Cô đồng “đúng nhận, sai cãi” nhiều lần bị hàng xóm mắng vì gõ chuông mõ cả đêm

MINH KHANG - NGUYỄN HUỆ |

Nhiều lần cô đồng Trương Thị Hương bị dân làng la mắng vì gõ chuông mõ cả đêm, không cho hàng xóm ngủ, xe của khách đến xem bói đỗ tràn cả ra đường.

Trưa 9/2, PV VTC News tìm về nhà cô đồng Trương Thị Hương (SN 1987, ở phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) - người đang gây sốt mạng xã hội với câu nói "đúng nhận, sai cãi" khi xem bói bằng cách bổ quả cau.

PV nhiều lần gọi cửa nhưng bên trong nhà không ai phản hồi. Theo ghi nhận, rất nhiều quả cau chưa bổ được đặt trên một chiếc bàn đặt ngay lối cổng đi vào nhà.

Cô đồng “đúng nhận, sai cãi” nhiều lần bị hàng xóm mắng vì gõ chuông mõ cả đêm - Ảnh 1.

Rất nhiều quả cau được đặt trên chiếc bàn ngay lối vào nhà cô đồng Trương Thị Hương.

Những người hàng xóm ở đây cho biết: "Cô ấy không xem đâu, từ mấy ngày nay rồi".

Còn bà N. (70 tuổi, người dân sống gần nhà cô đồng Hương) nhiều lần nhấn mạnh, ở làng này chẳng ai tới xem bói chỗ cô Hương mà chỉ người ở các địa phương khác tìm tới. Có lần bà N. còn thấy người phụ nữ mang theo cả con nhỏ tới đây xem bói.

"Nhiều hôm chúng tôi rất tức, mọi người ra mắng cô Hương không cho hàng xóm ngủ gì, gõ chuông mõ cả đêm. Có lúc xe còn đỗ cả ra đường", bà N. kể.

Cô đồng “đúng nhận, sai cãi” nhiều lần bị hàng xóm mắng vì gõ chuông mõ cả đêm - Ảnh 2.

Theo chính quyền địa phương, bà Hương thường tổ chức hầu đồng ở nhà bố mẹ đẻ.

Trả lời PV VTC News, ông Ngô Văn Tuấn - Trưởng khu dân cư Nam Hà (phường Hiến Thành) xác nhận, khoảng 1 tháng trước, bà Hương cũng bị nhắc nhở vì hầu đồng tới 1h đêm.

"Cách đây hơn 1 tuần, bà Hương gọi điện cho tôi xin hầu đồng. Tôi cũng nhắc nhở hầu đồng là việc của bà Hương nhưng dựa vào đó xem bói xem toán thì địa phương không đồng ý. Cúng bái và hầu đồng thì cũng chỉ tới 22h30 phải tắt loa", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, bố mẹ bà Hương nhiều năm trước đi làm ăn xa. Bà Hương thỉnh thoảng về đây tập trung hầu đồng rồi lại đi chứ không phải ở đây suốt. Lượng người tham gia hầu đồng có thời điểm khoảng 20 người. Từng có lúc, ô tô không để gọn gàng, trong khi ngõ nhỏ nên xảy ra xích mích với hàng xóm. Bản thân ông Tuấn cũng phải tới can thiệp, giảng hoà.

"Mỗi năm bà Hương về vài lần nhưng về không rầm rộ, không báo cáo nên chúng tôi cũng không nắm được", ông Tuấn chia sẻ.

Cô đồng “đúng nhận, sai cãi” nhiều lần bị hàng xóm mắng vì gõ chuông mõ cả đêm - Ảnh 3.

Bên trong nhà bà Hương vẫn còn nhiều tro đốt vàng hương.

Ông Vũ Văn Dung - Chủ tịch UBND phường Hiến Thành cho biết, khoảng 2 tháng nay, bà Hương thường xuyên có mặt ở địa phương, trước đây thì đi suốt.

Chính quyền địa phương từng nhận được điện thoại phản ánh của người dân về việc người phụ nữ này hầu đồng gây tiếng ồn vào ban đêm, ảnh hưởng tới hàng xóm nên địa phương cử người tới nhắc nhở. Bà Hương cũng cam kết không tái phạm.

"Từ khi bà Hương có mặt ở địa phương hầu đồng, chúng tôi cũng vào kiểm tra, nhắc nhở và bà Hương cũng hợp tác. Người dân ở đây ít tham gia, phần lớn từ nơi khác tới", ông Dung cho biết cô đồng Trương Hương chủ yếu xem bói trên mạng xã hội.

Cũng theo vị cán bộ phường, những ngày qua, khi các trang mạng xã hội hot cụm từ "đúng nhận, sai cãi" xuất phát từ các clip đăng trên Tik Tok của cô đồng Trương Thị Hương, chính quyền địa phương đã làm việc với người phụ nữ này và có báo cáo cấp trên cùng cơ quan liên quan. Sau khi làm việc thấy tính chất phức tạp hơn, liên quan mạng xã hội nên Công an thị xã mời bà Hương lên làm việc. Hiện sự việc vẫn đang trong quá trình xác minh, điều tra và chưa có kết quả.

Cô đồng “đúng nhận, sai cãi” nhiều lần bị hàng xóm mắng vì gõ chuông mõ cả đêm - Ảnh 4.

Cô đồng gây sốt mạng xã hội với câu nói "đúng nhận, sai cãi".

Trước đó, rất nhiều bài đăng, dòng trạng thái, video ngắn… được đăng tải trên mạng xã hội kèm cụm từ “đúng nhận, sai cãi” và trở thành hot trend được rất nhiều người sử dụng cả trong văn nói, văn viết.

Cụm từ này chính là câu cửa miệng của cô đồng online Trương Hương, thường xem bói bằng cách bổ cau. Sau khi nêu gia cảnh hay chuyện quá khứ của khách hàng, cô sẽ có câu "đúng nhận, sai cãi", “đúng nhận, sai cãi cho tôi” với ngữ khí dứt khoát, chắc nịch, tự tin.

Trên mạng xã hội, nhiều TikToker cũng theo trend "đúng nhận, sai cãi", làm lại các clip xem bói nhưng thay vì dùng quả cau thì họ dùng loại quả khác như nho, lê, mít, thanh long...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại