Cổ động viên Nhật Bản mua vé trước tiếc ngẩn ngơ khi giấc mơ Olympic tan tành

Bảo Hà |

Những người đã bỏ ra số tiền lớn để mua vé xem các sự kiện thi đấu nằm trong khuôn khổ Olympic Tokyo 2020 đang rất thất vọng trước quyết định cấm khán giả của ban tổ chức.

Banner quảng bá Olympic Tokyo 2020 treo trên đường phố thủ đô. Ảnh: Reuters

Banner quảng bá Olympic Tokyo 2020 treo trên đường phố thủ đô. Ảnh: Reuters

Ngay cả khi một số sự kiện trước thềm Olympic Tokyo 2020 bị hủy bỏ và số lượng khán giả trong nước bị giới hạn tại mỗi điểm thi đấu, ông Ryuichi Ishikawa vẫn hy vọng sẽ có mặt trên khán đài để cổ vũ cho các vận động viên điền kinh Nhật Bản.

Tuy nhiên, hy vọng của người đàn ông 54 tuổi này và những người đặt vé trước khác đã “tan thành khói mây” vào ngày 8/7 sau khi ban tổ chức thông báo các sự kiện thể thao tại thủ đô Tokyo sẽ được tổ chức mà không có khán giả cũng như chính quyền Tokyo gia hạn tình trạng khẩn cấp COVID-19 đến sau 8/8.

“Đầu tiên, họ thông báo giới hạn số lượng khán giả đến cổ vũ là 10.000 người. Lúc đó, tôi hy vọng vẫn có cơ hội vào cửa. Tuy nhiên, khi nghe thấy số ca mắc mới trong ngày hôm qua vượt con số 900 tại Tokyo, tôi nghĩ thôi xong”, ông Ishikawa chia sẻ.

Ngày 7/7, Tokyo ghi nhận 920 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ. Đây là con số kỷ lục trong gần 2 tháng trở lại đây.

Quyết định cấm khán giả là đòn giáng mới nhất đối với người hâm mộ sau một năm Olympic Tokyo 202 bị hoãn do đại dịch. Theo các cuộc thăm dò dư luận, đa số người Nhật Bản vẫn phản đối việc tổ chức Olympic trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh và tốc độ tiêm chủng chậm trễ.

Ông Ishikawa, làm nhân viên văn phòng tại một công ty điện tử, đã từng tới xem 4 lần Olympic trước đây và lần này ông lên kế hoạch làm tình nguyện viên tại lễ rước đuốc Tokyo. Ông đã chi khoảng 730 USD (16 triệu đồng) mua vé đến xem các trận thi đấu.

Doanh thu từ việc bán vé Olympic ban đầu được dự đoán đạt khoảng 815 triệu USD, trong khi ngân sách cho một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này đã tăng lên hơn 15 tỷ USD, gấp hơn hai lần so với con số ước tính ban đầu.

“Thật đáng tiếc khi họ không thể khống chế được số ca mắc tại đây. Nếu chúng ta có thể triển khai tiêm chủng sớm hơn, chúng ta sẽ có thể tổ chức các sự kiện thể thao như bình thường giống Mỹ và những quốc gia khác”, Keiko Otsubo – một phụ nữ 40 tuổi làm việc cho một công ty công nghệ và có dự định tới xem các cuộc thi ba môn phối hợp.

Theo số liệu thống kê của Reuters, hiện mới chỉ có 1/4 dân số Nhật Bản được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.

Một số người hâm mộ buồn bã vì ban tổ chức đưa ra quyết định cuối cùng cấm khán giả chỉ hai tuần trước khi khai mạc Olympic Tokyo.

“Tôi rất tức giận vì ban tổ chức mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định như vậy”, Shota Tabara (29 tuổi) đã chi 100.000 yên (khoảng 29 triệu đồng) cho các cuộc thi bóng chuyền và bóng rổ.

Ngày 8/7, Bộ trưởng Olympic và Paralympic Nhật Bản Tamayo Marukawa thông báo các sự kiện thi đấu Olympic ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Chiba, Kanagawa và Saitama sẽ diễn ra mà không có khán giả. Quyết định đã được nhất trí trong cuộc họp ngày 8/7 tại Tokyo giữa Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach và đại diện của các bên chịu trách nhiệm tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo gồm ban tổ chức Olympic, Ủy ban Paralympic quốc tế, chính phủ Nhật Bản và chính quyền thủ đô Tokyo.

Olympic Tokyo 2020 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23/7 - 8/8 tới, trong khi Paralympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 24/8 - 5/9, với hầu hết nội dung thi đấu được tổ chức tại Tokyo và khu vực lân cận. Theo ban tổ chức, sẽ có khoảng 15.000 vận động viên và khoảng 78.000 quan chức, nhân viên của các đoàn thể thao từ khắp nơi trên thế giới tham gia các sự kiện thể thao này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại