Cổ đông chê Coteccons có backlog 30.000 tỷ nhưng lợi nhuận quá mỏng, Chủ tịch Bolat Duisenov nói gì?

Trương Thu Hường |

Trong khi ban lãnh đạo tự tin với lượng backlog cho những năm sau có giá trị lên tới 30.000 tỷ đồng, cổ đông lại tỏ ra băn khoăn khi biên lợi nhuận chỉ khoảng 3%.

Chiều qua (ngày 18/09), Công ty cổ phần xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) tổ chức buổi đối thoại với cổ đông kéo dài hơn 4 tiếng để Chủ tịch HĐQT, TGĐ và Giám đốc điều hành cùng "lên sóng" nói hết về những thắc mắc của cổ đông. Mục tiêu của buổi livestream như ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT miêu tả là: "Biến Coteccons - nhà thầu hàng đầu Việt Nam - thành một cuốn sách mở không có điều gì phải che giấu".

Cách để Coteccons tăng lợi nhuận

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo Coteccons tự hào với những kết quả đã đạt được như: Lượng backlog (đơn đặt hàng tồn đọng) cho những năm sau có giá trị lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng, riêng năm 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng. Trong bảng cân đối kế toán, công ty đang có 2.210 tỷ đồng tiền mặt, tăng hơn 17% so với cùng kỳ và đang hướng tới mục tiêu đạt 3.800-4.000 tỷ đồng tiền mặt trong các năm sau; doanh thu đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với năm tài chính 2023...

"Chúng tôi đang có bảng cân đối kế toán lành mạnh, chỉ số nợ rất tốt, backlog cũng rất ổn, các dự án có ghi nhớ hợp tác cũng rất tốt trong tương lai. Chúng tôi đang có nhiều cơ hội đến mức sự chào mời của các ngân hàng về tín dụng rất tốt nhưng chúng tôi vẫn chưa cần tới. Chúng tôi tạo uy tín vững chắc với khách hàng trong nước và quốc tế. Đã không còn bất cứ nghi ngờ gì là chúng tôi có thực hiện các dự án đúng hạn, chất lượng và an toàn", ông Bolat khẳng định.

Cổ đông chê Coteccons có backlog 30.000 tỷ nhưng lợi nhuận quá mỏng, Chủ tịch Bolat Duisenov nói gì?- Ảnh 1.

Thứ tự từ trái qua phải, ông Trần Ngọc Hải (GĐ điều hành CTD); ông Bolat Duisenov (Chủ tịch HĐQT CTD); ông Võ Hoàng Lâm (TGĐ CTD).

Tuy nhiên, trong khi ban lãnh đạo tỏ ra lạc quan với lượng backlog, lượng tiền mặt và doanh thu lớn, cổ đông lại bày tỏ băn khoăn khi biên độ lợi nhuận của công ty chỉ quanh mức 3%. Điều này có nghĩa dù lượng backlog để lại cho những năm về sau là rất lớn nhưng tương ứng với đó là mức lợi nhuận không quá cao.

Giải đáp vấn đề này, ông Bolat cho biết, lượng backlog hay doanh thu, lợi nhuận hiện tại… bản chất đều là kết quả từ những nỗ lực mà công ty đã thực hiện bền bỉ suốt hơn 2 năm qua. "Và 2 năm trước, chúng ta đang phải đối mặt với giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, các biến động địa chính trị, xung đột trên thế giới… Tất cả đã khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, “bào mòn” lợi nhuận. Nhưng tình hình sắp tới sẽ khả quan hơn và chắc chắn chúng ta sẽ có được nguyên vật liệu với giá mềm hơn, góp phần cải thiện biên lợi nhuận".

Ông Trần Ngọc Hải (Giám đốc điều hành Coteccons) cho biết, thị trường đang có nhiều biến động, cạnh tranh gắt gao và Coteccons cũng đã có những chiến lược phù hợp để thích ứng. Những năm qua, công ty tập trung vào chiến lược Repeat Sales giúp đem lại hiệu quả lớn khi tiếp cận các dự án, giảm bớt chi phí, thời gian, công sức ứng thầu và đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

"Chúng tôi cũng xây dựng chiến lược Supply Chain, có những Partner lớn đồng hành cùng đi với Coteccons qua những dự án quan trọng. Nhờ vậy, chúng tôi xây dựng được chuỗi mua hàng tận gốc. Từ đó, chúng tôi đem lại mức giá hợp lý cho khách hàng trong khi vẫn đảm bảo chất lượng công trình cũng như lợi nhuận của công ty".

Tiếp lời ông Hải, TGĐ Coteccons Võ Hoàng Lâm nhấn mạnh, các chủ đầu tư của Coteccons là những doanh nghiệp lớn, sẵn sàng trả giá cao hơn cho chất lượng tốt hơn. "Là một nhà thầu, Coteccons đương nhiên phải đưa ra mức giá giá hợp lý nhưng mà chúng tôi cũng muốn được nhìn nhận như là Industry Leader, tức là có những giải pháp mới tiên phong. Các chủ đầu tư chấp nhận Coteccons không có giá rẻ nhưng phải là khi chúng tôi đưa ra các giải pháp xuất sắc hơn tất cả các công ty khác trên thị trường. Coteccons sẽ là là công ty đề xuất những giải pháp tổng thể đầy mới mẻ với giá thành hợp lý và điều đó cũng giúp biên lợi nhuận của công ty được cải thiện".

