gì xảy ra với bộ não của bạn ở tuổi 25? Và làm thế nào mà rất nhiều người có ý tưởng rằng một điều gì đó sâu sắc sẽ xảy ra ở độ tuổi cụ thể đó? Nghiên cứu khoa học thần kinh trong hai thập kỷ qua đã cung cấp một số manh mối.

Khoa học phản bác

Về mặt cấu trúc, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi trẻ lớn lên, vỏ não trước trán, vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát nhận thức trải qua những thay đổi về thể chất. Đặc biệt, họ phát hiện ra rằng chất trắng - các bó sợi thần kinh hỗ trợ giao tiếp giữa các vùng não tăng lên về mặt kích thước cho thấy khả năng học hỏi cao hơn.

Họ cũng tìm thấy những manh mối quan trọng về chức năng của não. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2016 cho thấy khi đối mặt với cảm xúc tiêu cực, những người từ 18 đến 21 tuổi có hoạt động não bộ ở vùng vỏ não trước trán trông giống hoạt động của thanh thiếu niên hơn là hoạt động của những người trên 21 tuổi. Alexandra Cohen, tác giả chính của nghiên cứu và hiện là nhà thần kinh học tại Đại học Emory cho biết sự phát triển não bộ tiếp tục ở độ tuổi 20 của con người.

Có đúng là đến 25 tuổi não bộ con người mới phát triển toàn diện và đây là con số “thần thánh” quyết định độ trưởng thành? - Ảnh 3.

Bà nhận định: “Tôi không nghĩ có điều gì kỳ diệu xảy ra ở tuổi 25. Thành thật mà nói, tôi không biết tại sao mọi người lại chọn con số 25. Vì đó là một con số nghe có vẻ hay chăng?”

Kate Mills, một nhà thần kinh học tại Đại học Oregon, cũng phủ nhận con số 25: “Điều này thật buồn cười đối với tôi. Tôi không biết tại sao lại là 25. Chúng tôi vẫn chưa có nghiên cứu để thực sự nói rằng bộ não đã trưởng thành ở tuổi 25, bởi vì chúng ta thậm chí chưa quyết định được khái niệm “não bộ trưởng thành” là như thế nào”.

Trưởng thành là một khái niệm khó hiểu, đặc biệt là trong khoa học thần kinh. Một quả chuối có thể chín hoặc chưa, nhưng không có thước đo duy nhất nào để kiểm tra để xác định sự trưởng thành của con người. Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu, các nhà thần kinh học định nghĩa trưởng thành là điểm mà tại đó những thay đổi trong não bộ chững lại.

Có đúng là đến 25 tuổi não bộ con người mới phát triển toàn diện và đây là con số “thần thánh” quyết định độ trưởng thành? - Ảnh 4.

Điều đó có nghĩa là đối với một số người, những thay đổi ở vỏ não trước trán thực sự có thể ổn định vào khoảng 25 tuổi, nhưng điều này không xảy ra với tất cả mọi người. Và vỏ não trước trán chỉ là một vùng của não, các nhà nghiên cứu tập trung vào nó vì nó đóng vai trò chính trong việc điều phối “suy nghĩ cao hơn”.

Thế nhưng các phần khác của não cũng cần thiết cho một hành vi phức tạp như ra quyết định. Thùy thái dương giúp xử lý lời nói và ngôn ngữ của người khác để bạn có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra, trong khi thùy chẩm cho phép bạn theo dõi các tín hiệu xã hội.

Theo một bài báo năm 2016 của nhà tâm lý học đến từ Harvard - Leah Somerville, cấu trúc của những vùng này và các vùng não khác thay đổi với tốc độ khác nhau trong suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng có thể phát triển và thu nhỏ lại liên tục trong đời. Trên thực tế, những thay đổi cấu trúc trong não vẫn tiếp tục sau độ tuổi 20 của con người.

Bà viết: “Một nghiên cứu cho thấy đối với một số vùng não, các đường cong tăng trưởng cấu trúc không hề ổn định ngay cả ở độ tuổi 30. Các nghiên cứu khác tập trung vào phép đo cấu trúc não trong suốt tuổi trưởng thành cho thấy những thay đổi về thể tích tiến triển từ độ tuổi 15 đến 90 không bao giờ “dừng lại” và thay vào đó thay đổi liên tục trong suốt giai đoạn trưởng thành của cuộc đời".

Tất cả điều này có nghĩa là bộ não của mọi người có thể trông rất khác nhau ở tuổi 25, và niềm tin “con người chỉ trưởng thành sau 25 tuổi” là sản phẩm hư cấu của đại chúng nhiều hơn.

Nguồn: Slate

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại