Cạnh tranh với các hãng công nghệ là chủ đề nóng của ĐHCĐ Vinasun ngày 28/4. Rất nhiều cổ đông đã bày tỏ ý kiến giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn sau một năm đầy sóng gió của hãng taxi truyền thống này. Năm 2017, cả doanh thu và lợi nhuận của Vinasun theo kế hoạch sẽ giảm sâu.
Chúng tôi chọn ra 10 ý kiến đáng chú ý nhất của các cổ đông trong buổi đại hội:
1. Tôi thấy rằng lãnh đạo công ty đã nhận thức được sức ép của các công ty công nghệ. Có điều duy nhất là nên quyết liệt hơn. Theo tôi, năm qua công ty đã nhận thức được sự nguy hại của các mô hình kinh doanh mới, nền tảng kinh doanh mới và có sự thích nghi. Tuy nhiên, Vinasun có vẻ chậm quá. Càng chậm thì mức tổn hại, thua thiệt đến giá trị công ty càng lớn.
Tôi hiểu là công ty đang quyết liệt trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh . Cụ thể là trước đây, công ty mua xe và kinh doanh trên những chiếc xe tự mua thì bây giờ mình có những ý tưởng liên quan đến mô hình chia sẻ, giao khoán….
Công ty có định hướng nhưng vấn đề là thực hiện có quyết liệt hay không. Quan sát trong thời gian vừa qua, tôi nhận ra rằng công ty phản ứng còn chậm. Grab, Uber thu hút khách hàng bằng cách trợ giá, xâm lấn thị trường và tạo thói quen cho người tiêu dùng. Vinasun đang dùng cách truyền thống qua tổng đài và lượng khách quen cũ. Tôi không hài lòng với Vinasun vì gọi phần mềm xong thì vẫn thanh toán bằng tiền mặt, không liên kết đến các hệ thống thẻ. Đây là sự bất cập trong phần mềm.
Thứ hai là chính sách giá. Công ty không thể chỉ tồn tại trên công-tơ-mét không. Tôi nghĩ nên linh hoạt theo giờ về giá để có những phân khúc khách hàng khác nhau.
2. Vinasun cũng nên áp dụng công nghệ để gọi điện thoại nhanh và kinh doanh thêm xe ôm, đồng thời vẫn làm taxi.
3. Vinasun cạnh tranh vẫn thủ công. Nên theo tôi nghĩ, cách tốt nhất là liên doanh với nước ngoài để nâng cao khả năng quản lý và lái xe.
4. Tham khảo những mô hình xe sạch, thân thiện môi trường. Vì như vậy, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa giúp bảo vệ môi trường.
5. Về vấn đề đầu tư xe mới, có thể dùng tiền thanh lý để làm 3 vấn đề sau: cải tạo chất lượng xe, trả bớt nợ vay và mua lại cổ phiếu. Nhiều nước như Singapore, Nhật… họ cũng dùng xe cũ, không phải mới.
Đặc biệt là vấn đề vệ sinh trong xe. Khi khách bước vào thì đã có cảm giác thoải mái vì xe sạch, thơm tho. Nếu xe mới mà quản lý không tốt thì dở hơn xe cũ. Về nợ vay, nếu lãi suất tăng thì vấn đề này sẽ là gánh nặng cho công ty.
6. Về nhân sự, công ty nên sử dụng người tài bên ngoài hơn là sử dụng phần lớn là người nhà như hiện tại.
7. Tôi không biết lãnh đạo công ty có trực tiếp nghe ý kiến của cấp thấp hơn không hay nghe từ bên thứ ba? Nếu lãnh đạo chưa trực tiếp thì mong công ty sẽ trực tiếp lắng nghe ý kiến của tài xế và cấp thấp hơn kể từ bây giờ.
8. Theo tôi nghĩ cạnh tranh là vấn đề lớn nhất. Còn các vấn đề khác thì ban điều hành quá hiểu, tôi không góp ý thêm. Năm trước, chúng ta nói đến Grab, Uber… và năm nay chúng ta cũng nói đến chuyện đó.
Theo tôi, Uber và Grab xuất hiện, chúng ta phải chấp nhận, đó là cuộc chơi. Vấn đề là chúng ta có chấp nhận quyết liệt hay từ từ.
Một khi chúng ta xác định đó là cuộc chơi thì cần phân tích rõ xem Grab, Uber trốn thuế và nhờ đó thì họ có lợi hơn bao nhiêu. Chúng ta có thể cạnh tranh được hay không? Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng cạnh tranh với Uber, Grab là điều tất yếu và chúng ta phải nhận thức rất nhanh và quyết liệt. Nếu chấp nhận một cách chậm chạp thì chúng ta sẽ thua thiệt.
9. Theo tôi, không nên mua quá nhiều xe. Trong thời gian tới, tăng thị phần có thể bằng cách tận dụng những người có sẵn xe. Đây là chiến lược của Uber và Grab. Mình có thể áp dụng để giảm chi phí. Grab và Uber thành công ở chỗ đó. Họ không phải đặt vốn về việc trang trải cho xe.
10. Tôi thấy vấn đề là ở tâm lý. Theo tôi, người ta chọn Uber, Grab, giá chỉ là một phần thôi. Có những lúc họ đắt hơn cả Vinasun nữa. Vấn đề là sĩ diện của người Việt Nam. Các chàng trai muốn chứng minh với các cô gái rằng mình đi xe hơi. Grab và Uber có dấu hiệu nhận diện không rõ ràng và do đó đánh trúng vào tâm lý khách hàng.