Cổ đông chê Coteccons có backlog 30.000 tỷ nhưng lợi nhuận quá mỏng, Chủ tịch Bolat Duisenov nói gì?- Ảnh 2.

Coteccons sẽ là kỳ lân với phong độ linh dương

Tại buổi đối thoại, ban lãnh đạo công ty thừa nhận, thị giá cổ phiếu chưa phản ánh đúng năng lực và sức phát triển của Coteccons. Nhiều cổ đông cũng cho rằng, giá cổ phiếu CTD biến động rất mạnh, không có tính bền vững như FPT hay HPG, trong khi Coteccons cũng là doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.

Trả lời vấn đề này, ông Bolat cho biết rất vui khi được so sánh với FPT hay Hoà Phát bởi đó là những doanh nghiệp mà Coteccons vô cùng ngưỡng mộ. Ông cũng thừa nhận, 2-3 năm qua, trọng tâm của ban điều hành không phải là góp phần kiểm soát giá cổ phiếu mà dành rất nhiều thời gian tái cấu trúc, phát triển năng lực nội tại, xây dựng văn hoá và giới thiệu văn hoá ấy đến khách hàng.

"Đây có lẽ cũng là lúc chúng tôi cần xem lại tỷ lệ thời gian dành cho những chiến lược, cần tập trung bao nhiêu % để thúc đẩy các hoạt động nội tại cũng như bao nhiêu năng lượng cho việc nhìn vào chu kỳ, thị giá trị cổ phiếu CTD trên thị trường chứng khoán".

Ông Bolat cũng khẳng định mục tiêu đưa công ty tới vốn hoá tỷ đô là không khó. Công ty đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng kép đạt 20-30% mỗi năm. "Chúng tôi sẽ là công ty dáng dấp tỷ đô (kỳ lân) nhưng tốc lực, phong độ và linh hồn của linh dương (tăng trưởng cao - liên tục trong dài hạn). Rất mong quý cổ đông yên tâm về bức tranh sáng trong hiện tại và tương lai của công ty", người đứng đầu doanh nghiệp tỏ ra rất lạc quan với tham vọng vừa là kỳ lân, vừa là linh dương.

Cổ đông chê Coteccons có backlog 30.000 tỷ nhưng lợi nhuận quá mỏng, Chủ tịch Bolat Duisenov nói gì?- Ảnh 3.

Để hiện thực hoá tham vọng lớn, Coteccons đã đề ra 6 kế hoạch cụ thể, gọi chung là chiến lược phát triển bền vững. Một trong những điểm nhấn của chiến lược này là việc đa dạng hoá nguồn thu và tiến ra thị trường thế giới.

Hiện, cơ cấu doanh thu của Coteccons đang có sự chuyển dịch từ xây dựng dân dụng sang công nghiệp. Tỷ trọng doanh thu mảng công nghiệp (chủ yếu là các dự án có vốn FDI) chiếm tỷ lệ tới 50%, dân dụng khoảng 45% và du lịch nghỉ dưỡng khoảng 5%.

Ban lãnh đạo cho rằng khi nguồn thu đa dạng, công ty có thể tăng trưởng ổn định hơn và thực tế thời gian qua, thị trường trong nước chưa phục hồi, họ vẫn có sự bù đắp từ khách hàng nước ngoài, xây dựng mảng công nghiệp.

Mặt khác, Coteccons cũng đang xây những nền móng ban đầu cho thị trường quốc tế với hướng đi chậm mà chắc. Thị trường tại Mỹ đã đem về vài triệu đô doanh thu/ năm và các thị trường khác cũng đang được công ty nhắm đến theo hai hướng:

Thứ nhất là theo chân khách hàng (follow the client) từ Việt Nam ra thế giới, đó là các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu xây dựng ở các nước khác ngoài Việt Nam hay doanh nghiệp Việt tiến ra thế giới, ví dụ VinFast.

Thứ 2 là mở rộng chi nhánh ở những thị trường tiềm năng. Tại đây, Coteccons sẽ liên danh với các công ty địa phương, giao dịch sáp nhập với các công ty bản địa hoặc liên kết với các công ty đa quốc gia...

"Vì mục tiêu phát triển bền vững ở nước ngoài, Coteccons đang xây nền móng rất kỹ nên giai đoạn này không thể nóng vội được. Gần đây tôi đến Mỹ công tác và chứng kiến đội ngũ ở đó làm việc rất cật lực, và họ quá dồn tâm huyết với việc thắng thầu, tìm dự án bên đó. Tôi nhận ra họ đang dần mất kết nối với đội ngũ công ty mẹ ở Việt Nam và tôi rất lo lắng, bởi mục tiêu của chúng tôi là phát triển bền vững. Nếu chúng ta không mang được văn hoá xây dựng ở đây sang các chi nhánh nước ngoài thì đó không phải là điều Coteccons mong muốn", ông Bolat nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại